Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ Công Thương khẳng định doanh nghiệp thép khó trục lợi

Giá thép dài và phôi thép sẽ tăng ở mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành sản xuất trong nước nhưng khó có chuyện doanh nghiệp thép lợi dụng chính sách thuế tự vệ để chi phối thị trường và tăng giá quá mức…

Thông tin được Bộ Công Thương đưa ra khi giá thép trên thị trường liên tục “nhảy múa” những ngày qua. Trước đó, từ ngày 7-3, Bộ này ban hành quyết định áp dụng thuế tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu từ các thị trường vào Việt Nam, ngay sau đó, giá thép trong nước và thép nhập khẩu đều tăng. Dù quyết định này chỉ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 22-3.

Thông tin từ Hiệp hội thép Việt Nam, việc giá phôi thép Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng 100 USD/tấn do giá phôi thép trên thị trường thế giới tăng. Do đó, việc thời gian tới, giá thép dài và phôi thép trong nước sẽ tăng ở một mức độ nhất định để đảm bảo lợi nhuận hợp lý của ngành, không phải của riêng một công ty nào. Việc này phù hợp với mục tiêu của biện pháp tự vệ và để giảm bớt thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, trước tình hình giá thép tăng mạnh, Bộ Công Thương cũng vừa có công văn gửi các doanh nghiệp đề nghị báo cáo tình hình giá bán mặt hàng phôi thép và thép dài trước và sau khi có Quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời. Bộ cũng có công văn gửi Hiệp hội Thép Việt Nam đề nghị phối hợp với các thành viên theo dõi giá phôi thép, thép dài và có biện pháp ổn định tình hình thị trường.

Về các ý kiến cho rằng trong 15 ngày từ khi ban hành quyết định đến lúc có hiệu lực (từ ngày 7-3 đến 22-3) là khoảng thời gian các doanh nghiệp tranh thủ nhập khẩu, đầu cơ tích trữ hàng, Bộ Công Thương cho rằng ý kiến này chưa thỏa đáng vì thời gian này không đủ để hàng hoá có thể được bốc xếp tại cảng đi ở nước ngoài và kịp làm thủ tục thông quan tại cảng đến ở Việt Nam.

Mặc dù vậy, Bộ này nhìn nhận việc găm hàng tăng giá có thể là hiện tượng xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn do tâm lý tích trữ của các nhà nhập khẩu và các doanh nghiệp tiêu thụ thép trên thị trường. Tuy nhiên, với lượng tồn kho lớn của các doanh nghiệp sản xuất thép hiện nay và việc ngành thép của Việt Nam đang hoạt động ở mức khoảng 50% công suất thiết kế (có thể dễ dàng gia tăng sản lượng khi thị trường có tín hiệu tích cực) thì hiện tượng này sẽ sớm chấm dứt .

Nguồn tin: Người lao động

ĐỌC THÊM