Nhiều khả năng giá phôi thép và thép dài sẽ tăng ngay cả khi mức thuế tự vệ tạm thời đối với các sản phẩm nhập ngoại dạng này hết hạn.
Theo kết luận sơ bộ của Bộ Công Thương về việc điều tra bán phá giá phôi thép và thép dài nhập khẩu tại Việt Nam, hiện DN trong nước đang chịu thiệt hại nặng nề khi không thể cạnh tranh bởi mức giá bán của sản phẩm ngoại quá thấp. Vì vậy, từ 22/3, các mặt hàng phôi thép, thép dài sẽ lần lượt bị áp mức thuế tự vệ tạm thời lần lượt là 23,3% và 14,2%, kéo dài tối đa trong 200 ngày.
Ngay sau khi quyết định này được công bố (7/3), trong những ngày qua, giá thép cũng như sức mua trên thị trường đều tăng mạnh. Tính tới thời điểm hiện tại, giá thép đã tăng khoảng từ 600.000 đồng - 800.000 đồng/tấn, hiện thép cuộn đang ở mức 12,6 - 13,1 triệu đồng/tấn và thép cây là 11,8 - 12,3 triệu đồng/tấn.
Việc tăng giá này đã ảnh hưởng mạnh tới các DN hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, cầu đường… với chi phí bất ngờ bị đội lên chóng mặt. Mặc dù việc áp thuế tự vệ trên có thời hạn nhưng cũng có nhiều câu hỏi đặt ra là liệu sau khi hết thời gian 200 ngày này, giá thép liệu có giảm về mốc so với trước ngày 7/3 hay không hay vẫn giữ nguyên như hiện tại hoặc thậm chí còn tiếp tục tăng nữa?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đình Trung- Tổng giám đốc Bất động sản Hưng Thịnh, cho rằng, với giá thép tăng cao như hiện nay đang ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của các DN bất động sản. Nếu sau đợt áp thuế tự vệ này kết thúc, giá thép vẫn tăng hơn so với trước thời điểm 7/3, chắc chắn DN vẫn gặp thiệt hại.
Đối với nhiều DN đang xây căn hộ để bán, họ đã cam kết với khách hàng mức giá ở thời điểm trước đó, giá nguyên liệu bị đội lên đồng nghĩa với việc DN phải bỏ thêm chi phí mà khoản tiền này lại không được tính thêm vào giá trị khi bàn giao nhà cho khách hàng, ông Trung phân tích thêm.
Nói về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, có thể trong thời gian tới, giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở một mức độ nhất định. Tuy nhiên, mức tăng này là nhằm đảm bảo bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nói chung chứ không phải của riêng một DN nào.
Phía Bộ đánh giá, khả năng các DN nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức gây thiệt hại cho người tiêu dùng là khó xảy ra. Cơ quan quản lý nhà nước này cũng bắt buộc các DN đã có yêu cầu điều tra bán phá giá thép nhận khẩu (Hòa Phát, Thép Miền Nam, Gang thép Thái Nguyên, Việt Ý) phải báo cáo tình hình giá bán mặt hàng phôi thép, thép dài trước và sau khi có quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Dựa trên cơ sở đó, Bộ sẽ có biện pháp ổn định tình hình thị trường.
Theo thống kê, trên thị trường thép hiện nay không có DN nào chiếm vị trí thống lĩnh thị trường, từ 30% thị phần trở lên. Đối với sản phẩm phôi thép và thép dài, Hòa Phát hiện là DN có thị phần lớn nhất với lần lượt khoảng 25% và 20%.
Cũng theo Bộ Công Thương, DN sản xuất thép trong nước đang chịu thiệt hại lớn từ việc nhập khẩu gia tăng. So sánh giữa 2015 và 2014, lượng sản xuất giảm gần 9%, công suất sử dụng phôi thép giảm 10%, tốc độ bán hàng chỉ bằng 1/4 so với tăng trưởng tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, thị phần của phôi thép và thép dài nhập khẩu trong 2015 tăng gấp 3 lần so với 2013. Chỉ riêng trong 2 tháng đầu 2016, các sản phẩm thép này nhập khẩu vào Việt Nam tăng trên 200% - 300% so với cùng kỳ.
Số lượng tăng nhưng mức giá của sản phẩm nhập khẩu lại giảm, tại thời điểm tháng 1/2016, giá phôi thép bình quân ở mức 269 USD/tấn, giảm 67.6% so với cùng kỳ 2015. Chính điều này đã khiến các DN thép trong nước giảm mạnh về doanh thu cũng như công suất sản xuất, chỉ riêng về mức giá bán phôi thép đã giảm tới 27% trong năm 2015. Từ đó khiến nhiều DN phải buộc dừng sản xuất hoặc đối diện với nguy cơ đóng cửa.
Nguồn tin: Xây dựng