Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bị EU chống bán phá giá, thép Trung Quốc sẽ "về" Việt Nam nhiều hơn ?

    Với việc Liên minh châu Âu (EU) áp thuế chống bán phá giá các sản phẩm thép từ Trung Quốc và Đài Loan hôm 27/1, giới chuyên gia đang lo ngại về việc thép Trung Quốc sẽ tăng nhập về Việt Nam, và gây ra những bất ổn về thị trường thép.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet


Tuyên bố ngày 27/1 của EC khẳng định cuộc điều tra đã xác nhận rằng thép ống không gỉ của Trung Quốc và Đài Loan và một loại thép ống thép hàn đối đỉnh đang được bán phá giá tại châu Âu. Các sản phẩm thép nhập từ Trung Quốc sẽ bị đánh thuế từ 30,7-64,9%, trong khi các sản phẩm của Đài Loan sẽ phải đối mặt với mức thuế từ 5,1-12,1%.

Giới chuyên gia đánh giá biện pháp này là một phần nỗ lực mà EU thực hiện nhằm kiềm chế Trung Quốc, nước sản xuất hơn một nửa lượng thép trên thế giới, vì cáo buộc tràn ngập thị trường toàn cầu.
Trước đó, Mỹ cũng đã áp mức thuế chống bán phá giá 266% nhằm vào một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tại Việt Nam, theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2016, thời điểm Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với các sản phẩm thép của Trung Quốc, Việt Nam đã nhập khẩu từ Trung Quốc 10,85 triệu tấn thép, trị giá hơn 4,45 tỷ USD, tăng 14,25% về lượng và 7,1% về giá trị.

Thép Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục là mối đe dọa với thép Việt là thực tế hiển nhiên. Cụ thể, trong năm 2016, sau khi có kiến nghị của các doanh nghiệp thép trong nước và tiến hành điều tra, ngày 1/9/2016, Bộ Công thương đã áp thuế chống bán phá giá đối với các mặt hàng thép mạ nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế dao động từ 5 - 30%.


Trước đó, ngày 7/3/2016, Bộ Công thương cũng đã áp thuế tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu với mức thuế lần lần lượt là 23,3% và 14,2%.


Tuy nhiên, việc gia tăng nhập khẩu thép Trung Quốc trong năm 2016 và những năm liền kề trước đó cho thấy tới 3 thực tế cùng lúc:


Một là sau nhiều năm áp dụng các chính sách ưu đãi để khuyến khích phát triển, thì thép Việt Nam vẫn chưa có khả năng cạnh tranh về giá với thép Trung Quốc.


Hai là các hàng rào kỹ thuật của Việt Nam như tiêu chuẩn, hạn ngạch, mức thuế… vẫn chưa đủ đảm bảo để ngăn được các sản phẩm tương tự nhập khẩu với giá rẻ, thậm chí là nhập khẩu để bán phá giá tại thị trường trong nước và từ đó phá hoại sản xuất thép nội địa.


Ba là do Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại, với các ưu đãi thuế dành cho các sản phẩm xuất khẩu xuất xứ từ các nước tham gia hiệp định, nên đương nhiên sẽ có sản phẩm tương tự từ các nước khác (trong đó có thép Trung Quốc) tìm cách nhập khẩu để sau đó “mượn” xuất xứ Việt Nam và xuất khẩu vào các thị trường được ưu đãi thuế quan.

Thực tế, trong năm 2016 và vài năm trước đó, trong khi Việt Nam áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu, thì nhiều sản phẩm thép xuất xứ từ Việt Nam (như ống thép, tôn mạ, đinh tán, thép hình…) cũng bị kiện chống bán phá giá tại nhiều thị trường lớn như Malaysia, Thái Lan, Úc, Mỹ, EU…Và thực tế không ít sản phẩm thép của một số doanh nghiệp Việt đã bị áp thuế chống bán phá giá.

Trong tình hình ấy, có thể thấy, việc EU (và sắp sửa có thêm một số nước khác) áp thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc, thì hoàn toàn có khả năng sẽ kích thích gia tăng hoạt động nhập khẩu thép Trung Quốc về Việt Nam, sau đó “chế lại” xuất xứ trước khi xuất khẩu để được hưởng ưu đãi thuế.

Cần lưu ý là, theo các quy định hiện hành, việc lách luật để nhập khẩu thép – dù là thép Trung Quốc hay nước khác có giá rẻ hơn – không phải là hoạt động thương mại có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cũng có nghĩa sẽ rất khó ngăn cản các sản phẩm thép này gia tăng nhập khẩu về Việt Nam.


Vấn đề là ở chỗ, việc thiếu các hàng rào đủ mạnh để kiểm soát sẽ khiến lượng không nhỏ thép nhập khẩu thẩm thấu và làm mất bình ổn thị trường thép nội địa. Đồng thời, làm xấu uy tín Việt Nam trong thực hiện các điều ước quốc tế, khi mở đường cho các sản phẩm của các nước ngoài hiệp định gây rối loạn thị trường các nước tham gia hiệp định.


Với cả hai hệ quả ấy, dường như lợi ích từ việc mua được thép nhập khẩu với giá rẻ, thậm chí là bán phá giá, cũng khó mà bù đắp được về lâu dài.


Cuối cùng, việc tham gia các điều ước, hiệp định thương mại là nhằm khuyến khích phát triển thị trường và sản xuất của các nước tham gia. Nhưng khi việc tham gia này chưa tạo lợi ích cho sản xuất trong nước, mà lại tạo điều kiện cho sản phẩm xuất xứ từ nước không tham gia hiệp định có thể trục lợi, thì liệu mục tiêu hội nhập có còn là cần thiết ?

Nguồn tin: Viettimes

ĐỌC THÊM