Lãi suất huy động vàng và ngoại tệ “lạ” đang biến động, trong khi huy động vốn bằng VND của hệ thống ngân hàng liên tục sụt giảm.
Hôm nay (15/11), một số ngân hàng thương mại áp biểu lãi suất huy động mới cho vàng và ngoại tệ.
Tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank), biểu lãi suất huy động vàng áp dụng cho ngày 15/11/2011 ghi nhận mức cao nhất tại các kỳ hạn 3 - 9 tháng với 3,2%/năm; các kỳ hạn 1 và 2 tháng ở mức 3%/năm.
3,2%/năm cũng là mức lãi suất huy động vàng cao nhất trên biểu niêm yết trong hệ thống ngân hàng hiện nay. Tại một số ngân hàng thương mại cổ phần, những mức lãi suất cao áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng hiện cũng đã khá phổ biến từ 2,5% - 2,7%/năm.
Ở diễn biến chung, lãi suất huy động vàng đã tăng nhanh trở lại, khởi đầu từ sự kiện Ngân hàng Nhà nước mở lại hoạt động vàng tài khoản cho một số ngân hàng thương mại.
Diễn biến trên trái ngược với sự điều chỉnh mạnh về lãi suất và cơ cấu kỳ hạn trước đó, khi Ngân hàng Nhà nước có thông tư về ngừng huy động và cho vay bằng vàng từ 1/5/2011 (trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả; việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của tổ chức tín dụng chấm dứt vào ngày 1/5/2012), nhiều ngân hàng đồng loạt rút lãi suất về dưới 1%/năm và phổ biến chỉ từ 0,01% - 0,8%/năm cũng như rút bớt kỳ hạn trong cơ cấu.
Cùng với diễn biến trên, thời gian gần đây thị trường đón nhận những biến động đáng chú ý của lãi suất các ngoại tệ “lạ”. “Lạ” vì thông thường lãi suất ở những ngoại tệ này tại nhiều ngân hàng chỉ áp rất thấp, chỉ từ 0,1% - 0,5%/năm, hoặc không có trong cơ cấu huy động của nhiều nhà băng, hay không phổ biến trong thanh toán xuất nhập khẩu như đồng USD.
Hôm nay (15/11), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) quyết định tăng lãi suất tiền gửi, tiết kiệm EUR và CAD. Lãi suất huy động EUR cao nhất đã lên 3%/năm ở kỳ hạn 12 tháng; còn với CAD cao nhất là 1%/năm ở các kỳ hạn từ 3 – 12 tháng.
Tại một số thành viên, như Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB), lãi suất huy động EUR cao nhất cũng đã ở mức 4%/năm cho các kỳ hạn từ 12 – 24 tháng. Tại TinNghiaBank các kỳ hạn từ 12 – 24 tháng ở mức 3,1% - 3,2%/năm…
Đáng chú ý là lãi suất huy động AUD cũng tăng mạnh sau khi HSBC Việt Nam áp tới 4%/năm cách đây hơn một tháng. Lãi suất huy động ngoại tệ này tại Eximbank cũng ở mức cao, từ 3,5% - 3,7%/năm ngay ở các kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng. Tương tự tại SCB, lãi suất huy động AUD cũng có từ 3,5% - 3,8%/năm ở các kỳ hạn từ 1 - 12 tháng.
Trong khi đó, tại những thành viên như Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Á châu (ACB)…, các ngoại tệ “lạ” không có trong biểu lãi suất huy động, hoặc chỉ ở mức rất thấp từ 0,3% - 0,5%/năm đối với EUR như tại Vietcombank, cao nhất chỉ 1,5% - 1,9%/năm như tại ACB, Techcombank.
Những biến động trên của lãi suất huy động vàng và ngoại tệ “lạ” được đặt trong bối cảnh huy động vốn của toàn hệ thống liên tiếp giảm trong hai tháng vừa qua, theo dữ liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước. Đáng chú ý là trong kết quả đó, huy động vốn giảm mạnh ở VND trong khi bằng ngoại tệ lại tăng đáng kể.
Nguồn tin: vneconomy