Tiếp theo 2 cuộc họp với đại diện các bộ, ngành, DN tại Hà Nội và TP.HCM để lấy ý kiến dự thảo “Đề án tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tiếp tục làm việc với từng tập đoàn, tổng công ty để nắm bắt tình hình, đưa ra những giải pháp cụ thể với từng ngành, từng lĩnh vực, hoàn thiện đề án để trình Chính phủ.
Sáng 11/8/2012, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có buổi làm việc với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng công ty Thép Việt Nam và Tổng công ty giấy Việt Nam nhằm đưa ra giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho từng doanh nghiệp (DN), từng ngành sản xuất, kinh doanh.
Thép bí “đầu ra”, hàng ngàn lao động nghỉ việc
6 tháng đầu năm, sản lượng và tiêu thụ thép các loại của Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) đều sụt giảm do thị trường bất động sản “đóng băng”, các dự án lớn bị cắt giảm. Nếu so với 6 tháng 2011, sản xuất thép thành phẩm trong 6 tháng 2012 đạt hơn 1,3 triệu tấn, giảm 6%; tiêu thụ thép đạt 1,289 triệu tấn 2% so với cùng kỳ.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2012, toàn bộ các đơn vị của VnSteel hoàn thành đạt dưới mức 48% kế hoạch sản xuất, tiêu thụ; lợi nhuận của hầu hết các đơn vị đều giảm sút, toàn tổng công ty có 13/41 đơn vị lỗ vốn.
Sang tháng 7/2012 sản lượng sản xuất thép của VnSteel giảm 13% so với tháng trước, giá bán và chiết khấu giảm thêm từ 300 đến 900 đồng/kg, thậm chí đến 1.200 đồng/kg nhưng vẫn rất khó tiêu thụ.
Trong bối cảnh suy thoái, bản thân các công ty của VnSteel và các DN là đại lý và bạn hàng của tổng công ty đều gặp khó khăn về vốn, suy kiệt về tài chính. Do vậy, tổng công ty tiếp tục gặp nhiều khó khăn và rủi ro do tiền bán hàng chậm được thanh toán.
Theo ông Lê Phú Hưng- Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam: Tính đến thời điểm tháng 7, toàn tổng công ty đã có 3.000 lao động phải nghỉ việc, trong đó 900 lao động nghỉ việc trọn tháng, số còn lại phải nghỉ luân phiên do nhiều nhà máy sản xuất cầm chừng, chỉ chạy 40-45%, thậm chí 30% công suất. Các nhà máy Thép Miền Nam, Tấm lá Phú Mỹ, Gang thép Thái Nguyên, Nhà Bè... phải ngừng sản xuất trong nhiều ngày để giảm sản lượng.
Ông Lê Phú Hưng cho biết, thép nội địa tiêu thụ rất khó khăn, nguyên nhân do khả năng cạnh tranh kém so với thép nhập khẩu. Nguyên vật liệu đầu vào của ngành thép phần lớn phải nhập khẩu,các chi phí như vận chuyển, bốc xếp, dịch vụ, phí và lệ phí, khấu hao cao do chi phí đầu tư lớn... làm giảm khả năng cạnh tranh.
Trong lĩnh vực đầu tư, một loạt các dự án thép trọng điểm của VnSteel như dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, dự án nhà máy thép tấm cán nóng công suất 2 triệu tấn/năm, dự án thép Lào Cai, dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều dự án phải tạm hoãn, ngừng triển khai do chủ đầu tư gặp khó khăn, không thu xếp được vốn.
Để tháo gỡ “đầu ra” cho ngành thép, Tổng công ty Thép Việt Nam kiến nghị Chính phủ cần có chính sách kích cầu đối với ngành xây dựng, đẩy nhanh giải ngân vốn các dự án đầu tư nhằm giúp DN tăng lượng tiêu thụ, tăng công suất máy móc và giảm tồn kho.
Chính phủ và các cơ quan quản lý cần có chính sách khuyến khích XK sản phẩm thép (thép xây dựng, thép cán nguội...) sang các nước ASEAN; xem xét giảm thuế giá trị gia tăng nhằm kích thích tiêu dùng. Có các biện pháp triệt để thực hiện quy hoạch phát triển ngành thép, không để xảy ra việc cung vượt cầu quá nhiều gây nên cạnh tranh gay gắt trên thị trường nội địa...
