Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ Công Thương, Hiệp hội Thép 'vênh' nhau

Bộ Công Thương vừa có văn bản khẳng định doanh nghiệp (DN) thép nội lo lắng thiếu cơ sở trong khi Hiệp hội Thép VN (VSA) vẫn cho rằng DN sẽ “chết yểu” nếu cắt giảm đồng loạt thuế nhập khẩu thép từ Nga.
Theo Bộ Công Thương, dù giảm thuế thép Nga vẫn khó cạnh tranh được với thép trong nước. Ảnh: Phong CầmTheo Bộ Công Thương, dù giảm thuế thép Nga vẫn khó cạnh tranh được với thép trong nước. Ảnh: Phong Cầm

Bộ nói không

Tiền Phong số ra ngày 9/9 có bài phản ánh lo lắng của các DN sản xuất thép trong nước trước nguy cơ phá sản, khi Nga, Belarus, Kazakhstan đề nghị Việt Nam cắt giảm thuế nhập khẩu sắt thép từ khu vực này. 

Nếu được chấp thuận, việc cắt giảm thuế sẽ thực hiện ngay khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Hải quan Nga, Belarus, Kazakhstan (VCUFTA) có hiệu lực (dự kiến sẽ ký vào cuối năm nay).

Vụ Thị trường Châu Âu (Bộ Công Thương) cho biết: Hiệp định VCUFTA được trông đợi sẽ tạo cơ hội thúc đẩy xuất khẩu mạnh hàng Việt Nam sang thị trường các nước Nga và SNG. 

Trong quá trình đàm phán Hiệp định này, phía Liên minh Hải quan ưu tiên xuất khẩu sang Việt Nam các mặt hàng công nghiệp (như sắt thép, săm lốp, máy móc thiết bị). Với Việt Nam, quan tâm đến xuất khẩu dệt may, thủy sản, da giày và một số loại nông sản khác.

Theo Bộ Công Thương, trong số 167 mặt hàng sắt thép phía Liên minh Hải quan yêu cầu cắt giảm thuế quan ngay, chỉ có một số loại thuộc danh mục VSA đề nghị bảo lưu lộ trình cắt giảm thuế. 

“Về tổng thể, phía Liên minh Hải quan có thể cung cấp cho ta nhiều mặt hàng sắt thép trong nước chưa sản xuất được, và cạnh tranh với các đối tác khác trên thị trường Việt Nam”, Bộ Công Thương cho biết. Theo Bộ này, việc vận chuyển sắt thép từ các nhà máy qua Viễn Đông (Nga) và về Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh với sắt thép trong nước.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cho rằng, nguyên tắc đàm phán là trao đổi có đi có lại, xét trên tổng thể cân bằng lợi ích chung; cho phép có lộ trình cắt giảm thuế nhất định đối với một số mặt hàng thuộc nhóm mặt hàng nhạy cảm của các bên (tức không đưa ngay về mức thuế suất 0% khi Hiệp định có hiệu lực). 

Hiệp hội bảo có

“Các DN thép cần thêm thời gian được bảo hộ để chuẩn bị, đặc biệt với các sản phẩm thép trong nước đã sản xuất được. Bảo hộ chỉ là biện pháp tình thế, về lâu dài ngành thép phải cố gắng tự vươn lên”. 

Ông Nguyễn Văn Sưa,

Phó Chủ tịch VSA

 

 

Chiều 15/9, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch VSA cho biết, các DN thép Việt hiện còn non trẻ, quy mô nhỏ nên giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh với những nước có ngành thép lâu đời như Nga, Trung Quốc. 

Theo VSA, tuy số mặt hàng cần bảo hộ không nhiều, nhưng theo ông Sưa, đây đều là những mặt hàng chính các DN thép trong nước đang sản xuất, với 4 nhóm chính: Thép xây dựng, thép tấm cán nguội, thép ống hàn và kẽm mạ màu. Những mặt hàng này chiếm gần toàn bộ sản lượng các nhà máy trong nước, không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa, một số còn xuất khẩu.

Về quãng đường vận chuyển thép từ Nga tới Việt Nam, theo lãnh đạo VSA, cảng cực Đông của Nga cách cảng Đại Liên (Trung Quốc) không xa. Do đó, ông Sưa ước tính phí vận chuyển thép Nga về Việt Nam chỉ khoảng 20 USD/tấn.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, sắt thép trong nước đã được bảo hộ quá lâu, sản phẩm đơn điệu, giá cao... giờ đã đến lúc cần xem xét lại. 

Theo GS Đào, năm 2013, tổng sản lượng thép Việt Nam hơn 9,55 triệu tấn các loại, nhưng phải nhập 9,5 triệu tấn nguyên phụ liệu. GS Đào so sánh mức ưu đãi cho sắt thép không khác gì ngành sản xuất ô tô, xăng dầu, điện... 

Nguồn tin: Tiền phong

ĐỌC THÊM