"Một chút may mắn, nỗ lực từ chuyện học đến chuyện làm và cố gắng sống đàng hoàng", Trần Sĩ Chương, người được nhận làm cố vấn ở Quốc hội Mỹ khi tốt nghiệp ĐH Johns Hopkins và hiện là một chuyên gia kinh tế có uy tín ở Việt Nam, chia sẻ bí quyết thành công của mình.
- Vì sao anh chọn Quốc hội Mỹ để làm việc sau khi ra trường?
- Đấy là một may mắn sau quãng thời gian dài nỗ lực, và phải thực sự nỗ lực thì mới nắm bắt được cơ hội này. Lúc đi học ngành Quan hệ quốc tế tại ĐH Johns Hopkins ở Washington DC, tôi thấy học là một chuyện, phải vào trong hệ thống của xã hội và chính trường Mỹ thì mới hiểu được thực chất cái mình học là gì, áp dụng nó ra sao.
Cơ quan quyền lực cao nhất ở Mỹ là quốc hội. Ông Chủ tịch ủy ban ngân sách của Quốc hội quan trọng hơn ông bộ trưởng tài chính nhiều vì quốc hội Mỹ nắm hầu bao. Chính Quốc hội sẽ quyết định chi bao nhiêu tiền, cho chuyện gì, và ai làm. Xác định vậy, nên tôi quyết định đi làm cho Quốc hội.
Ở Quốc hội cũng có phòng nhân sự, cũng nhận đơn nhưng mà không ai xem đơn xin việc để tuyển dụng cả vì họ nhận được nhiều quá, ai mà coi hết được (sau này khi tôi vào làm mới biết, mỗi ngày văn phòng nhận khoảng 200 đơn xin việc).
Anh Trần Sĩ Chương. |
Tôi đã nộp đơn xin việc tới 535 văn phòng thượng nghị sĩ ở Quốc hội nhưng chẳng có ai trả lời. Trước thời điểm ra trường vài tháng, mỗi buổi chiều tôi đi tới 5-7 văn phòng hỏi xin việc nhưng mà đến đâu người ta cũng thờ ơ. Cứ thế, ghé cả trăm nơi cũng không thấy ai tiếp nhận. Trong khi các bạn ra trường đi làm ở Phố Wall lương cơ bản đã cả trăm nghìn USD, tiền thưởng cuối năm có bạn được 500 nghìn USD, có người được 2-3 triệu USD… Còn tôi, nếu làm ở Quốc hội, lương chỉ được 50.000 USD, một khoản thu nhập rất nhỏ. Nhưng tôi coi đi làm ở đây như là để học thêm, một trường học cho những điều lớn hơn…
- Bằng cách nào anh được nhận làm cố vấn cho Hạ viện?
- Bất chợt, một bữa nọ, sau khi đi đến một loạt các văn phòng nghị sĩ để xin việc mà chả ai thèm quan tâm, tôi buồn buồn ghé vào bar gọi một chai 7up. Người đàn ông ngồi kế bên đang cầm ly whisky thắc mắc: “Sao vào bar mà uống 7up thế này”. Thế rồi hai người bắt chuyện và làm quen, rồi một vài câu chuyện phiếm, về quan hệ quốc tế lúc bấy giờ. Tranh luận xong, người đàn ông ngồi kế bên để lại name card, tôi cũng bỏ vào túi và chẳng suy nghĩ gì về câu chuyện phiếm tại quầy bar cả. Cho đến hai ba hôm sau, lấy cái name card ra, tôi thấy anh ta là chánh văn phòng của một ông nghị sĩ.
Thế rồi anh ta dắt tôi vào gặp sếp của anh ấy. Mới nói được vài câu thì chuông reo (để đi bỏ phiếu), ông nghị sĩ vừa khoác lên người cái áo choàng vừa nói với tôi: “Xin lỗi, tôi đi đã, bao giờ anh đi làm được?”. Tôi hơi bất ngờ khi được nhận vào làm việc và công việc được giao là trợ lý cho ông ấy về ngoại giao và ngoại thương.
