Quy định “siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối”, và “mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá; các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền” tại dự thảo nghị định của Bộ Công Thương đang gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương đang “can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, bởi đây là vấn đề của thị trường”...
Dự thảo gây tranh cãi
Bộ Công Thương đang tiến hành lấy ý kiến nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, trong đó tiếp tục giữ những quy định về tiêu chuẩn của một siêu thị và trung tâm thương mại. Theo đó, chỉ các cơ sở kinh doanh thương mại có đủ các tiêu chuẩn quy định tại nghị định này mới được đặt tên là siêu thị hoặc trung tâm thương mại. Một siêu thị muốn được công nhận là siêu thị phải có diện tích kinh doanh từ 250m2 đến dưới 10.000m2. Kèm theo đó là các tiêu chuẩn về xây dựng, thiết bị bán hàng, tiêu chuẩn về kho, khu vệ sinh, các dịch vụ phục vụ người khuyết tật và trẻ em...
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có một số ý kiến đóng góp về dự thảo này. Đáng chú ý, đại diện VCCI cho rằng, các quy định này có tính chất như một dạng điều kiện kinh doanh, trong khi hoạt động siêu thị, trung tâm thương mại không được xem là một dạng ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Đầu tư.
Mặc dù mục đích của dự thảo hướng tới mục tiêu “cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối” nhưng theo VCCI, các quy định dự kiến tại nghị định lại được thiết kế theo hướng thêm nhiều ràng buộc một số hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
Can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN
Liên quan tới đề xuất quy định “Siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả các ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10h sáng đến 22h tối”, đại diện VCCI cho rằng đó là can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của thị trường, nhà nước không cần/không nên can thiệp.
Về quy định “mỗi năm, các siêu thị, trung tâm thương mại chỉ được tổ chức 3 đợt bán hàng giảm giá. Các đợt giảm giá phải được chấp thuận bởi cơ quan có thẩm quyền”. Đại diện VCCI cho rằng các quy định giới hạn về khuyến mại tại siêu thị, trung tâm thương mại là sự can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý.
“Nếu lo ngại các đợt giảm giá tại siêu thị, trung tâm thương mại sẽ ảnh hưởng đến thị trường cạnh tranh thì cần phải kiểm soát theo pháp luật cạnh tranh, chứ không phải kiểm soát riêng theo cách này” - VCCI góp ý.
VCCI cho rằng, việc phê duyệt phương án kinh doanh của UBND là sự can thiệp sâu vào quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp một cách bất hợp lý. Hơn nữa, xét về tính minh bạch, đây được xem là một dạng giấy phép tuy nhiên không rõ về tiêu chí và thủ tục để có được loại giấy phép này.
Bộ Công Thương nói gì?
Sau khi các ý kiến phản hồi, đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết: “Đây là bước đầu tiên để lấy ý kiến trước khi Bộ Công Thương hoàn thiện hồ sơ gửi Bộ Tư pháp thẩm định, trình Chính phủ xem xét, thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối”. Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định này là dựa trên chủ trương chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 12070/VPCP ngày 11 tháng 11 năm 2017 của Văn phòng Chính phủ.
Căn cứ vào quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, sau khi tổng kết việc thi hành pháp luật và đánh giá thực trạng các vấn đề liên quan đến chính sách về chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa, trên cơ sở kiến nghị của các địa phương, Bộ Công Thương đã gửi lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan về đề nghị xây dựng nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối.
Khi đề xuất xây dựng Dự thảo Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối, mục tiêu Bộ Công Thương đưa ra là khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành, đồng thời đảm bảo tính kế thừa của các quy định. Việc này nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, cửa hàng và trung tâm đấu giá hàng hóa cũng như các hoạt động kinh doanh bán buôn, bán lẻ, đại lý, nhượng quyền thương mại, mua bán sáp nhập có liên quan; cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hội nhập kinh tế quốc tế về phát triển và quản lý ngành phân phối. Các quy định cũng giúp bảo vệ người tiêu dùng, đảm bảo hàng hóa lưu thông tại các kênh phân phối này có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
“Bộ Công Thương hoan nghênh mọi ý kiến góp ý đối với đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về phát triển và quản lý ngành phân phối được hoàn thiện. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện đề xuất xây dựng dự thảo nghị định theo đúng trình tự và quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” - Vụ Thị trường trong nước cho hay.
Nguồn tin: Lao động