Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bội thực các nhà máy thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Thời gian gần đây các nhà đầu tư đang đổ xô tới Bà Rịa – Vũng Tàu để tìm kiếm cơ hội lập nhà máy sản xuất thép. Nhiều chuyên gia ngành thép bắt đầu lo ngại về một sự quá tải về cơ sở hạ tầng và môi trường tại “thủ phủ” thép mới này.

Tháng 7 vừa qua, Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen đã chính thức có văn bản đề nghị Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng bổ sung thêm 5 dự án với quy mô lên tới 6,6 triệu tấn thép các loại mỗi năm vào Quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020.

Tuy nhiên, điều đáng nói hơn là tất cả các dự án nói trên đều được Công ty cổ phần Tôn Hoa Sen đề nghị đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi mà doanh nghiệp này đang có một dự án sản xuất các sản phẩm thép ống với công suất chưa tới 200.000 tấn/năm.

Nhà đầu tư quá thiết tha!

Cho tới khi Bộ Công Thương tiến hành kiểm tra thực tế các nhà máy thép theo Quy hoạch ngành thép (tháng 9/2008), tại Bà Rịa -Vũng Tàu có 15 dự án thép với tổng công suất là 11,5 triệu tấn và tổng vốn đầu tư là 2,4 tỷ USD. Tất cả các dự án này đều nằm ở các KCN Phú Mỹ 1, Phú Mỹ 2. Tuy nhiên, tới thời điểm hiện nay, quy mô các nhà máy thép đã được cấp phép và đang mong muốn được đầu tư tại tỉnh này đã tăng lên trên 20 triệu tấn/năm. Thậm chí vẫn có những dự án có vốn đầu tư nước ngoài như dự án thép Sumikin do China Steel (Trung Quốc) và Sumitomo (Nhật Bản) đầu tư với công suất 1,6 triệu tấn/năm, dù trước đó đã được cơ quan quản lý chuyên ngành là Bộ Công Thương khuyến cáo không nên đặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu bởi cơ sở hạ tầng nơi đây đã quá tải. Dường như do nhà đầu tư quá “thiết tha” nên rút cục các cơ quan chức năng trung ương và địa phương “không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ”.

Dĩ nhiên là không chỉ có CTCP Tôn Hoa Sen hay dự án Sumikin muốn đầu tư mới vào đây, mà hàng loạt nhà đầu tư thép đã có mặt tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũng muốn mở rộng hoạt động sản xuất của mình. Ngoài nhà máy luyện thép 500.000 tấn phôi/năm và cán 400.000 tấn/năm, nhà máy cán nguội 400.000 tấn/năm đã hoạt động, TCT Thép Việt Nam đang quyết tâm triển khai dự án thép tấm 2 triệu tấn/năm mà trước đó định liên doanh với Tập đoàn Essar (Ấn Độ) nhưng không thành. Đó còn là dự án sản xuất 1 triệu tấn phôi và 500 nghìn tấn thép cán của Tập đoàn Thép Việt đang triển khai bên cạnh nhà máy phôi 500.000 tấn/năm và 450.000 tấn thép cán/năm đã đi vào hoạt động.

Sẽ “bội thực”?!

Sự có mặt dày đặc của các dự án thép tại Bà Rịa - Vũng Tàu, mà chủ yếu tập trung tại KCN Phú Mỹ 1 và Phú Mỹ 2 đã khiến các chuyên gia e ngại về tình trạng “bội thực” các nhà máy thép ở đây và hậu quả sẽ khó lường, dù đó không phải là tiền của Nhà nước.

Ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho hay, nếu các nhà máy thép đặt ở khu vực này nằm trong tổng thể một khu liên hợp thép với những tính toán đầy đủ và có quy hoạch thì quy mô 20 triệu tấn thép/năm không phải là quá lớn. Tuy nhiên, 20 triệu tấn công suất ở Bà Rịa - Vũng Tàu hiện nay lại là tập hợp của nhiều dự án trùng lắp về sản phẩm, chưa kể quy mô nhiều dự án rất manh mún, bị xé lẻ với các loại máy móc thiết bị đủ kiểu, từ hiện đại cho tới lạc hậu. Vì vậy, khó có thể kỳ vọng nơi đây sẽ có được một khu công nghiệp hoàn chỉnh về thép với quy mô lớn.

Rất nhiều dự án thép tại các KCN của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa qua đã được cấp phép mà không hề tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý chuyên ngành trung ương (Bộ Công Thương) mà ngay cả Sở Công Thương địa phương cũng… không hề biết nó được cấp phép lúc nào!

20 triệu tấn một năm là tổng sản lượng thép đã được cấp phép tại Bà Rịa – Vũng Tàu

Cũng bởi thực tế “đến là cấp, bất chấp quy hoạch” của Ban quản lý KCN tỉnh Bà Rịa -  Vũng Tàu với các dự án thép vào KCN nên cơ sở hạ tầng của khu vực này đang đứng trước nguy cơ quá tải cả về điện, nước, đường sá, cầu cảng lẫn môi trường. Thực tế là nhiều nhà máy quy mô lớn cùng hoạt động đã khiến cho phụ tải điện ở khu vực này cao vọt so với lượng điện được phân bổ, nhất là trong các giai đoạn cao điểm. Bên cạnh đó, dù có lợi thế về cảng, nhưng Cảng Phú Mỹ hiện nay cũng không phải là cảng chuyên dùng với quy mô lớn cho riêng ngành thép, bởi còn phải phục vụ các ngành công nghiệp khác như phân bón, hóa chất… có nhà máy ở ngay tại KCN Phú Mỹ 1 và 2.

Không chỉ có vậy, các chuyên gia còn e ngại việc không có quy hoạch xử lý môi trường tổng hợp về nước thải, chất thải rắn sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng sau này.

Cũng bởi sự có mặt dày đặc của các nhà máy thép mà cuộc cạnh tranh về nhân lực ngành thép tại đây đã diễn ra quyết liệt và cứ doanh nghiệp đến sau lại đề nghị mức lương cao hơn doanh nghiệp đến trước. Chuyện các chức danh quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân của những nhà máy thép thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam lần lượt dứt áo ra đi đến nơi làm việc mới hấp dẫn hơn chẳng còn là chuyện hiếm. Thậm chí Tổng giám đốc một doanh nghiệp “xương sống” của Tổng công ty Thép cũng “cập bến mới” với một doanh nghiệp thép tư nhân.

Tuy nhiên, dù sự nở rộ các dự án thép ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã vượt rất xa so với cả quy hoạch lẫn khả năng đáp ứng về cơ sở hạ tầng của địa phương, nhưng có vẻ như các bộ chuyên ngành hay VSA cũng chẳng thể can thiệp. Lãnh đạo Sở Công Thương Bà Rịa - Vũng Tàu khi làm việc với Bộ Công Thương đã thẳng thắn thừa nhận “không được hỏi ý kiến gì khi Ban quản lý các KCN cấp giấy chứng nhận cho các dự án này”. Sở còn vậy, nói chi Bộ ở quá xa!

Còn ông Cường cũng cho hay, mọi cảnh báo về tình hình “bội thực” dự án ở địa phương nào đó, VSA chỉ gửi lên Bộ hay các cơ quan Chính phủ thôi chứ còn chưa bao giờ gửi cho tỉnh. “VSA từng làm việc với các địa phương ở phía Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, còn các tỉnh phía Nam thì khó có thể góp ý được vì… họ ở quá xa, nên các cơ quan chức năng nói có lẽ tốt hơn”, vị Chủ tịch Hiệp hội Thép ý nhị nhận xét.

(DĐ DN)

ĐỌC THÊM