Biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng là mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 862/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam.
Theo đó, dựa trên kết luận điều tra sơ bộ, biện pháp tự vệ tạm thời được áp dụng mức thuế tương đối là 23,3% đối với phôi thép và 14,2% đối với thép dài. Ngoài ra, biện pháp này được áp dụng tối đa trong vòng 200 ngày kể từ ngày bắt đầu áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời.
Thời gian áp dụng mức thuế này là ngày 22-3 đến hết ngày 7-10-2016. Biện pháp tự vệ tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực trong trường hợp Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định áp dụng biện pháp tự vệ chính thức.
Tuy nhiên, các biện pháp tự vệ không được áp dụng đối với hàng hoá có xuất xứ từ các nước kém phát triển nếu số lượng hàng hoá nhập khẩu của nước đó vào Việt Nam không vượt quá 3% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ và tổng lượng hàng hoá nhập khẩu các nước đó vào Việt Nam dưới 9% tổng lượng hàng hoá nhập khẩu bị điều tra để áp dụng biện pháp tự vệ.
Trước đó, ngày 25-12-2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 14296/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với mặt hàng phôi thép và thép dài do nhóm 4 công ty yêu cầu bao gồm Công ty CP Thép Hòa Phát, Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty CP Thép Việt Ý.
Sản phẩm được yêu cầu điều tra áp dụng biện pháp tự vệ là mặt hàng phôi thép và thép dài với mã HS: 7207.11.00, 7207.19.00, 7207.20.29, 7207.20.99, 7224.90.00, 7213.10.00, 7213.91.20, 7214.20.31, 7214.20.41, 7227.90.00, 7228.30.10, 9811.00.00.
Vụ việc cũng có nhiều phát sinh khi có 6 doanh nghiệp phản đối việc áp thuế này vì cho rằng sẽ khiến giá thép trong nước tăng, áp thuế sẽ tạo điều kiện cho một số doanh nghiệp thép trong nước… Tuy nhiên, Bộ Công Thương đã quyết định áp thuế để bảo vệ ngành thép trong nước.
Nguồn tin: Hải quan