Tại mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng sắt khoảng 500 triệu tấn, đây là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều tối qua 30/8, phóng viên báo CAND đặt câu hỏi tới lãnh đạo Bộ Kế hoạch Đầu tư (KH&ĐT) và người phát ngôn Chính phủ liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh.
Phóng viên đặt vấn đề: “Dự án mỏ sắt Thạch Khê dừng gần chục năm nay, vừa rồi, với chức năng được Chính phủ giao rà soát tổng thể, Bộ KH&ĐT kiến nghị dừng nhưng Bộ Công Thương lại phát ngôn rằng kiến nghị của Bộ KH&ĐT không đủ cơ sở thực tiễn và khoa học. Tôi xin hỏi ông Đặng Huy Đông Thứ trưởng Bộ KH&ĐT là Bộ có ý kiến thế nào về phát ngôn của Bộ Công Thương? Xin hỏi Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP, Báo chúng tôi có về thực tế tại hiện trường. Người dân ở đấy cực kỳ khó khăn, hơn chúng ta tưởng tượng rất nhiều, có những hộ dân sống từ năm 2010 tới giờ vẫn không có điện. Họ sống ở trong vùng dự án, bị giải tỏa. Quan điểm của Chính phủ liên quan tới dự án này như thế nào?”.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông. Ảnh V.Cường
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông, cho biết Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị cho dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê, xuất phát từ 4 quan ngại: Thứ nhất là năng lực nhà đầu tư; thứ hai là tác động môi trường; thứ ba là thị trường tiêu thụ quặng sắt và cuối cùng là vấn đề giao thông vận tải.
“Đây là một kiến nghị của Bộ KH&ĐT dựa trên sự cân nhắc tính toán rất kỹ lưỡng. Tôi trực tiếp được nghe Bộ trưởng nói một lần về vấn đề này. Trực tiếp Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng không những chỉ nghe báo cáo, xem tài liệu mà trực tiếp đồng chí đi thị sát và thấy quan ngại. Từ đấy chúng tôi đã có đề xuất như vậy”, Thứ trưởng Đông nói.
Cũng liên quan đến dự án mỏ sắt Thạch Khê, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thông tin thêm: “Mỏ sắt Thạch Khê là chủ trương của Bộ Chính trị, của Chính phủ những khóa trước từ cách đây chục năm. Trữ lượng quặng sắt 500 triệu tấn là rất lớn, là nguồn tài nguyên, khoáng sản cực kỳ có giá trị với nước ta. Có thể nói rằng Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam đã có những chi phí cho vấn đề đầu tư nghiên cứu lập dự án. Hôm nay, chúng ta ngồi đây bảo quyết định dừng hay không dừng thì không có cơ sở. Về vấn đề này, phía Hà Tĩnh cũng có quan điểm khác nhau, các bộ ngành có quan điểm như thế, báo chí nêu rất đúng”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói: “Hôm làm việc với tỉnh Hà Tĩnh, quan điểm của Thủ tướng đây là vấn đề phải có đánh giá, căn cứ khoa học, đánh giá về kỹ thuật, môi trường, hiệu quả kinh tế và tác động của dự án tới tăng trưởng, lợi ích của đất nước, lợi ích địa phương như thế nào; cần có một cơ quan đánh giá một cách độc lập. Đây là một việc rất hệ trọng, sau đó sẽ báo cáo với Chính phủ, Chính phủ báo cáo với Bộ Chính trị, lúc đó sẽ quyết định. Tinh thần là chúng ta phải ngồi với nhau khách quan, chứ chúng ta ngồi đây bảo không hay có thì cũng không có cơ sở. Theo tôi nên thống nhất đánh giá như thế”.
Bộ KH&ĐT nói dự án không khả thi
Mới đây, sau khi Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam đề xuất “hồi sinh” lại việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê, Bộ Công Thương bày tỏ đồng tình nhưng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh tỏ rõ sự băn khoăn trước nhiều vấn đề. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT làm “trọng tài”.
Sau nhiều cuộc họp, ghi nhận ý kiến các bên, Bộ KH&ĐT đã có ý kiến gửi Thủ tướng Chính phủ về dự án gây nhiều tranh cãi này.
Hoạt động bóc đất tầng phủ bạt tại dự án Mỏ sắt Thạch Khê
Cụ thể, Bộ KH&ĐT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương cho phép Công ty CP sắt Thạch Khê dừng dự án khai thác sắt Thạch Khê và dừng cả dự án sản xuất phôi thép công suất 2 triệu tấn/năm tại đây.
Lý do Bộ KH&ĐT đưa ra là do năng lực tài chính của Công ty CP Sắt Thạch Khê không đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư Tổ hợp dự án theo tiến độ, cho dù tổng mức đầu tư của dự án 3 năm có tơi 2 lần điều chỉnh giảm.
Tháng 12/2014, dự án điều chỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư là hơn 14.500 tỷ. Đến tháng 4/2016 giảm còn hơn 13.000 tỷ, trong đó giai đoạn 1 là hơn 6.600 tỷ. Đến tháng 3/2017, theo đề nghị của Bộ KH-ĐT, Công ty sắt Thạch Khê đã tính toán lại hiệu quả kinh tế dự án và tổng mức đầu tư dự án giảm còn hơn gần 12.200 tỷ.
“Việc triển khai dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê hiện nay không được sự đồng thuận của tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Đoàn đại biểu quốc hội tỉnh Hà Tĩnh do còn nhiều băn khoăn về tính khả thi của dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội, đầu tư cảng biển vận chuyển quặng sắt, phương án bảo vệ người dân...”, Bộ KH&ĐT cho biết.
Tóm lại, Bộ KH&ĐT cho rằng với những tồn tại, vướng mắc của dự án nêu trên thì việc Công ty sắt Thạch Khê tiếp tục triển khai đầu tư dự án là không khả thi, không đáp ứng được các chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ.
Thế nhưng, Bộ KH&ĐT cho rằng sau 2 lần điều chỉnh (giảm 2.300 tỷ), dự án vẫn chưa tính hết chi phí liên quan vào tổng mức đầu tư của dự án.
Ngoài ra, theo Bộ KH&ĐT, Dự án điều chỉnh phê duyệt năm 2014 chưa tính đủ chi phí vào tổng mức đầu tư và chưa dự báo giá quặng sắt trong dài hạn nên không đủ cơ sở tính toán hiệu quả dự án.
Trong đó, việc tiêu thụ quặng sắt tại mỏ sắt Thạch Khê, Bộ KH&ĐT đánh giá mới có Tập đoàn Hòa Phát ký thỏa thuận nguyên tắc mua bán quặng sắt Thạch Khê với khối lượng 2017-2021 là 3 triệu tấn/năm, giai đoạn 2022-2027 chưa có cam kết cụ thể. Cho nên phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là “chưa chắc chắn”.
Trong khi, Formosa với tổng nhu cầu quặng sắt từ 7-14 triệu tấn/năm vẫn chưa có ý định mua quặng sắt mỏ Thạch Khê.
Hơn nữa, còn một số quan ngại về vấn đề môi trường của dự án như cạn kiệt nguồn nước ngầm; xâm nhập mặn; sa mạc hóa; sạt lở bờ moong tầng khai thác, bãi thải; ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong vùng;...
Nguồn tin: VietQ