Tất cả dự án được nêu trong quy hoạch ngành thép được Bộ Công Thương dự thảo lần 2 đều không nhắc đến tên chủ đầu tư, trong đó có trường hợp Cà Ná - Ninh Thuận.
So với bản dự thảo lần thứ nhất, ở lần công bố lấy ý kiến thứ 2 "Dự thảo Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035", tên của chủ đầu tư nhiều dự án thép lớn đến năm 2025 (trong đó có dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận của Tập đoàn Hoa Sen) đã không được Bộ Công Thương nhắc tới.
Cả 3 giai đoạn của Khu liên hợp luyện cán thép Cà ná – Ninh Thuận đều được đầu tư "gói gọn" trong vòng 11 năm, từ 2020 đến 2031. Công suất giai đoạn 1 và 2 của dự án thép Cà Ná đều là 9 triệu tấn một năm. Riêng giai đoạn 3 thực hiện trước 2031 sẽ có công suất lớn nhất, 14 triệu tấn một năm.
So với bản dự thảo lần thứ nhất, ở lần công bố lấy ý kiến thứ 2 tên của chủ đầu tư nhiều dự án thép lớn đến 2025
trong đó có dự án thép Cà Ná - Ninh Thuận đã không được Bộ Công Thương nhắc tới.
Bộ Công Thương cho biết, sau khi lấy ý kiến một số bộ ngành, đơn vị có liên quan, tiếp thu và chỉnh sửa, cơ quan này quyết định loại 12 dự án thép ra ngoài quy hoạch, như Nhà máy phôi thép Lào Cai; Nhà máy thép Việt Ý giai đoạn 2; Nhà máy luyện gang thép Hà Giang; Nhà máy luyện gang và phôi thép Sơn La; Nhà máy luyện gang thép Quảng Bình; Dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 3… Lý do loại bỏ là nguồn nguyên liệu không đảm bảo, dự án chưa có chủ đầu tư hoặc chủ đầu tư năng lực kém...
Tại bản dự thảo lần này, giải pháp huy động vốn được Bộ Công Thương định hướng huy động các thành phần kinh tế thông qua việc thành lập các công ty cổ phần trong nước, tiến tới phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong và ngoài nước… hoặc các dự án đầu tư nước ngoài dưới hình thức liên doanh hoặc đầu tư 100% vốn nước ngoài đối với các dự án luyện thép quy mô phù hợp.
Tuy nhiên, các dự án này cần lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm đầu tư vào công đoạn thượng nguồn, sản xuất thép tấm cán nóng, thép chất lượng cao, thép hình lớn phục vụ cho ngành công nghiệp chế tạo với công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường.
Dự thảo của Bộ Công Thương cũng lưu ý đến giải pháp bảo vệ môi trường như lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để kiểm soát chặt chẽ khí thải, nước thải, bụi... tại các cơ sở sản xuất gang, thép; nghiên cứu và áp dụng công nghệ tái chế các chất phế thải rắn, bụi chứa kim loại nặng, khí thải... được thải ra trong quá trình sản xuất gang, thép.
Dự án Khu liên hợp cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận với tổng vốn đầu tư 10,6 tỷ USD đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận sau khi được tỉnh Ninh Thuận và Tập đoàn Hoa Sen đề xuất triển khai. Sau sự cố hồi tháng 5 tại một dự án quy mô tương tự là Formosa Hà Tĩnh, nhiều câu hỏi đã được đặt ra với Cà Ná xung quanh vấn đề quy hoạch, môi trường, trách nhiệm giám sát và tính minh bạch của dự án.
Trước những nghi ngại này, hồi giữa tháng 10, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, Bộ Công Thương được giao cùng các bộ Kế hoạch & Đầu tư, Khoa học & Công nghệ, Tài nguyên & Môi trường đánh giá về nhu cầu thị trường, công nghệ, thiết bị và môi trường..., lấy ý kiến các nhà khoa học về dự án. Sau khi xem xét cụ thể báo cáo, Thủ tướng sẽ có quyết định chính thức về việc triển khai.
Trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội ngày 15/11 liên quan tới dự án thép Cà Ná, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: "Chúng ta không đánh đổi môi trường để lấy dự án công nghiệp bằng mọi giá và cũng không có chuyện các dự án thép đưa ra để đánh đổi về môi trường". Lãnh đạo Bộ Công Thương đồng thời cũng nhấn mạnh "không có chuyện lợi ích nhóm" trong dự án này.
Nguồn tin: Phụ nữ