Bộ Công Thương tiếp tục có ý kiến phản hồi kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu thép loại hai về quy định kiểm tra chất lượng và các thủ tục hành chính đối với mặt hàng thép nhập khẩu tại Thông tư liên tịch số 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN.
Không hạn chế việc nhập khẩu thép loại hai
Ảnh minh họa
Gần đây, Cổng TTĐT Chính phủ tiếp tục nhận được phản ánh của ông Huỳnh Văn Tường về việc Thông tư 44/2013/TTLT-BCT-BKHCN (Thông tư 44) quy định quản lý chất lượng thép sản xuất trong nước và thép nhập khẩu, có hiệu lực từ ngày 1/6/2014, ảnh hưởng mạnh đến các doanh nghiệp nhập thép loại hai.
Trong thư phản ánh trước đó (vào tháng 5/2014) gửi đến Cổng TTĐT Chính phủ, ông Huỳnh Văn Tường đã đề cập đến những vướng mắc của Thông tư này và kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét, tháo gỡ.
Trả lời về vấn đề này, Bộ Công Thương đã khẳng định không hạn chế việc nhập khẩu thép loại hai (secondary). Trường hợp doanh nghiệp không phân loại được theo từng chủng loại thì sẽ đưa vào quản lý như đối với thép phế liệu (Thông tư liên tịch 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 15/11/2012 của Bộ Công Thương và Bộ Tài nguyên và Môi trường).
Tuy nhiên, ông Tường cho rằng giải đáp của Bộ Công Thương chưa thỏa đáng.
Lý do đưa ra là, trong thương mại có thép loại hai, là hàng chính phẩm tồn kho, hàng sản xuất dư thừa, hàng bị hủy hợp đồng, hàng sai quy cách hoặc không đúng khổ thông dụng, phần hàng còn lại sau khi gia công cơ khí… có chất lượng tốt như hàng chính phẩm, phù hợp với nhiều loại sản xuất sản phẩm.
Thép loại hai vì không có chứng nhận tiêu chuẩn, không phân loại được tại nguồn nên không thể thực hiện kiểm tra chất lượng theo lô hàng quy định tại Thông tư 44. Nếu chuyển qua nhập khẩu theo dạng phế liệu thì cũng không được vì tại Thông tư 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT chỉ cho phép các nhà máy nhập khẩu phế liệu về để sản xuất hay là nhập ủy thác cho các nhà máy để sản xuất.
Đại diện các doanh nghiệp nhỏ và vừa kinh doanh nhập khẩu thép loại hai, ông Tường tiếp tục đề nghị các Bộ có liên quan xem xét, điều chỉnh phù hợp một số nội dung trong Thông tư 44.
Cụ thể, tạm dừng thực hiện kiểm tra nhập khẩu các sản phẩm thép quy định tại Phụ lục 1, chỉ áp dụng đối với các loại thép xây dựng quy định tại Phụ lục 2.
Riêng đối với các sản phẩm thép loại hai (secondary), cho phép doanh nghiệp khi nhập khẩu không cần khai báo tiêu chuẩn, chỉ khai báo chủng loại sản phẩm như lâu nay đã thực hiện.
Đối với mặt hàng thép không gỉ, ông Tường đề nghị đưa loại hàng này ra khỏi nhóm hàng Phụ lục 2 của Thông tư.
Về vấn đề này, Bộ Công Thương có ý kiến phản hồi như sau:
Tại Điều 11, Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa có hiệu lực ngày 1/7/2008 quy định:
Người nhập khẩu có quyền được quyết định lựa chọn mức chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu; yêu cầu người xuất khẩu cung cấp hàng hóa đúng chất lượng đã thỏa thuận theo hợp đồng.
Nghĩa vụ của người nhập khẩu là tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định.
Tại khoản 1, Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP quy định về điều kiện đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường thì người nhập khẩu phải thực hiện các yêu cầu về quản lý chất lượng hàng hóa theo quy định tại Điều 34 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa hàng hoá ra lưu thông trên thị trường.
Mặt khác, tại Điều 10 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định rõ hệ thống tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm Tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở, không có khái niệm thép loại hai (secondary).
Như vậy, theo các quy định trên thì người nhập khẩu thép phải có trách nhiệm công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu của mình.
Với kiến nghị của các doanh nghiệp nhập khẩu cho hàng sản xuất dư thừa, hàng sai quy cách, phần dư sau gia công cơ khí... phù hợp với định nghĩa tại khoản 1, Điều 3, Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT ngày 11/12/2013 hướng dẫn về điều kiện nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất: "Phế liệu là sản phẩm, vật liệu bị loại ra từ quá trình sản xuất hoặc tiêu dùng được thu hồi để dùng làm nguyên liệu sản xuất".
Thông tư 44 quy định quản lý chất lượng sản phẩm thép không quy định quản lý chất lượng phế liệu. Các sản phẩm không đáp ứng được điều kiện quy định tại Thông tư 44 cho sản phẩm chính phẩm, thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 34/2012/TTLT-BCT-BTNMT quy định về nhập khẩu phế liệu về làm nguyên liệu sản xuất.
Đối với các kiến nghị đưa sản phẩm thép không gỉ ra khỏi Phụ lục 2 của Thông tư 44, Bộ Công Thương ghi nhận ý kiến góp ý của các doanh nghiệp, tổng hợp, phân tích, đánh giá và sẽ có ý kiến trả lời trong thời gian sớm nhất.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng cho biết, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đã chỉ định được 8 tổ chức chứng nhận sự phù hợp và Bộ Công Thương đã chỉ định được 9 phòng thử nghiệm. Một số phòng thử nghiệm đang có hồ sơ đánh giá sẽ tiếp tục được chỉ định.
Như vậy, số lượng tổ chức chứng nhận và thử nghiệm đã tăng đáng kể so với thời điểm ban đầu khi Thông tư 44 mới đi vào thực hiện (3 tổ chức chứng nhận và 4 phòng thử nghiệm). Các doanh nghiệp có thể xem danh sách tại trang mạng của Bộ Công Thương và Bộ Khoa học và Công nghệ để lựa chọn đơn vị thực hiện.
Nguồn tin: Chinhphu