Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Kiên quyết xử lý các dự án kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường

 Gần một năm qua, Bộ Công Thương đã tập trung xử lý các dự án yếu kém, chậm tiến độ của ngành công thương và mang lại những chuyển biến tích cực. Để đánh giá lại hiện trạng cũng như những kết quả đạt được trong xử lý các dự án chậm tiến độ, phóng viên Báo Quân đội nhân dân có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về nội dung này.

 

 
 
 
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh. Ảnh: Minh Khuyên. 

Một số dự án đã hoạt động tương đối hiệu quả

 

Phóng viên (PV): Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xử lý các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, Bộ trưởng có thể đánh giá về hiện trạng của các dự án này?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết, cần thấy rằng quá trình xem xét, đánh giá và thực hiện các biện pháp để xử lý những dự án này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ quan tâm, chỉ đạo rất sát sao, quyết liệt, qua đó tạo được sự thống nhất, đồng bộ và đạt hiệu quả cao.

Thực hiện Nghị quyết số 33/2016/QH14 tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV ngày 23-11-2016, trong đó giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả trong ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg ngày 30-12-2016 thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương (sau đây gọi là Ban Chỉ đạo) và giao Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban Chỉ đạo.

Không chỉ dừng lại ở 5 dự án bước đầu đã báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV (gồm các dự án: Dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO); Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Dự án Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình), Ban Chỉ đạo đã xác định 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương để xem xét, đánh giá (gồm 5 dự án nêu trên và bổ sung 7 dự án, DN là: Dự án Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai; Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai).

Đây đều là các dự án đầu tư có quy mô lớn thuộc nhóm A, có ý nghĩa và tác động quan trọng tới sự phát triển các ngành công nghiệp lớn của đất nước, là bước cụ thể hóa triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng IX, X và các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp hóa chất, năng lượng, thép, đóng tàu và giấy. Tuy nhiên, những khuyết điểm, sai sót, thậm chí sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác làm cho các dự án, DN rơi vào tình trạng dở dang hoặc hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên cao so với dự toán ban đầu. Hầu hết các gói thầu EPC của dự án, DN đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu và chưa được xử lý triệt để; khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính, nhân sự và thị trường. Nguyên nhân để xảy ra tình trạng thua lỗ ở 12 dự án như nêu trên, ngoài các nguyên nhân chủ quan, như: Năng lực và trách nhiệm của chủ đầu tư dự án trong các khâu lập dự án, quản lý dự án, đàm phán ký kết hợp đồng với nhà thầu thi công, tổ chức quản lý vận hành sản xuất khi dự án đi vào hoạt động còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm. Công tác thẩm định, phê duyệt và kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng còn hạn chế, chưa sâu sát, không kịp thời, còn có các nguyên nhân khách quan là thị trường, giá cả trên thế giới và khu vực của nguyên liệu sản xuất đầu vào và sản phẩm đầu ra của các dự án có các biến động chưa lường hết được; diễn biến tỷ giá, lãi suất vay ngân hàng để đầu tư các dự án nằm ngoài dự tính ban đầu…   

Qua rà soát, đánh giá hiện trạng các dự án này cho thấy, trong 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, có 6 nhà máy đang được vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng bị thua lỗ (gồm 4 nhà máy sản xuất phân bón; DQS và Nhà máy thép Việt Trung); 3 dự án đang bị dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Dự án mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên; Dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy đang bị dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất; Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ).

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án trên là 43.673,63 tỷ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỷ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu là 14.350,04 tỷ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay là 47.451,24 tỷ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Trong tổng số vốn vay: Vốn vay các ngân hàng trong nước: 41.801,24 tỷ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) là 16.858,63 tỷ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỷ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31-12-2016 là 16.126,02 tỷ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỷ đồng; tổng tài sản của 12 nhà máy là 57.679,02 tỷ đồng; tổng nợ phải trả là 55.063,38 tỷ đồng, trong đó nợ phải trả VDB là 10.633,43 tỷ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỷ đồng.

Tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang bị dừng thi công là 8.614 tỷ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến là 13.066 tỷ đồng.

Như đã nêu trên, để xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2551/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ với thành phần là lãnh đạo các bộ, ngành liên quan do Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban Chỉ đạo; thành lập Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo để thống nhất chỉ đạo, phân công, phân cấp trách nhiệm triển khai các nhiệm vụ. Bộ trưởng Bộ Công Thương, với nhiệm vụ được phân công là Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, đã chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty có dự án và các đơn vị liên quan triển khai thành lập Ban Chỉ đạo của Bộ Công Thương, các ban chỉ đạo của tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư dự án để triển khai xử lý trực tiếp tại các dự án.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo giao nhiệm vụ và liên tục tổ chức các cuộc làm việc với các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty và đơn vị liên quan để xem xét và có các chỉ đạo xử lý cụ thể đối với các dự án, trong đó có 9 buổi làm việc trực tiếp tại hiện trường của 9/12 dự án, DN. Song song với đó, Bộ Công Thương cũng thực hiện vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo của Chính phủ đã tích cực tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp để xử lý, tháo gỡ khó khăn cho các dự án. Đồng thời, Bộ Công Thương đã làm đầu mối xây dựng “Báo cáo về tình hình và phương án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” để trình Thường trực Chính phủ và Bộ Chính trị. Ngày 26-5, sau khi được sự đồng ý của Thường trực Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã trình Bộ Chính trị “Báo cáo về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương”.

Ngày 17-6, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để xem xét và cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương. Theo đó, Bộ Chính trị đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, khẩn trương, quyết liệt của Ban Cán sự đảng Chính phủ, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý các tồn tại, yếu kém đối với các dự án này; đồng thời, Bộ Chính trị đã yêu cầu quán triệt các mục tiêu, quan điểm căn bản trong xử lý các dự án. Những nội dung này đã được Bộ Công Thương nghiên cứu, quán triệt trong “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” và Bộ trưởng Bộ Công Thương đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ và Trưởng ban Chỉ đạo của Chính phủ ký ban hành tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29-9.

Đến thời điểm hiện tại, sau quá trình nỗ lực liên tục và kiên trì, quyết tâm thực hiện các biện pháp, giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn, xử lý vướng mắc ở các dự án, kết quả xử lý tại một số dự án, DN bước đầu đã có những chuyển biến tích cực như sau:

Đối với 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón đã đi vào hoạt động ổn định, thời gian chạy máy đạt từ 19 đến 24 ngày với công suất đạt khoảng 75-90%. Mặt khác, công tác quản trị tại các nhà máy cũng được tăng cường nên đã tiết giảm các chi phí sản xuất để giảm lỗ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng và đa dạng chủng loại sản phẩm. Do vậy, kết quả sản xuất, kinh doanh của các DN tiếp tục được cải thiện, chi phí biến đổi đã thấp hơn giá bán.

Đối với Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai: Từ tháng 3-2017, hoạt động sản xuất, kinh doanh của VTM bắt đầu có lãi, ước tính lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm là 163 tỷ đồng.

Đối với các dự án, DN còn lại, các tập đoàn, tổng công ty đang tích cực chỉ đạo và cùng chủ đầu tư các dự án trực tiếp xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại các dự án. Đến thời điểm hiện tại cũng đã xuất hiện những tín hiệu khả quan trong việc giải quyết các vướng mắc về hợp đồng EPC, về kỹ thuật... để tìm cách khởi động, vận hành trở lại các dự án đã phải tạm dừng sản xuất trước đây hoặc đang xây dựng dở dang; và nghiên cứu xem xét lựa chọn đối tác cùng hợp tác sản xuất, kinh doanh để chia sẻ rủi ro hoặc thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn theo các phương án đã phê duyệt.     

Đây là những kết quả quan trọng bước đầu cho thấy hiệu quả trong công tác chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo của Chính phủ nói chung cũng như của Bộ Công Thương và các bộ, ngành, DN nói riêng trong việc xử lý vướng mắc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án.

