Bộ Công Thương đang trình Chính phủ đưa 5 mặt hàng thiết yếu, gồm: gạo, đường, thép, phân bón, thức ăn chăn nuôi vào diện dự trữ lưu thông bắt buộc với số lượng lên đến 10-12%.
công nghệ sản xuất của từng doanh nghiệp
Một năm rưỡi, giá tăng 25 lần
Dù được Nhà nước tạo rất nhiều ưu đãi nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn liên tục tăng làm người chăn nuôi khốn đốn. Tháng 9/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi vào danh mục mặt hàng bình ổn giá. Sau một năm rưỡi quyết định có hiệu lực, kết quả của chương trình là giá thức ăn chăn nuôi đã tăng tổng cộng 25 lần, do thiếu các hướng dẫn cụ thể! Mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cũng được đưa vào mặt hàng bình ổn giá nhưng do Việt Nam phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi nên giá đầu vào biến động hàng giờ theo tỉ giá, giá xăng dầu, giá cước vận chuyển… nên giá thức ăn chăn nuôi cũng liên tục “nhảy nhót”! “Chương trình bình ổn giá thức ăn chăn nuôi giống như là cái bánh vẽ đưa ra cho người chăn nuôi mà thôi”, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi thẳng thắn nhận xét. Bởi theo ông Bình, làm sao đi kiểm tra giá các doanh nghiệp, dựa vào đâu để kiểm tra, thanh tra và buộc doanh nghiệp không được tăng giá?
Hơn nữa, trong khi các doanh nghiệp sản xuất khó lòng mua bán được ngoại tệ bằng giá niêm yết của ngân hàng, lãi suất cũng không được hỗ trợ thì đòi hỏi bình ổn giá là không hợp lý. “Mọi nguyên liệu đầu vào như xăng dầu tăng, điện cũng tăng, chi phí nhân công tăng… sao không cho thức ăn chăn nuôi tăng?”, ông Bình thắc mắc.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Thức ăn chăn nuôi Thành Lợi (Bình Dương) nói rằng, trong bất cứ ngành nào, bình ổn giá thì phải bình ổn cả đầu vào lẫn đầu ra, nếu chỉ bình ổn đầu ra là làm khó doanh nghiệp.
Giá vẫn “sốt” dù cung vượt cầu
Theo ông Phạm Chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 5 năm qua, mức tiêu thụ thép chỉ chiếm 50-60% công suất sản xuất thép xây dựng của các công ty, cung luôn vượt cầu. “Vì thế, biến động giá cả thép trên thị trường không phải do thiếu thép mà chủ yếu do biến động giá nguyên liệu quyết định, cụ thể là giá quặng sắt, giá than, xăng dầu, phôi thép, giá thép phế...”, ông Cường khẳng định. Do phải lệ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, trong đó 40% nhu cầu phôi và 70% nhu cầu thép phế (để luyện thành phôi thép), nên tình trạng giá thép trong nước luôn phải “chạy” theo giá nguyên liệu thế giới là không tránh khỏi. Ông Cường cũng cho rằng tình hình khan hiếm thép chỉ xảy khi giá thép và nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh, công ty thương mại găm hàng chờ giá lên trong khi các công ty sản xuất nhập nguyên liệu cầm chừng vì sợ rủi ro.
Chưa kể hiện nay số lượng các công ty sản xuất thép có thể nắm chính xác, nhưng số các công ty kinh doanh xuất nhập khẩu thép thì không thể nắm được. Vì các công ty này họ kinh doanh nhiều mặt hàng, nhưng “họ chỉ xuất nhập khẩu theo nhu cầu thị trường và chỉ mua bán khi có lợi nhuận nên việc quy định dự trữ bắt buộc đối với các công ty này là không thực hiện được”, ông Cường nhấn mạnh. Đồng ý quan điểm với ông Cường, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thép Việt khẳng định không thể bắt ép doanh nghiệp “phải làm thế này hay thế kia” và doanh nghiệp chỉ có thể đáp ứng một phần yêu cầu nói trên đối với cơ quan Nhà nước cho những vấn đề có liên quan đến Pháp lệnh giá, hoặc khi bị thanh tra. “Còn quyết định giá mua giá bán như thế nào, phải dự trữ nguồn nguyên liệu ra sao là việc riêng của mỗi doanh nghiệp”, ông Thái nhấn mạnh. Mặt khác, giá bán của các doanh nghiệp thép có sự khác nhau tùy thuộc vào thương hiệu, vào công nghệ sản xuất. Nếu quy định cùng một mức giá cho tất cả các vùng miền là đều không thể thực hiện được.
Giải quyết khâu phân phối
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng biến động giá phân bón thời gian qua chủ yếu ở mặt hàng phân urê vì Việt Nam sản xuất cung không đủ cầu. Nay tình hình đã khác. Đến thời điểm 1/4/2011, tổng công suất các nhà máy đạm Hà Bắc, Phú Mỹ bằng 990.000 tấn, gần đạt 60% thị phần nhu cầu urê cho cả nước. Đến cuối năm 2011 sẽ đáp ứng được 90% nhu cầu cả nước từ nguồn cung urê ở Ninh Bình và đầu năm 2012 sẽ thừa để xuất khẩu khi nhà máy đạm Cà Mau đi vào hoạt động với công suất 800.000 tấn/năm. Trong khi các loại phân khác như NPK, phân hữu cơ, phân vi sinh, các loại phân lân… hiện nay vẫn chưa sử dụng hết công suất.
Do vậy, với quy định “giá bán lẻ hàng hóa dự trữ lưu thông bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%” như dự thảo nêu chỉ có lợi cho các công ty trung gian, không đến người sử dụng. Chưa kể việc làm này sẽ hình thành cơ chế xin cho, dễ phát sinh tiêu cực trong khâu lưu thông phân phối, Nhà nước chịu thiệt mà người tiêu dùng cũng không được hưởng. “Hệ thống cung ứng phân bón hiện nay phải qua quá nhiều tầng nấc. Cứ mỗi cấp hưởng một ít lợi nhuận nên khi phân bón đến nông dân thì giá đội lên gấp nhiều lần”, ông Thúy thừa nhận. Đó cũng là vấn đề mà ngành thép đang phải đối mặt và vẫn không có lời giải từ hàng chục năm qua.
* Dự thảo đưa mức dự trữ lưu thông bắt buộc tối đa dự kiến 10% lượng thép và 5% lượng phôi thép mà doanh nghiệp nhập khẩu năm trước (đối với doanh nghiệp nhập khẩu); 3% lượng phôi thép mà doanh nghiệp đã sản xuất năm trước (đối với doanh nghiệp sản xuất phôi thép). Giá bán lẻ bắt buộc thấp hơn giá thị trường tại thời điểm bán ra ít nhất 10%, do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm bán ra.
* ''Muốn tạm trữ lưu thông thì quan trọng nhất là vấn đề kho bãi, tín dụng, lãi suất…, trong khi đây lại là những vấn đề cực kỳ căng thẳng đối với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay. Không giải được bài toán trên thì rất khó để tạm trữ''.
(Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam)
Nguồn tin: DDDN