Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ Tài chính nói "có" - Hiệp hội bảo "không"

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) vừa có văn bản kiến nghị “bác” đề xuất của Bộ Tài chính về áp thuế suất xuất khẩu 3% đối với phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu mà cơ quan này vừa trình Thủ tướng Chính phủ.

Lãi của thép không phải do giá điện thấp

Theo Bộ Tài Chính, lợi nhuận của ngành thép có được là “do được hưởng lợi từ giá điện thấp khoảng từ 10-15 USD/tấn” tức là khoảng 214.000 - 321.000 đồng/tấn tùy theo công nghệ tiên tiến hay lạc hậu. Số liệu này căn cứ vào giá điện tính đủ để EVN không lỗ là 1.777 đồng/kWh thay vì giá điện bình quân năm 2010 là 1.242 đồng/KWh. Thêm vào đó, theo tinh thần Nghị Quyết 11 của Chính phủ về điều tiết ngành sản xuất tiêu hao nhiều năng lượng, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ đề xuất mức thuế xuất khẩu áp dụng cho phôi thép và sản phẩm thép xuất khẩu là 3%.

Ảnh minh họa/ Internet

Phản đối quan điểm này, ông Phạm Chí Cường-Chủ tịch VSA cho rằng, giá điện trong cơ cấu giá thành sản phẩm thép thấp, không thể kết luận lợi nhuận ngành thép là do giá điện rẻ mang lại. Dẫn số liệu thống kê, trong các sản phẩm thép tiêu hao điện lớn nhất là sản xuất phôi với 600 KWh/tấn, tương đương mức % giá điện trong giá sản phẩm lần lượt là 5,14% (giá điện 1.242 đồng/KWh) và 7,35% (giá điện 1.777 đồng/KWh). Kế đến là tiêu hao trong các sản phẩm khác như thép cán xây dựng, ống thép hàn... ở mức 100 - 120 KWh/tấn, tương ứng % giá điện trong giá sản phẩm chỉ dao động từ 0,6 – 0,91% nếu áp theo giá điện cũ, còn tính theo giá điện thị trường 1.777 đồng/KWh thì tỷ lệ này cũng chỉ khoảng 0,95 -1,3%. Bản kiến nghị của VSA cũng nêu rõ, sản phẩm phôi thép tiêu hao điện nhiều nhất 600kWh/tấn nhưng lượng phôi xuất khẩu và tái xuất khẩu không đáng kể, chủ yếu phôi bán cho các nhà máy cán thép trong nước. Số lượng 11.300 tấn phôi xuất khẩu 2010 là của công ty thương mại tái xuất là chính. Vì thế, ông Phạm Chí Cường thẳng thắn: “Trong khi nhiều nước xuất khẩu thép đang áp dụng nhiều biện pháp trợ giá cho sản phẩm thép xuất khẩu, nếu Việt Nam đánh thuế vào sản phẩm thép xuất khẩu sẽ làm cho xuất khẩu thép giảm, dư thừa thép càng thêm trầm trọng”.

Ông Cường phân tích thêm, với phôi thép, nếu áp dụng giá điện tính đủ thì tiền điện thu thêm được là 321.000 đồng/tấn nhưng nếu đánh thuế 3% xuất khẩu thì ngành thép phải trả thêm tới 435.000 đồng/ tấn; thép xây dựng nếu áp thuế xuất khẩu 3% thì sẽ phải chi thêm 480.000 đồng, trong khi nếu mua giá điện tính đủ cho EVN, chỉ bỏ thêm 53.500 đồng. Chênh lệch lớn nhất là thép mạ, trong khi đáng lẽ chỉ mất 64.200 đồng tiền điện tăng thêm nếu giá điện tính đủ thì việc áp thuế lại khiến các DN phải bỏ thêm  tới 647.000 đồng/tấn. Rõ ràng, nếu so sánh giữa mức thuế suất xuất khẩu thép 3% do Bộ Tài chính đề nghị với mức tăng giá điện khi EVN tính đủ giá điện là 1.777 đồng/KWh thì phần tiền tăng lên nhờ đánh thuế thép đã vượt xa so với mức bù giá do EVN đề nghị. Vì thế, lãi trong sản xuất và xuất khẩu không hoàn toàn do giá điện thấp mang lại kể cả khi đã tính đúng, tính đủ giá điện.

Áp thuế có giảm sức cạnh tranh của DN?

Trao đổi với chúng tôi, một quan chức của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài Chính) thừa nhận, việc áp thêm thuế có thể khiến giá và chi phí sản xuất của DN thép gia tăng, nhưng mức thuế suất 3% chẳng “thấm vào đâu” so với chi phí bất hợp lý của ngành thép. “Giảm cạnh tranh hay không chủ yếu tùy thuộc vào chi phí của DN, thuế chỉ chiếm vài % thì chẳng thấm vào đâu so với chi phí bất hợp lý khổng lồ của DN thép”, ông nhấn mạnh. Vẫn giữ nguyên quan điểm của Bộ Tài chính khi cho rằng, lâu nay ngành thép đã được hưởng lợi nhiều từ việc giá điện rẻ, vị chuyên gia nhấn mạnh, đã tới lúc DN thép phải tái cơ cấu lại sản xuất. “Giá điện lâu nay được bao cấp nên lãi của ngành thép thực chất là do giá điện không được tính đúng, đủ. Tới đây, khi giá điện theo thị trường thì phần lợi này sẽ không còn. Việc các DN thép phải cơ cấu lại chi phí không hợp lý để sản xuất có hiệu quả hơn, gia tăng sức cạnh tranh là đương nhiên và cần phải làm ngay” – ông nói.

Ngoài ra, hệ thống phân phối của ngành thép cũng là vấn đề cần bàn. Hầu hết các DN lớn sản xuất thép ở trong nước mới chủ yếu đầu tư phát triển hệ thống phân phối bán sỉ và một vài hệ thống phân phối thép đến chân công trình, trong khi chưa xây dựng được hệ thống bán lẻ phù hợp. Bản chất giá thép lên xuống là do DN sản xuất không thể điều tiết và kiểm soát giá thép bán ra trong hệ thống. Có quá nhiều phân cấp trong hệ thống phân phối làm làm cho thị trường trở nên manh mún, tản mạn, lộn xộn, kinh doanh chụp giật.

Do nguồn cung dư thừa, giá thép xây dựng trên thị trường đang giảm mạnh, từ 250.000 – 300.000 đồng/tấn, thép cuộn ở mức 18,5 triệu đồng/tấn và 18,4 triệu đồng/tấn với thép cây. Theo giới kinh doanh, nguyên nhân khiến giá thép giảm dù đang đúng mùa xây dựng là do lượng hàng tồn kho tại các nhà máy sản xuất đang khá lớn, từ 1,2 -1,3 tấn, trong khi sức tiêu thụ giảm tới 40% so với cùng kỳ năm  ngoái.

Nguồn tin:  QĐND Online

 

ĐỌC THÊM