Sản xuất phôi thép tại Nhà máy luyện thép Lưu Xá - Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên. Ảnh: TTXVN. 

 

Xây dựng phương án xử lý riêng cho từng dự án

PV: Bộ trưởng có thể cho biết khó khăn lớn nhất để xử lý hiệu quả 12 dự án này là gì và phương hướng cơ bản để giải quyết của bộ?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Mặc dù những dự án này thuộc các nhóm ngành khác nhau và được khởi công xây dựng, đưa vào khai thác ở những thời điểm khác nhau, nhưng qua xem xét, đánh giá tổng thể và kỹ lưỡng 12 dự án cho thấy những khó khăn, tồn tại lớn ở các dự án này như sau:

Tổng mức đầu tư đều phải điều chỉnh trong quá trình thi công, làm tăng giá thành sản phẩm (đối với các dự án đã kết thúc và đưa vào khai thác) hoặc làm cho dự án không còn khả thi, buộc phải dừng thi công thực hiện.

Tiến độ kéo dài, có dự án chậm tiến độ 10 năm nhưng vẫn chưa hoàn thành, khiến cho tình trạng đội vốn càng trầm trọng hơn.

Trong quá trình thi công dự án, hầu hết các gói thầu EPC của dự án đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư và nhà thầu. Nhiều dự án, mặc dù đã kết thúc nhưng vẫn chưa thanh lý được hợp đồng, chưa quyết toán được dự án.

Tất cả các dự án khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính. Do tỷ trọng vốn vay của dự án lớn đã làm tăng chi phí vốn, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao làm dự án không hiệu quả, bị thua lỗ.

Nhiều dự án gặp phải khó khăn về thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra và nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất.

Về phương hướng xử lý, tôi phải nhấn mạnh rằng, ngay từ trước khi có quyết định thành lập các ban chỉ đạo để xử lý những tồn tại, yếu kém ở các dự án như nêu trên, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc làm việc, văn bản chỉ đạo xử lý các vấn đề tồn tại, yếu kém ở các dự án này. Ngay sau khi Ban Chỉ đạo của Chính phủ được thành lập, Trưởng ban Chỉ đạo đã trực tiếp cùng đại diện các bộ, ngành làm việc tại 9/12 dự án để xem xét các vấn đề cụ thể và có kết luận chỉ đạo xử lý ở từng dự án. Ban Chỉ đạo và các đồng chí lãnh đạo Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc làm việc với các bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty và cơ quan liên quan để xem xét, xử lý các dự án, qua đó đã thống nhất về phương hướng chỉ đạo xuyên suốt những nội dung chủ yếu sau:

Các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương rà soát, đánh giá, làm rõ thực trạng và nguyên nhân các vướng mắc, khó khăn của từng dự án, trên cơ sở đó, đề xuất các phương án xử lý cho từng dự án. Các phương án xử lý cần tập trung vào một số nhóm nội dung sau:

Công tác quản trị doanh nghiệp: Các tập đoàn, tổng công ty và chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung xử lý các vấn đề cụ thể về tài chính, kỹ thuật của dự án, quản trị doanh nghiệp, vận hành nhà máy, tiêu thụ sản phẩm, đàm phán với đối tác...

Cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Các bộ, ngành nghiên cứu xử lý các vấn đề về cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tài chính DN, điều chỉnh điều kiện vay vốn, trả gốc và lãi khoản vay, tạo dựng thị trường, chuyển giao công nghệ... cho các dự án.

Song song với việc xây dựng, thực hiện các phương án xử lý khó khăn của các dự án, Ban Chỉ đạo còn giao cho các cơ quan chức năng (Bộ Công an, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ) tập trung điều tra, thanh tra, kiểm toán để làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở các dự án.

Trên cơ sở những kết quả chuyển biến tích cực ban đầu như nêu trên, để xử lý dứt điểm các dự án, DN này, trong thời gian tới sẽ cần tiếp tục tập trung quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã được nghiên cứu, xây dựng và nêu cụ thể tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29-9 nêu trên. (còn nữa)

Nguồn tin: Quân đội nhân dân

ĐỌC THÊM