Theo các chuyên gia kinh tế, tồn kho hàng hóa lớn là hệ quả của lạm phát và là một trong những biểu hiện đầu tiên của đình trệ kinh tế nên cần quan tâm tháo gỡ
Từ thép đến đồ gỗ đều tồn
Ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết 6 tháng đầu năm, sức tiêu thụ sản phẩm thép giảm mạnh do nhiều dự án xây dựng hoãn, dãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công. Bắt đầu từ tháng 3-2011, sản lượng tiêu thụ tháng sau giảm mạnh hơn tháng trước: mức tiêu thụ thép tháng 5 giảm 11,4% và tháng 6 tiếp tục giảm 24,6%. Hiện nay, lượng thép tồn kho thành phẩm lên đến 430.000 tấn, tăng 6,9% so với tháng 5, phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 7 là 590.000 tấn và đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay. Mỗi tháng, DN phải trả lãi từ 300.000 – 400.000 đồng cho một tấn sản phẩm thép tồn kho, tùy vào lãi vay ngân hàng.
Thép đầy kho. (Ảnh chụp tại một cửa hàng trên Quốc lộ 1A, quận Bình Tân - TPHCM). Ảnh: TẤN THẠNH
Ông Phạm Chí Cường cho rằng hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ tính thuế từ 1,5%-3% đối với mặt hàng thép xuất khẩu với lý do ngành này tiêu thụ nhiều điện là chưa hợp lý. Vì như vậy là chặn đường ra của thép trong khi sản phẩm này trong nước đang dư thừa. Hơn nữa, giá điện chỉ chiếm từ 1%-1,2% giá thành thép cán, chỉ phôi thép mới chiếm 6% trong giá thành nhưng các DN không xuất khẩu phôi. Để hỗ trợ DN ngành thép, VSA kiến nghị không áp thuế xuất khẩu thép trong thời điểm hiện nay.
Ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam, cho biết do giá thức ăn tăng cao cũng như nguồn chăn nuôi giảm sút nên sức tiêu thụ thức ăn giảm từ 30%-40% so với cùng kỳ. Hiện các nhà máy sản xuất thức ăn gia súc bị tồn kho nguyên liệu không ít. Những thương hiệu thức ăn có uy tín tiêu thụ mạnh lâu nay hiện cũng bị lượng hàng tồn lên đến 10%-20%.
Nhiều DN sản xuất, kinh doanh đồ gỗ cho hay do chi phí đầu vào tăng cao nên nhiều DN phải điều chỉnh giá bán tăng từ 15%-30% cộng với khó khăn về kinh tế nên sức tiêu thụ các mặt hàng đồ gỗ giảm khá mạnh, từ 30%-50%. Ông Dương Quốc Nam, Giám đốc Công ty Hoàng Nam (chủ thương hiệu Phố Xinh), than thị trường đồ gỗ giảm sâu, dù công ty ông đã chủ động cắt giảm lượng hàng của những sản phẩm khó cạnh tranh nhưng vẫn bị tác động không nhỏ. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cho biết do hợp đồng đã ký kết từ đầu năm nên khi giá nguyên liệu, chi phí sản xuất tăng cao sẽ xảy ra hai tình huống hoặc nhà sản xuất không giao hàng (chịu phạt hợp đồng) thì sẽ phát sinh hàng tồn, còn chấp nhận giao hàng thì sẽ bị lỗ.
Chưa năm nào tồn nhiều như năm nay
Ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cảnh báo chỉ số tồn kho đối với sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm nay cao hơn nhiều so với cùng kỳ nhiều năm. Chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 5 tháng đầu năm tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho cao là sản xuất bia tồn kho tăng 94,3%; sản xuất giường tủ, bàn ghế tồn kho tăng 71,7%; đồ uống không cồn tồn kho tăng 39,9%; thức ăn gia súc tồn kho tăng 37,6%; sợi vải và dệt vải tồn kho tăng 35,4%; ô tô, xe máy tăng 30%...
“Chỉ số tồn kho tăng ở mức cao như vậy là cần lưu tâm vì nó cho thấy sản xuất có tăng nhưng tồn kho lại tăng cao hơn, DN không tiêu thụ được sản phẩm để thu hồi vốn trong khi vẫn phải trả lãi vay ngân hàng”- ông Đỗ Thức lo ngại...
Siêu thị giảm doanh số 20% Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết nhìn vào con số thống kê, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2011 vẫn tăng khoảng 22,6% so với cùng kỳ năm trước nhưng nếu loại trừ yếu tố giá thì chỉ tăng 5,7%. Đây là mức tăng đáng lo ngại vì năm ngoái, loại trừ yếu tố tăng giá, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức gấp đôi là 11,2%. Lượng hàng hóa bán ra rất chậm vì sức mua của người dân tại các siêu thị đã và đang giảm đáng kể. Thống kê của Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho thấy năm ngoái, trung bình một giỏ hàng của khách mua trị giá khoảng 700.000 đồng thì năm nay chỉ còn 500.000 đồng. Giá cả tăng cao, người dân thắt chặt chi tiêu và chỉ mua sắm những mặt hàng thiết yếu cho nhu cầu cuộc sống hằng ngày như lương thực thực phẩm, hàng bách hóa. Tại thị trường TPHCM, ông Ngô Văn Hải, Phó Tổng Giám đốc hệ thống siêu thị Citimart, cũng thông tin khách đến siêu thị mua sắm hiện không còn được “thoải mái” theo sở thích mà thường tính toán chi li hơn. Trước đây, họ mua một xe hàng trị giá 1 triệu - 2 triệu đồng là bình thường còn hiện nay, người tiêu dùng phải đắn đo, suy nghĩ, mặt hàng nào thật cần thiết họ mới mua vì vậy trị giá xe hàng phổ biến chỉ còn vài trăm ngàn đồng. Lâu nay, sức tiêu thụ ở siêu thị đều tăng khoảng 20%/năm nhưng năm nay xem ra không có tăng trưởng... |
Nguồn: Người Lao Động