Tại buổi họp báo Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời về đề xuất "thành lập quỹ bình ổn giá thép" mà báo chí quan tâm.
Ngày 3-6, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã trả lời về đề xuất "thành lập quỹ bình ổn giá thép".
Vấn đề này được báo chí nêu ra bởi tại cuộc họp mới đây với các doanh nghiệp ngành thép trong bối cảnh giá thép tăng cao, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã nêu 7 giải pháp để ngành thép phát triển trong tương lai. Trong đó, cân nhắc việc hình thành quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép.
Tuy nhiên, đề xuất này ngay lập tức nhận nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên môn khi cho rằng không khả thi, bởi việc lập quỹ không phù hợp với nguyên tắc quản lý giá trong nền kinh tế thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải trả lời báo chí tại phiên họp báo - Ảnh: Đoàn Bắc
Trả lời báo chí tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lại khẳng định đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép không phải là ý kiến chính thức của Bộ Công Thương.
Theo ông Đỗ Thắng Hải, từ đầu 2021, giá thép kể cả nguyên liệu lẫn thành phẩm tăng rất cao. Bộ đã báo cáo Thủ tướng tình hình về cung-cầu và biến động của giá thép năm 2020 và dự báo năm 2021. Ngày 8-5, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có yêu cầu các bộ, ngành và Bộ Công Thương báo cáo về tình hình giá thép và đề xuất giải pháp.
Sau chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã có cuộc họp khẩn cấp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép hàng đầu Việt Nam như Tổng Công ty Thép Việt Nam, Hòa Phát, Hiệp hội Thép Việt Nam... về vấn đề này và đã có báo cáo lên Chính phủ. "
"Thông tin về việc Bộ Công Thương đề xuất thành lập quỹ bình ổn giá thép không phải ý kiến chính thức của Bộ Công Thương"- Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay.
Nói rõ hơn về các giải pháp mà bộ đã báo cáo Chính phủ, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan thuộc bộ nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép phù hợp với các quy định thương mại và luật pháp quốc tế.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi và xem xét, xử lý kịp thời việc chống bán phá giá một số sản phẩm thép nhập khẩu vào thị trường Việt Nam cũng như đối phó với các vụ kiện chống bán phá giá của các nước đối với mặt hàng thép xuất khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thị trường để ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại.
Trước đó, tại cuộc họp điều hành về giá, Phó thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công Thương có biện pháp thúc đẩy, tăng sản xuất để đáp ứng nhu cầu thép thành phẩm trong nước. Bộ này cũng cần đưa ra giải pháp điều chỉnh mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường trong nước, thông qua cân đối khối lượng xuất khẩu thép thành phẩm
Nguồn tin: Người lao động