Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa ký Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với mặt hàng thép mạ hình chữ H xuất xứ từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Cụ thể, Bộ Công Thương, sau thời gian áp dụng biện pháp thuế chống bán phá giá tạm thời từ tháng 10/2016, Bộ Công Thương đã quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá chính thức với mặt hàng thép chữ H nhập khẩu từ Trung Quốc, mã số HS 7216.33.00; 7228.70.10 và 7228.70.90.
Theo giải thích của Bộ Công Thương, loại thép mạ chữ H hợp kim hoặc không hợp kim có cấu trúc thân bụng thẳng ở giữa, cùng với hai cánh nằm ngang ở trên và dưới. Thép hình chữ H còn được biết đến như "dầm thép H" và "dầm thép W" hoặc thép cánh rộng.
Theo kết luận của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương: Mặt hàng thép mạ hình chữ H đã xuất hiện hành vi bán phá giá ở Việt Nam. Hàng hóa này cản trở đáng kể sự hình thành ngành sản xuất thép trong nước và cơ quan Bộ Công Thương phát hiện có mối nhân quả giữa hành vi bán phá giá và việc ngăn cản đáng kể vào sự hình thành ngành sản xuất trong nước của Việt Nam.
Trước đó, sau khi điều tra sơ bộ hành vi bán phá giá của các DN thép Trung Quốc nhập loại thép mạ hình chữ H vào Việt Nam, Bộ Công Thương đã áp dụng mức thuế chống bán phá giá tạm thời đối với mặt hàng thép chữ H từ Trung Quốc. Tuy nhiên, đến ngày 3/8/3017, thời hạn áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đã hết.
Bộ Công Thương đưa ra danh sách 14 nhà sản xuất, đơn vị kinh doanh xuất nhập khẩu của Trung Quốc nằm trong danh sách bị Việt Nam đánh thuế chống bán phá giá chính thức.
"Bản danh sách nổi lên là nhà sản xuất Heibei Jinxi Iron and Steel Group Co., Ltd; Rizhao Steel Holding Group Co.,Ltd... 10 công ty thương mại còn lại đều là các DN nhập khẩu mặt hàng thép chữ H vào Việt Nam", nguồn tin trên cho biết.
Được biết, mức thuế chống bán phá giá chính thức áp dụng với mặt hàng thép từ các công ty của Trung Quốc lần lượt là 20,48%, 22,09% và cao nhất là 29,17%.
Thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá có hiệu lực bắt đầu từ 5/9/2017. Thời hạn áp dụng 05 năm, kể từ ngày có hiệu lực chính thức, tức là đến ngày 07/09/2022.
Đây không chỉ là lần đầu tiên hàng hóa Trung Quốc là sắt thép, hợp kim bị đánh thuế chống bán phá giá tại Việt Nam. Tháng 9/2014, Bộ Công thương đã ban hành quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ các nước Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.
Tháng 3/2017, Bộ Công Thương sau khi điều tra đã áp dụng biện pháp chống bán phá giá với thép các bon cán phẳng ở dạng cuộn và không cuộn.
Nguồn tin: Dân trí