Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: 'Kích cầu đang phát huy hiệu quả'

 
Tổng sản phẩm quốc dân quý I tăng 3,1% so với cuối năm ngoái, lạm phát 1,47%. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư lạc quan thông báo những số liệu mới nhất trong phiên chất vấn về vấn đề kích cầu kinh tế tại thường vụ Quốc hội chiều nay.
"Tại hội nghị kinh tế đối ngoại mới diễn ra, có nhiều số liệu khác nhau được công bố, thậm chí có người nói sẽ tăng trưởng âm. Nhưng thực tế, tăng trưởng quý I của chúng ta đạt 3,1%. Đây là tin mừng", ông Võ Hồng Phúc nhấn mạnh.
Thường thì GDP quý I luôn thấp hơn thời gian còn lại của năm. Hơn nữa, năm 2008 GDP tăng 6,23%. Mức tăng 3,1% của quý I năm nay so với mức gốc đó cũng được xem là tín hiệu đáng mừng. Theo Bộ trưởng Phúc, trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm, Việt Nam vẫn tăng trưởng như vậy là khả quan. Quỹ Tiền tệ Quốc tế còn đưa ra dự báo trong hơn 170 nước, chỉ hơn 10 nước giữ mức tăng trưởng dương.
Đạt được kết quả này, theo ông Phúc, là nhờ các quyết sách tổng hợp của Chính phủ, trong đó gói kích cầu 17.000 tỷ đồng cũng có vai trò quan trọng.

Sau khi Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư thông báo số liệu kinh tế quý I, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khuyến cáo không nên chủ quan, vì tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Khủng hoảng mang tính hệ thống và được xem là nghiêm trọng nhất từ sau Đại Suy thoái 1929-1930. Vì vậy, theo ông, khâu dự báo cần được làm tốt, phải thường xuyên cập nhật tình hình và triển khai gói kích cầu một cách hiệu quả, đúng mục đích, đúng mục tiêu.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc là thành viên thứ hai của Chính phủ trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 18 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo kế hoạch, ông phải giải trình về ba vấn đề chính: đơn giản hóa thủ tục đầu tư ở địa phương, phân bổ vốn đầu tư cho địa phương và giải pháp kích cầu nền kinh tế.
Tuy nhiên, các đại biểu chủ yếu hỏi về những vướng mắc trong quá trình triển khai gói kích cầu qua lãi suất trị giá 17.000 tỷ đồng. Cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh cũng được mời tới trả lời về vấn đề này.
Kích cầu kinh tế là một trong năm nhóm giải pháp ngăn chặn nguy cơ suy thoái và giảm phát, được Chính phủ đề xuất từ cuối năm ngoái và bắt đầu triển khai trong 2 tháng qua. Chính phủ dùng 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng) từ dự trữ ngoại hối quốc gia để hỗ trợ giảm 4% lãi suất vốn vay lưu động ngắn hạn cho doanh nghiệp trong năm 2009. Với số tiền hỗ trợ này, dự kiến có khoảng 600.000 tỷ đồng vốn vay ưu đãi được bơm ra nền kinh tế.
Tuy nhiên, đại biểu Vũ Quang Hải và nhiều ý kiến khác trong buổi chất vấn trưa và chiều nay lo ngại gói giải pháp hỗ trợ lãi suất đang kích cung nhiều hơn kích cầu. Giảm lãi suất để doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh là tốt, song trong bối cảnh suy thoái, tiêu dùng sụt giảm, doanh nghiệp khó tìm đầu ra, lượng hàng hóa làm ra có nguy cơ tồn đọng.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc. Ảnh: Hoàng Hà
Trả lời chất vấn chiều 20/3, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho rằng nếu phải chờ tới tháng 5 để Quốc hội duyệt gói giải pháp kích cầu, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Hoàng Hà.

