Trong hai ngày đầu tuần, Trung Quốc đã phá giá đồng nhân dân tệ gần 4% khiến thị trường tài chính thế giới chao đảo. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã quyết định nới rộng biên độ tỉ giá từ +/-1% lên +/- 2%. Trong khi đó, Bộ Công thương vẫn đang theo dõi, tìm biện pháp ứng phó với diễn biến mới về tỷ giá.
Chắc chắn việc Ngân hàng trung uơng Trung Quốc giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) thêm 4% sẽ tác động rất mạnh đến thị trường xuất nhập khẩu, thương mại giữa Việt Nam với Trung Quốc.
Trong nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn là nước nhập siêu rất mạnh từ Trung Quốc. Năm 2013, Việt Nam xuất sang Trung Quốc 13,2 tỉ đô la Mỹ, nhập 36,9 tỉ đô la, nhập siêu 23,7 tỉ đô la Mỹ. Năm 2014, các con số này lần lượt là 19,9 tỉ đô la, 43,7 tỉ đô la và nhập siêu 28,8 tỉ đô la.
Riêng 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 16,5 tỉ đô la Mỹ từ Trung Quốc.
Theo Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, Bộ Công thương, mức nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2014.
Trong lúc tình hình nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh và duy trì ở mức rất cao mà chưa có biện pháp giảm thiểu, việc Trung Quốc đột ngột phá giá đồng NDT thêm 4% chắc chắn ảnh hưởng đến tình hình thương mại giữa hai nước, nhất là khi nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.
Năm nhóm hàng Việt Nam nhập nhiều nhất từ Trung Quốc (có trị giá trên 1 tỉ đô la Mỹ/ mặt hàng) là sắt thép, máy móc thiết bị phụ tùng, điện thoại và linh kiện, máy vi tính và nguyên liệu ngành may mặc.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của TBKTSG Online hôm 12-8 về ảnh hưởng của việc phá giá này đến tình hình thương mại Việt Nam, một lãnh đạo Vụ châu Á- Thái Bình Dương, Bộ Công thương nói rằng, vụ này hiện đang theo dõi và tính toán những tác động, chưa thể đưa ra những nhận định và dự báo ngay.
Vị này cho rằng, trong hai ngày mà phía Trung Quốc hai lần phá giá liên tiếp đồng NDT với mức độ phá giá khá sâu, lại liên quan đến nhiều lĩnh vực nên bộ chưa thể có phản ứng tức thời.
Trong khi ấy, doanh nghiệp các ngành sắt thép, dệt may trong nước khi trao đổi với TBKTSG Online đều cho rằng, với tình hình ấy, giá xuất khẩu các mặt hàng đang dư cung của Trung Quốc sẽ giảm thêm nữa và các nhà nhập khẩu trong nước sẽ lựa chọn đặt hàng với thời hạn giao hàng ngắn đề giảm khả năng rủi ro về giá.
Như ngành thép, dữ liệu của Hải quan Trung Quốc cho thấy, mặc dù kim ngạch xuất khẩu chung của Trung Quốc trong tháng 7-2015 đã giảm 8,3% so với năm trước, nhưng xuất khẩu thép tháng 7 của nước này vẫn tăng 9,5% so với tháng trước và tăng 27% so với cùng kỳ năm trước do các nhà xuất khẩu đua nhau cạnh tranh giảm giá, đẩy lượng cung dư thừa ra các quốc gia khác.
Nguồn tin: KTSG