Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng gì đến ngành thép?

 Hiệp hội thép Đông Nam Á (Seasi) cho biết, trong một thông báo, tính đến tháng 10/2021, chỉ có một số quốc gia xác nhận lịch trình đạt mục tiêu không phát thải cacbon.

Các chiến lược biến đổi khí hậu dài hạn ở ASEAN

Những năm qua, biến đổi khí hậu đã làm thay đổi chiến lược phát triển của nhiều quốc gia. Bởi sự thay đổi của các kiểu thời tiết thông thường đã trở nên khác biệt và cực đoan trong dài hạn, gây ra nhiều hệ lụy, tác động mạnh đến mọi mặt trong đời sống. Khí hậu đang trở nên khó lường, đe dọa cuộc sống và sinh kế của nhân loại. Điều này khiến các nước trên thế giới điều chỉnh, thay đổi chiến lược phát triển, đặc biệt với ngành công nghiệp nặng.

Năm 2019, Singapore trở thành quốc gia ASEAN đầu tiên thực hiện thuế carbon 5 SGD trên mỗi tấn carbon dioxide tương đương (MTCO2e) do các doanh nghiệp thải ra. Giá dự kiến sẽ được điều chỉnh thành 10 – 15 SGD / MTCO2e (7,44 – 11,16 USD / MTCO2e) từ năm 2024 đến năm 2027, sẽ được ghi trong Ngân sách năm 2022.

Đầu năm nay, Singapore cũng đã công bố thành lập một thị trường và trao đổi carbon toàn cầu mới, dự kiến sẽ hoạt động vào cuối năm 2021. Climate Impact X (CIS), nền tảng trao đổi của DBS Bank, Temasek, Standard Chartered và Singapore Exchange (SGX), nhằm mục đích giúp các công ty trở nên xanh hơn và thúc đẩy nỗ lực thiết lập Singapore như một trung tâm thương mại và dịch vụ carbon.

Ngày 17/11/2020, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật sửa đổi về Bảo vệ Môi trường, hợp pháp hóa hoạt động mua bán khí thải carbon. Theo đó, chính phủ sẽ thiết lập một chương trình kinh doanh phát thải carbon phù hợp với bối cảnh địa phương cũng như tuân thủ các hiệp ước quốc tế về biến đổi khí hậu, và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.

Malaysia gần đây đã cam kết đạt mức phát thải bằng không vào năm 2050 trong Kế hoạch 12 Malaysia. Ngoài ra, trong báo cáo Chiến lược dài hạn về khả năng thích ứng với khí hậu và carbon thấp của Indonesia năm 2050 đặt mục tiêu không phát thải cacbon vào năm 2060 hoặc sớm hơn, điều này yêu cầu sử dụng công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS).

Thái Lan đặt mục tiêu đạt mức không phát thải cacbon vào năm 2065 - 2070, sử dụng công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS). Các nước ASEAN khác chưa đưa ra năm mục tiêu để đạt mức phát thải bằng không.

 Để khử carbon yêu cầu một nguồn kinh phí lớn và công nghệ (Ảnh: Euractiv)

Ngày 28/6, 11 trong số các tổ chức lớn nhất và thành công nhất ở Thái Lan đã thành lập Câu lạc bộ thị trường Carbon, với chương trình bù đắp khí thải tự nguyện nhằm mở rộng sang hệ thống mua bán khí thải carbon cho Thái Lan. Ý tưởng là xây dựng một hệ thống giao dịch khí thải tương tự như ở châu Âu và Trung Quốc, nơi các nhà phát thải mua tín chỉ carbon để giảm lượng khí thải carbon của họ.

Tháng 7/2021, Tổ chức Quản lý Khí nhà kính Thái Lan (TGO), phối hợp với Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan đã khởi động “Mạng lưới trung hòa cácbon Thái Lan” nhằm mục đích thiết lập Nền tảng giao dịch cácbon quốc gia cho các ngành công nghiệp nước này. Trong khi đó, Cục Thuế Thái Lan đang nghiên cứu tính khả thi của việc đánh thuế carbon đối với lĩnh vực công nghiệp, với mục đích bảo vệ môi trường.

Indonesia gần đây đã công bố mức thuế carbon mới, với giá 30 IDR/kg CO2e (2,1 USD/MTCO2e). Mức này thấp hơn mức 75 IDR/kgCO2e được đề xuất ban đầu (5,30USD/MTCO2e), do quốc gia này cần phải phục hồi sau Covid-19.

Thuế carbon sẽ được đánh đối với các nhà máy nhiệt điện than ở Indonesia, bắt đầu từ tháng 4 năm 2022. Khí thải trên một giới hạn nhất định sẽ phải chịu thuế. Hiện vẫn chưa có thời hạn cuối cùng cho việc áp dụng thuế carbon đối với tất cả các doanh nghiệp phát thải khí nhà kính. Một thị trường carbon sẽ cho phép các nhà phát thải mua tín chỉ carbon, dự kiến sẽ bắt đầu vào năm 2025.

Trong khi đó, Bộ Tài chính Philippines được cho là thích hệ thống mua bán khí thải hơn là đánh thuế carbon hoàn toàn. Một hệ thống giới hạn và thương mại đã được thảo luận và biện pháp đang chờ xử lý tại Ủy ban Hạ viện về Biến đổi Khí hậu.

Malaysia, trong Kế hoạch 12 Malaysia, cũng đã cam kết đánh thuế carbon, nhưng không có thêm chi tiết nào về việc triển khai.

Những tác động đến ngành thép

Tất cả xu hướng đều cho thấy việc định giá carbon sẽ làm tăng chi phí sản xuất đối với các nhà sản xuất thép ASEAN. Nếu thuế cacbon chưa được đưa ra, thì sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra. Đại diện của Seasi cho biết, một vấn đề là thép nhập khẩu không bị đánh thuế carbon tại các nguồn cung và điểm đến có thể rẻ hơn thép sản xuất trong nước. Điều này cần được các chính phủ xem xét thêm, nếu không ngành công nghiệp địa phương sẽ bị phạt một cách bất công vì những nỗ lực khử carbon của Quốc gia.

Vấn đề này có thể dẫn đến việc xem xét đánh thuế biên giới carbon, tương tự như kế hoạch của Ủy ban châu Âu (EU). EU đã đưa ra kế hoạch về mức thuế biên giới carbon đầu tiên trên thế giới, đối với nhập khẩu thép sử dụng nhiều carbon và các sản phẩm khác, để đáp ứng mục tiêu khí hậu cũng như bảo vệ các ngành công nghiệp nội địa khỏi các nhà sản xuất nước ngoài có thể sản xuất thép với chi phí thấp hơn vì họ không bị đánh thuế đối với sản lượng carbon của họ. Quá trình này sẽ bắt đầu từ năm 2026.

Khi các chính sách của chính phủ phát triển, những nhà đầu tư nên nhận thức được tác động của chính sách về biến đổi khí hậu đối với khoản đầu tư phát thải carbon, chẳng hạn như lò cao và nhà máy than. Trong khi ngành công nghiệp thép toàn cầu cũng đang nỗ lực hướng tới quá trình khử cacbon, tiến tới chuyển sang công nghệ sạch.

Nguồn tin: Kinh tế & Đô thị

ĐỌC THÊM