Giải đáp băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết, ban đầu các bộ ngành định đề xuất Chính phủ dùng một phần để hỗ trợ ngân hàng, một phần đưa vào đầu tư, xây dựng nhà cho xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng, phần khác đưa vào các khoản xây dựng cho ngân hàng chính sách để cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vay. Nhưng sau thảo luận, Chính phủ nhận thấy kích cầu đầu tư hay tiêu dùng đều đã có các giải pháp cụ thể, với những nguồn vốn hỗ trợ riêng từ ngân sách hay trái phiếu. Khó khăn nhất hiện nay là vấn đề doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm như thế nào. Vì vậy, Chính phủ mới quyết định dùng 17.000 tỷ để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo tiêu thụ sản phẩm bằng cách tăng vốn lưu động để bán trong nước, tăng vốn lưu động để dự trữ hàng hóa và xuất khẩu hàng ra nước ngoài.
"Không phải chính sách 1 tỷ USD này chỉ có kích cung mà thực tế kích cầu đã làm trước đó và đang phát huy hiệu quả. Đưa phần kích cung này vào mới đảm bảo cân bằng giữa người tiêu dùng và cân bằng giữa xí nghiệp để sản xuất ra mặt hàng đó", ông Phúc nói thêm.
Trong lần thứ hai đứng lên chất vấn, đại biểu Vũ Quang Hải bày tỏ lo ngại tốc độ giải ngân vốn vay ưu đãi vẫn chậm. Ông dẫn chứng câu chuyện ở Hưng Yên, nơi có hơn 4.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nhưng hiện mới có một hộ được tiếp cận vốn cấp bù lãi suất của chính phủ. Chia sẻ quan điểm này, một số đại biểu khác băn khoăn có thể vốn vẫn loanh quanh trong ngân hàng, chứ chảy ra nền kinh tế chưa đáng là bao. Thậm chí có người lo ngại tình trạng đảo nợ, doanh nghiệp vay lãi suất ưu đãi chỉ để trả những món nợ lãi suất cao trước đây.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định cơ quan này chưa phát hiện bất cứ trường hợp đảo nợ. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần phân biệt đảo nợ với trường hợp trả nợ trước hạn hoặc đến hạn trả nợ rồi vay tiếp. Nếu là trường hợp thứ hai, các ngân hàng vẫn cho vay bình thường, với điều kiện tuân thủ các quy định về chính sách tín dụng và điều kiện tiên quyết là phải có phương án khả thi.
Đích thân Thống đốc Nguyễn Văn Giàu đã đi kiểm tra độc lập tại 11 địa phương và tháp tùng Thủ tướng đi kiểm tra việc triển khai gói kích cầu ở 4 địa phương, và nhận được phản hồi tích cực. Số liệu 144.300 tỷ đồng giải ngân chỉ tính tới cuối tuần trước, nếu tính cả tuần này sẽ cao hơn.
Phó thống đốc Nguyễn Đồng Tiến cho biết thêm ngân hàng rất tích cực triển khai cho vay, ở các điểm giao dịch đều trương biển giới thiệu về chương trình hỗ trợ lãi suất và giải ngân ngay từ tuần đầu tiên. Tại Ngân hàng Nông nghiệp, hơn 400 hộ kinh doanh cá thể đã được tiếp cận nguồn vốn này.
Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường đối với một số mặt hàng quan trọng. Đến nay, Đề án điều chỉnh giá điện đến năm 2012 đã được Thủ tướng phê duyệt (Quyết định số 21/2009/QĐ-TTg ngày 12/02/2009), theo đó sẽ điều chỉnh tăng giá điện theo lộ trình thị trường từ ngày 01/3/2009. Đối với mặt hàng than, hiện nay Bộ Tài chính đã thông qua phương án giá của Tập đoàn Than, khoáng sản, dự kiến giá bán than cho các hộ sản xuất xi măng, giấy, phân bón sẽ được điều chỉnh theo giá thị trường từ Quý II/2009.
Trong báo cáo trả lời chất vấn gửi tới các đại biểu, liên quan tới nhóm giải pháp kích cầu, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cũng đề cập tới kế hoạch điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường. Trong đó điện tăng giá theo lộ trình thị trường từ 1/3. Giá than cho các hộ tiêu thụ lớn cũng sẽ được điều chỉnh từ theo thị trường từ quý II.
"Tôi không hiểu tại sao khi đề cập tới giải pháp kích cầu tiêu dùng, Bộ trưởng lại nói tới cả phương án tăng giá các mặt hàng thiết yếu", đại biểu Nguyễn Văn Thuyết chất vấn.
"Chúng tôi đồng ý với việc phải tăng giá điện theo lộ trình. Nhưng một bên chúng ta bỏ tiền ra cho các doanh nghiệp giảm giá thành để có sức cạnh tranh thì một bên chúng ta lại tăng giá điện vào thời điểm nhạy cảm này liệu có hợp lý không?", đại biểu Vũ Quang Hải chia sẻ. Theo ông Hải, trong gói kích cầu của Chính phủ, bản thân ngành điện cũng được hưởng lợi. Hơn nữa, điện là đầu vào của nhiều sản phẩm.
Cho rằng giá điện là vấn đề chuyên môn của Bộ trưởng Công Thương, song người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư khẳng định phương án tăng giá đã được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng. Theo ông, đưa giá hàng hóa về mặt bằng chung của thị trường cũng là nhằm thực hiện nghị quyết Quốc hội, nếu cứ lúng túng mãi ở ngành điện, ngành than sẽ không xử lý được.
"Từ than không xử lý được sẽ liên quan đến xi măng, rồi dắt dây cả một loạt các hoạt động để sản xuất ra sản phẩm thiết yếu của nền kinh tế quốc dân. Cho nên buộc xử lý ngành điện để xử lý các ngành khác. Các doanh nghiệp bị tác động từ giá điện đã được hưởng chính sách miễn giảm thuế. Chính phủ đã có tính toán đến phương án đó", ông Phúc giải thích.
Liên quan tới thủ tục đầu tư ở địa phương và phân bổ vốn đầu tư cho địa phương, Bộ trưởng Phúc thừa nhận còn vướng mắc nhiều ở khâu thủ tục hành chính, làm chậm quá trình giải ngân kể cả vốn đầu tư từ ngân sách, của doanh nghiệp hay vốn đầu tư nước ngoài. Giữa các luật có liên quan như Luật Đấu thầu, Đầu tư, Doanh nghiệp hay Luật Xây dựng, Bảo vệ môi trường, có sự chồng chéo nhau, gây khó khăn cho quá trình xét duyệt, giải ngân. Vì vậy, Chính phủ đang xây dựng luật sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến xây dựng cơ bản để trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5 tới.
 
(VNexpress.net)

ĐỌC THÊM