Phế liệu là mặt hàng nhạy cảm tiềm ẩn nhiều rủi ro về môi trường, dễ cất giấu hàng cấm, vì vậy mới đây Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường và tháo gỡ tình trạng ùn ứ hàng hóa tại cảng biển.
Hiện hữu nguy cơ bến đỗ rác thải
Đánh giá của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) cho thấy thực trạng NK phế liệu thời gian qua tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về môi trường, dễ cất giấu hàng cấm.
Nguy cơ này xuất phát từ việc năm 2018, Trung Quốc thực hiện chính sách cấm NK rác thải, phế liệu từ nhựa, ni-lon…; theo đó 24 loại phế liệu tái chế và phế liệu rắn sẽ bị cấm NK vào Trung Quốc. Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á có nguy cơ trở thành công trường chế biến các loại rác thải, phế liệu để cung cấp cho Trung Quốc.
Theo thống kê, ước tính mỗi năm Trung Quốc NK khoảng 7,3 triệu tấn nhựa phế liệu từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Việt Nam, những năm gần đây, nhu cầu NK phế liệu làm nguyên liệu trong các ngành sản xuất nhựa, giấy, thép có xu hướng gia tăng mạnh; điều này cũng đi kèm với nguy cơ các đối tượng lợi dụng gian lận.
Thực tế tính từ năm 2017 đến nay, toàn ngành Hải quan đã phát hiện hàng trăm vụ vi phạm liên quan đến hoạt động NK phế liệu với nhiều phương thức, thủ đoạn đa dạng. Hành vi chủ yếu là làm giả hồ sơ, con dấu; NK phế liệu không đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện NK, cất giấu hàng cấm NK, hàng có giá trị, thuế suất cao… trong các lô hàng phế liệu.
Trước thực trạng đó, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ nhiều giải pháp nhằm kịp thời ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm môi trường cũng như tháo gỡ tình trạng ùn ứ tại cảng biển.
Trong đó, cơ quan này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát các hồ sơ xin cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và thông báo cơ quan Hải quan danh sách DN đủ điều kiện. Đồng thời Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sửa đổi một số văn bản liên quan đến cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong NK phế liệu…
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đề xuất giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn DN kinh doanh cảng trong việc kiểm tra Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường; Bộ công Thương nghiên cứu, công bố danh mục chi tiết hàng hóa đã qua sử dụng cấm NK theo hướng hạn chế tối đa việc NK các loại hàng hóa đã qua sử dụng.
Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp siết chặt
Về phía Tổng cục Hải quan, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, đơn vị cũng đang tăng cường kiểm tra, giám sát tại các cửa khẩu và cảnh báo các cục hải quan tỉnh, thành phố lưu ý với các mặt hàng khai là nhựa đã qua sử dụng, nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi nhập khẩu “rác thải” vào Việt Nam.
Trong tháng 6, Tổng cục Hải quan đã ban hành hai văn bản chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương siết chặt quản lý phế liệu NK.
Theo đó, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc tăng cường kiểm tra hàng hóa NK có thông tin mô tả hàng hóa trên bản lược khai hàng hóa hoặc NN khai tên hàng NK trên tờ khai hải quan là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép NK ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị Hải quan địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong NK phế liệu thuộc chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan Hải quan đối với các DN NK hàng hóa là phế liệu hoặc khai trên tờ khai hải quan là sắt, thép, nhựa, giấy đã qua sử dụng có mã số hàng hóa khác với mã số hàng hóa là phế liệu thuộc Danh mục phế liệu được phép NK ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg. Đồng thời, xử lý nghiêm những trường hợp có hành vi gian lận, NK phế liệu không đáp ứng về điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định.
Đối với hàng hóa khai báo là phế liệu NK, khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để thực hiện việc phân tích đánh giá sự phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với lô hàng phế liệu NK. Trong quá trình lấy mẫu phải chụp ảnh thực tế hàng hóa NK để lưu hồ sơ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Đối với hàng hóa khai báo là hàng đã qua sử dụng, không phân biệt mục đích sử dụng và có tên hàng, mã số hàng hóa không thuộc Phụ lục Danh mục phế liệu được phép NK từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất ban hành kèm theo Quyết định 73/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, có nghi vấn là phế liệu (ví dụ như: bao bì, màng nhựa, dây đai, bao jumbo, đồ nhựa, lưới đánh cá…) đã qua sử dụng khi thực hiện thủ tục hải quan, chi cục hải quan nơi đăng ký tờ khai hải quan phải lấy mẫu gửi Cục Kiểm định Hải quan để xác định hàng hóa NK có phải là phế liệu hay không.
Trước đó, Văn phòng Chính phủ có công văn 5290/VPCP-KTTH (ngày 5/6/2018) thông báo thực trạng Trung Quốc cấm, ngăn chặn nhập phế liệu vào nước này dẫn tới nguy cơ phế liệu sẽ nhập ồ ạt về Việt Nam.
Trước nguy cơ đó, văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao khẩn trương rà soát, siết chặt hoạt động NK phế liệu vào Việt Nam; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động mua bán, chế biến phế liệu, đảm bảo an toàn môi trường.
Nguồn tin: Vinanet