Giấy tiêu thụ kém, tồn kho tăng cao
Theo Tổng công ty Giấy Việt Nam, trong 7 tháng đầu năm, cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt hơn do có nhiều DN sản xuất giấy và bột giấy đầu tư với quy mô lớn đi vào hoạt động. Tuy nhiên, tình hình tiêu thụ sản phẩm ngành giấy rất kém, tồn kho cao. 7 tháng, toàn tổng công ty tiêu thụ chỉ bằng 48% kế hoạch năm, bằng 85% so với cùng kỳ năm trước. Tồn kho cao, ở mức 38.962 tấn, trong đó tồn kho của Công ty mẹ là 18.500 tấn, tăng 80% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, giá bột giấy NK trong 6 tháng liên tục giảm, đến gần 20% so với đầu năm 2012 làm giảm ưu thế cạnh tranh bột giấy sản xuất trong nước của Bãi bằng đồng thời kéo theo giá bán giấy trên thị trường liên tục giảm mà giá thành sản xuất lại tăng (giá nguyên liệu, điện, than, lương... tăng).
7 tháng đầu năm, vay ngắn hạn công ty mẹ tăng 43,5% so với cùng kỳ năm trước, nợ khách hàng tăng 62,7% so với cùng kỳ, khả năng thanh toán của tổng công ty giảm đáng kể...
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam do dây chuyền đầu tư chưa đồng bộ, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, không có thị trường tiêu thụ nên khi đi vào sản xuất thử sẽ lỗ lớn.
Để giảm bớt gánh nặng tồn kho, tổng công ty kiến nghị Bộ Công Thương tạo điều kiện trong việc xúc tiến thương mại XK, tìm kiếm và cung câp thông tin về nguồn khách hàng XK.Đồng thời, tổng công ty kiến nghị Chính phủ cho phép tổng công ty đảm nhiệm việc XK trả nợ cho Chính phủ bằng mặt hàng giấy để giảm tồn kho.
Tổng công ty Giấy cũng đề nghị Bộ Công Thương có ý kiến với Chính phủ và các bộ liên quan cho phép công ty mẹ được giảm 30% thuế thu nhập DN và miễn thuế GTGT trong 5 tháng cuối năm...
Sản lượng sản phẩm hóa chất sụt giảm
Không rơi vào tình cảnh quá khó khăn như ngành thép hay ngành giấy, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, về cơ bản, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) vẫn giữ được sự ổn định. Ông Nguyễn Đình Khang- Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam- cho biết: 7 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp (tính theo giá thực tế) ước đạt 23.302 tỷ đồng, tăng 4,1% so với 7 tháng 2011; doanh tu đạt 26.115 tỷ đồng, tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lãi suất vay cao, một số đơn vị khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, sản xuất toàn ngành công nghiệp, xây dựng suy giảm, thị trường XK cạnh tranh quyết liệt... nên sản lượng sản xuất một số mặt hàng hóa chất sụt giảm nhẹ. 7 tháng năm 2012, sản lượng phân lân chế biến ước đạt 933,2 nghìn tấn, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2011; phân đạm ure bằng 95%; lốp ô tô bằng 95%, lốp xe máy bằng 95%, chất tẩy rửa bằng 98%, riêng sản phẩm ắc quy sản lượng chỉ bằng 59% so với 7 tháng đầu năm 2011.
Tiêu thụ các sản phẩm hóa chất vì thế cũng sụt giảm: phân lân chế biến ước đạt trên 904 ngàn tấn, bừng 98% so với cùng kỳ; phân đạm ure ước bằng 98%; phân DAP tăng 15%; lốp ô tô tăng 6%; lốp xe máy bằng 90%; ắc quy chỉ bằng 69% so với 7 tháng đầu năm.
Tồn kho của hầu hết sản phẩm trong tập đoàn tăng cao: phân lân chế biến tăng 11,7% cao so với 31/12/2011; phân DAP tăng 60%; phân NPK bằng 58,1%. Các sản phẩm như lốp xe ô tô, xe máy, xe đạp, ắc quy bán rất chậm dẫn đến tồn kho lớn.
