Từ đầu năm đến nay, thép Trung Quốc phải đối mặt với 15 cuộc điều tra chống bán phá giá, nhiều hơn tổng số cuộc điều tra trong cả năm trước trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và đại dịch Covid-19 thúc đẩy mạnh mẽ chủ nghĩa bảo hộ trên toàn cầu.
Cụ thể, Anh, Australia, Mỹ và Thái Lan đồng loạt tiến hành các cuộc điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm thép gồm thép tấm, thép sợi, dây mạ kẽm... của Trung Quốc. Sau khi điều tra chống bán phá giá, tháng trước, Thái Lan tuyên bố áp thuế chống bán phá giá 35,67% với thép cuộn và tấm mạ kẽm nhúng nóng từ Trung Quốc.
Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc khiến thế giới ngập trong thép giá rẻ, chủ yếu do nguồn cung thừa mứa nội địa. Ảnh: Reuters.
Tháng 3, Ủy ban châu Âu cũng áp thuế bán chống phá giá từ 50,3-66,4% lên thép nhập khẩu từ Trung Quốc trong vòng 5 năm. Vào tháng trước, EU gia hạn thuế chống bán phá giá từ 17,2-27,9% đối với thép chống ăn mòn từ để ngăn các nhà xuất khẩu Trung Quốc.
Là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đã bị cáo buộc khiến thế giới ngập trong thép giá rẻ, chủ yếu do nguồn cung thừa mứa nội địa. Theo Hiệp hội Thép Thế giới, năm ngoái, Trung Quốc sản xuất 996 triệu tấn thép thô, chiếm hơn 50% tổng sản lượng 1,8 tỷ tấn thép toàn cầu.
Năm ngoái, Trung Quốc đối mặt với 13 cuộc điều tra chống bán phá giá với các sản phẩm thép xuất khẩu. Tuy nhiên, năm 2020, khi dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, nhiều quốc gia châu Á bắt đầu làm mọi thứ để bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước.
Dù vậy, theo Korrakod Padungjitt, đại diện một công ty thép tại Thái Lan và cũng là tổng thư ký của Câu lạc bộ Công nghiệp Gang thép Thái Lan, thuế chống bán phá giá với thép Trung Quốc chỉ như “muối bỏ bể”. Ông cho biết thép Trung Quốc bắt đầu tràn sang Thái Lan từ đầu những năm 2000 và ngày càng chèn ép thị phần của các nhà sản xuất nội địa. Sự tấn công của thép Trung Quốc dữ dội đến mức nhiều nhà sản xuất nước này đã trộn hợp kim vào thép để lách thuế tại Thái Lan, theo Padungjitt. Vấn đề này cũng thường xuyên được đưa ra thảo luận tại các cuộc họp thường niên giữa Hội đồng Sắt thép ASEAN và Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc.
Ngành sản xuất công nghiệp Thái Lan chịu tổn thất nặng nề bởi đại dịch khi cả đầu tư và tiêu dùng đều lao dốc. Hồi tháng 7, sản xuất ôtô của nước này sụt tới 47% so với cùng kỳ năm trước, gây ra cú sốc lớn cho ngành thép.
Theo Mireya Solis, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Đông Á tại Viện Brookings (Mỹ), vấn đề thép Trung Quốc bán phá giá đã tồn tại từ lâu nhưng càng trở nên “nóng” hơn trong bối cảnh đại dịch và chủ nghĩa bảo hộ lan rộng trên toàn cầu. Đại dịch cũng gây ra những thách thức mới khiến hợp tác thương mại giữa các nền kinh tế trở nên yếu đi, bà Solis nhận định.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, việc bán phá giá của thép Trung Quốc có thể sẽ không tràn lan như trước khi nền kinh tế nước này bắt đầu phục hồi sau đại dịch, khiến nhu cầu thép tăng mạnh. Thậm chí, nước này đã có tháng nhập siêu thép thứ hai liên tiếp hồi tháng 7 dù sản lượng thép nội địa tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sang tháng 8, Trung Quốc xuất khẩu 3,68 triệu tấn thép, giảm từ 4,2 triệu tấn của tháng trước và 5,01 triệu tấn của tháng 8/2019. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu thép của nước này trong tháng 8 cũng giảm nhẹ xuống còn 2,26 triệu tấn so với tháng 7 nhưng vẫn tăng gần gấp 3 lần so với tháng 8/2019.
Nguồn tin: Ndh