Tôi vào được khoảng 6 tháng, ông này lên làm Phó chủ tịch Ủy ban Ngân hàng của Quốc hội. Ủy ban này có hai đại diện, một người là từ đảng cầm quyền chiếm đa số trong Quốc hội, một người là của đảng thiểu số. Sếp của tôi thuộc đảng thiểu số, ông là đại diện cho hơn 200 văn phòng nghị sĩ của đảng đối lập. Ở cấp đó, ông có quyền chỉ định nhân viên vào làm đại diện cho mình. Tự nhiên bữa đó ông vào phòng làm việc của tôi, bảo: “Anh qua làm đại diện cho tôi, nghĩa là tất cả các văn phòng của đảng đối lập nếu có vấn đề gì liên quan đến chính sách tiền tệ, ngân hàng thì họ sẽ gọi đến văn phòng của anh để nhờ tham vấn...”. Tôi giật bắn người, vì công việc này lớn lắm.
- Nó lớn như thế nào, thưa anh? - Thật ra mấy ông nghị sĩ này bận nhiều công việc, nên các ông không biết gì sâu, hầu hết là do ban tham mưu quyết định hết. Khi bỏ phiếu, người trợ lý gật đầu thì ông chọn "Yes", không gật đầu thì ông chọn "No". Hơn 90% các trường hợp là như vậy, chỉ có gần 10%, tức chuyện gì mà ông rất quan tâm thì ông mới chỉ đạo trợ lý với những câu hỏi: "Chuyện này theo anh thì lý luận ra sao, anh cho tôi cái cơ sở?". Nhưng những chuyện này ít lắm. Thành thử chuyên viên, người đại diện có ảnh hưởng rất lớn. Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch FED mỗi năm ra điều trần trước Quốc hội một lần là phải qua hội ý với ban chuyên viên cố vấn Quốc hội trước. - Anh cảm thấy thế nào khi được giao một vị trí quan trọng như thế? - Khi ông sếp đề nghị tôi vào vị trí mới, tôi bảo: “Tôi đang quen làm công việc của một trợ lý ngoại giao và ngoại thương”. Ông ta bảo: “Không, anh cứ làm đi. Anh kiêm hai chức này luôn”. Sau này tôi mới hỏi là: “Ông nghĩ sao mà giao cho tôi vị trí này, tôi cũng đã học nhưng chưa làm một ngày nào trong ngân hàng”. Ông bảo: “Không sao, tôi thấy anh làm việc này được, vì Chủ tịch FED (lúc đó là ông Paul Volker) cùng học ở trường Kinh tế London ra giống tôi. Hai đồng môn thì sẽ giúp công việc “thông đồng bén giọt” hơn”. Nghĩ lại tôi thấy mình thật may mắn, nhưng nếu thực sự lúc đó tôi không nỗ lực thì cơ hội cũng sẽ chẳng bao giờ gõ cửa. - Tại sao anh không tiếp tục xây dựng sự nghiệp ở Mỹ? - Nếu ở Mỹ, tôi có thể có một mức sống tốt hơn. Nhưng ở quê hương mình, chính những lúc khó khăn tôi lại thấy giá trị đóng góp tương đối của mình sẽ cao hơn… Vấn đề không chỉ dừng lại ở chỗ tôi kiếm được gì và làm ra bao nhiêu tiền, mà là ở chỗ tôi đóng góp thế nào để gia tăng giá trị thực của con người tôi, bằng cái tâm của tôi. - Bí quyết thành công của anh là gì? - Thành công là một khái niệm rất tương đối. Tôi chỉ biết là mình cố gắng trang bị để làm được những gì mình thích làm, có giá trị cho chính mình và cho xã hội là sung sướng rồi. Một chút may mắn, nỗ lực hết sức từ chuyện học đến chuyện làm, và… cố gắng sống đàng hoàng. Tôi quan niệm, đàng hoàng là đứng đắn, đứng đắn là phải biết quan tâm đến những người xung quanh mình. Khi tuyển dụng một ví trí trong công ty của mình, tôi không coi trọng bằng cấp và lĩnh vực người đó học, mà chủ yếu quan tâm đến con người của ứng viên.