Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

"Bội thực" dự án thép ngoài quy hoạch

 - Sau 2 năm thực hiện quy hoạch, ngành thép đã làm tốt nhiệm vụ đáp ứng đủ và kịp thời về số lượng và chủng loại các sản phẩm thép cho nền kinh tế. Tuy nhiên, thực tế triển khai lại nảy sinh sự “bội thực” các dự án thép. Rất nhiều ý kiến của đại biểu tham dự hội thảo “Tư vấn phát triển công nghiệp gang thép Việt Nam” diễn ra ngày 7-4, bày tỏ sự băn khoăn trước nguy cơ quy hoạch ngành thép bị phá vỡ.

Ngành thép nước ta đã đáp ứng đủ cho nhu cầu xây dựng

Theo thống kê của Vụ Công nghiệp nặng - Bộ Công Thương, số lượng các dự án thép đầu tư trong quy hoạch, giai đoạn 2007-2015 là 23 dự án. Tuy nhiên, đến thời điểm này, số lượng các dự án không có trong danh mục quy hoạch được cấp giấy chứng nhận đầu tư là 32 dự án. Trong số đó có 3 dự án nhà máy thép liên hợp quy mô lớn đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư, 5 dự án quy mô vừa đã được Bộ Công Thương có ý kiến thỏa thuận. Nguyên nhân của tình trạng này là do sự thiếu thống nhất trong văn bản pháp luật liên quan, cụ thể là sự “vênh nhau” giữa Luật Đầu tư và Luật Xây dựng.

Theo Luật Đầu tư thì việc đầu tư này không vi phạm, nhưng theo Luật Xây dựng thì đối với các dự án không có trong danh mục Quy hoạch được duyệt và có mức vốn nhỏ hơn 1.500 tỷ đồng (thuộc nhóm B và nhóm C) thì trước khi lập đề án phải có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền phê duyệt về quy hoạch. Như vậy, các dự án sản xuất thép chưa có trong quy hoạch và thuộc nhóm B vẫn phải xin ý kiến chấp thuận về chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.

Theo nhận định của ông Bùi Quang Chuyện - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương thì “ngành thép đang phát triển nhanh nhưng thiếu tính bền vững”. Nhanh ở đây chính là việc tăng trưởng nhanh chóng về số lượng các dự án được đầu tư, tăng nhanh về năng suất. Tính đến cuối năm 2008, ngành thép đã đáp ứng được khoảng 56% nhu cầu về phôi thép vuông, 40% thép cán nguội và 100% thép cán xây dựng. Chủng loại thép cũng từng bước được mở rộng.

Tuy nhiên, ngành thép vẫn phát triển phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên sản xuất bị động và chịu thiệt thòi trước biến động của tình hình giá cả thế giới. Mặt khác, việc ồ ạt đầu tư vào các dự án thép đã khiến tổng công suất thiết kế của các dự án vượt xa dự kiến trong quy hoạch. Dự báo nhu cầu tiêu thụ thép trong nước năm 2015 là 15 triệu tấn và đến năm 2020 là khoảng 20 triệu tấn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cảnh báo: “Nếu các nhà máy liên hợp trên được thực hiện thì 7-10 năm nữa, ngành thép Việt Nam sẽ có tổng công suất vài chục triệu tấn/năm. Đây là điều phải cân nhắc vì thị trường Việt Nam và Đông Nam á có quá nhiều liên hợp thép công suất lớn, cung vượt cầu, sự cạnh tranh sẽ khốc liệt và các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam sẽ chịu thiệt thòi”.

Cùng quan điểm trên, ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích: “Thị trường Việt Nam và thị trường các nước trong khu vực chỉ cần thêm 2 nhà máy liên hợp có công suất 5-10 triệu tấn/năm trong vòng 5 năm tới là thích hợp”, nhưng danh mục các dự án thép trong và ngoài quy hoạch ở nước ta hiện nay đang có 5 dự án là các khu liên hợp!

Ông Cường cũng cho rằng, việc xây dựng quá nhiều dự án thép ở hầu hết các địa phương sẽ làm mất cân đối như: Cân đối năng lượng, vận tải, môi trường... Các dự án thép xây dựng ồ ạt đã chiếm rất nhiều diện tích đất đai của nông nghiệp. Theo tính toán, mỗi dự án liên hợp thép chiếm từ 1.000-3.000ha, chưa kể đến diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp hỗ trợ.

Quy hoạch ngành thép nhằm tạo ra kế hoạch dài hơi cho sự phát triển nhanh chóng, bền vững của ngành. “Khung pháp lý” này có thể điều chỉnh khi cần thiết nhưng không thể tùy tiện phá vỡ. Nhưng nhìn vào hàng loạt các dự án thép đang được triển khai xây dựng ở nước ta hiện nay, quy hoạch của ngành này đang đứng trước nguy cơ bị phá vỡ. Các cơ quan chức năng có biểu hiện “nhượng bộ” khi đề nghị bổ sung các dự án đã được cấp phép đầu tư mới vào trong quy hoạch. Sự tính toán, quy hoạch ngược trên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, khoa học của ngành kinh tế quan trọng này.                 

Vân Hằng

Kiến nghị kiểm soát chặt thép nhập khẩu

(ANTĐ) - Theo tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam, hiệp hội và một số doanh nghiệp sản xuất thép vừa kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ các giải pháp chống gian lận thương mại đối với thép nhập khẩu, nhất là các loại thép nhập khẩu có nguồn gốc từ ASEAN và Trung Quốc.

Theo đó, giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 5% trong giai đoạn này đối với phôi thép có nguồn gốc ngoài ASEAN, về lâu dài xem xét giảm thuế nhập khẩu xuống 0%. Với các hàng hóa có nguồn gốc từ ASEAN, các cơ quan quản lý cần chấn chỉnh việc vận dụng sai mã hàng hóa nhập khẩu giữa hai nhóm có mức thuế 0% và mức thuế 5% trong biểu thuế xuất nhập khẩu; đồng thời tăng cường giám sát và kiểm tra tính trung thực của các nhà nhập khẩu khi làm thủ tục Hải quan nhập thép của ASEAN (form D).

Hiệp hội Thép Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ xem xét, áp dụng kinh nghiệm của Indonesia trong việc chống gian lận thương mại như: Quy định về việc tất cả thép nhập khẩu phải được thẩm tra bởi các giám sát viên độc lập tại các cảng chất hàng trước khi được chuyển tới nước nhập khẩu; các nhà sản xuất và nhập khẩu thép phải đăng ký với cơ quan quản lý để hạn chế bớt các đầu mối nhập khẩu thép; các dự án phải sử dụng thép trong nước…               

(ANTĐ)

ĐỌC THÊM