Gỡ khó cho từng ngành hàng
Tại cuộc họp Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng chỉ đạo các cục, vụ, viện chức năng trong Bộ Công Thương đưa ra phương án giải quyết cụ thể đối với từng kiến nghị của DN, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành để cùng DN để tháo gỡ khó khăn. Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, khó khăn của các doanh nghiệp cũng đa dạng. Có doanh nghiệp thiếu vốn, có doanh nghiệp khó khăn về thị trường, có doanh nghiệp bị áp lực về hàn tồn kho, nhưng có doanh nghiệp lại khó khăn về nguyên liệu… Vì vậy, chỉ có tìm hiểu cụ thể những vướng mắc này mới đưa ra được cách tháo gỡ thiết thực.
Từ những kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Bộ sẽ tổng hợp các kiến nghị và có các giải pháp cụ thể cho từng nhóm ngành hàng và từng thị trường nhằm giảm lượng tồn kho và thúc đẩy sản xuất.
Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn và hỗ trợ lẫn nhau, ông Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh nếu sản phẩm đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp kia thì bắt buộc các doanh nghiệp trong ngành phải ưu tiên sử dụng.
Tới đây Bộ Công Thương sẽ tổ chức ký giao ước giữa các đơn vị trong ngành nhằm đẩy mạnh việc tiêu dùng sản phẩm của các doanh nghiệp trong ngành, góp phần giảm tồn kho, đồng thời phát động mạnh mẽ hơn nữa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất Bộ Công Thương, việc tồn kho của Vinachem cũng cần tích cực giải quyết, song đây không phải là vấn đề quan trọng nhất, mà khó khăn lớn nhất của Tập đoàn Hóa chất VN chính là tăng trưởng. Sau thời gian tập đoàn tăng trưởng ở mức 14% trở lên, đến nay mức này có khả năng không đạt. Vì thế, Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu các kiến nghị của Vinachem và sẽ có ý kiến với Bộ Tài chính, điều chỉnh thuế, phí giải quyết khó khăn cho DN.
Ông Bùi Quang Chuyện- Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng- cho rằng, VnSteel mới chuyển sang hoạt động theo mô hình cổ phần nên Bộ Công Thương sẽ đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do đầu ra của ngành thép đang khó khăn nên cần chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất, những mặt hàng nào tiêu thụ tốt thì đẩy mạnh sản xuất, nhưng những sản phẩm cung đã vượt cầu lớn thì cần tiết giảm cho phù hợp.
Đối với các dự án thép, giấy, hóa chất và bột giấy đang có vướng mắc cũng được các cục, vụ chức năng đề xuất phương án giải quyết.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, Bộ sẽ có ý kiến đề nghị Chính phủ để Tổng công ty Giấy tham gia xuất hàng trả nợ.
Đối với khó khăn của ngành thép, sắp tới Chính phủ sẽ có chủ trương đẩy mạnh đầu tư công trong kế hoạch phê duyệt năm 2012, vì thế các DN ngành thép cần đón bắt cơ hội này để tăng tiêu thụ. Bộ Công Thương cũng đã rà soát lại các dự án thép để hoàn thiện quy hoạch ngành thép, tránh tình trạng địa phương nào cũng đua nhau đầu tư vào thép như hiện nay.
Đối với các sản phẩm hóa chất, theo Thứ trưởng, những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được phải NK thì không nên áp thuế NK, còn những mặt hàng trong nước đã sản xuất đảm bảo nguồn và chất lượng nên xem xét áp thuế.
Liên quan đến kiến nghị của Tập đoàn Hóa chất, ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước- cho rằng, hiện nay nguồn cung phân bón sản xuất trong nước đã khá đảm bảo, vì thế Nhà nước nên cân nhắc điều chỉnh thuế NK phân bón để tránh ảnh hưởng đến sản xuất trong nước mà không vi phạm cam kết.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành, các DN và địa phương tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để tạo điều kiện tiêu thụ những mặt hàng sản xuất trong nước như thép, giấy, hóa chất…
Nguồn tin: Baocongthuong