Trước tình hình khủng hoảng toàn cầu, các nền kinh tế đều bị suy giảm như Trung Quốc, Việt Nam hay suy thoái, tức tăng trưởng âm như Mỹ, châu Âu, Singapore, các nhà kinh tế gợi ý 4 kịch bản hồi phục mô phỏng theo các chữ viết hoa V, U, W và L.
Dưới đây là bài viết của chuyên gia Lê Đăng Doanh về khả năng phục hồi của kinh tế thế giới và liên hệ với Việt Nam.
1. Kịch bản hồi phục theo hình chữ V
Theo kịch bản này, tăng trưởng kinh tế suy giảm nhanh và hồi phục ngay, thời gian nền kinh tế ở dưới đáy rất ngắn, thường ít hơn một năm. Đây là kịch bản lạc quan nhất, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra mô hình này cho nền kinh tế toàn cầu trong dự báo tháng 1/2009.`
Chữ V không nhất thiết phải cân đối, có thể đường hồi phục chậm hơn đường suy thoái, song chắc chắn đây là kịch bản tối ưu mà các nền kinh tế đều kỳ vọng và hướng tới.
2. Kịch bản hồi phục hình chữ U
Theo kịch bản này, nền kinh tế phải vật lộn ở dưới đáy lâu hơn kịch bản 1, thường là hơn một năm, tùy theo chữ U này béo hay gầy.
Đây là biến thể của kịch bản trên nhưng sát với thực tế hơn vì thời gian để tái cơ cấu, hay cải cách kinh tế có độ trễ nhất định, không thể phát huy hiệu lực ngay. Kịch bản hình chữ U này cũng được coi là kịch bản tốt, cần đạt tới.
3. Kịch bản hồi phục hình chữ W
Theo kịch bản này, nền kinh tế có thể hồi phục rồi lại suy giảm hay suy thoái một hay vài lần trước khi đạt được mức tăng trưởng tương đối ổn định.
Theo đó, chúng ta có thể có 1 hay 1,5 hoặc 2 chữ W vì việc cải cách và tái cấu trúc nền kinh tế rất phức tạp. Có những vấn đề chậm được phát hiện hay chậm được cải cách do có xung đột lợi ích và lợi ích nhóm, chính vì thế mà quá trình hồi phục diễn ra không dễ dàng, suôn sẻ.
4. Kịch bản hồi phục chữ L
Đây là kịch bản bi quan nhất, sau khi suy thoái, nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng thấp hoặc ở dưới đáy trong nhiều năm. Kinh tế Nhật Bản là ví dụ điển hình cho kịch bản này với cả thập kỷ trì trệ trong những năm cuối của thế kỷ 20.
Một số dự báo
Nhiều nhà kinh tế dự báo cuộc khủng hoảng hiện nay có thể kéo dài nhiều năm, có thể là một thập kỷ. Nhà kinh tế Jeffrey Sachs còn cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ đồng hành với chúng ta trong cả một thế hệ tới do có quá nhiều việc phức tạp phải thiết kế, thống nhất và tổ chức thực hiện.
Vì vậy, kịch bản chữ V được coi là ít hiện thực hơn so với các biến thể hình chữ U hay chữ W. Kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ hồi phục, song không thể nhanh vì mô hình tiêu dùng dựa trên vay mượn, thấu chi thẻ tín dụng, nhập siêu... chắc chắn sẽ phải điều chỉnh. Các hoạt động của ngân hàng thương mại, chứng khoán, công ty đầu tư mạo hiểm, công ty tư vấn xếp hạng tín nhiệm... sẽ phải điều chỉnh.
Vai trò của Mỹ sẽ bị suy giảm tương đối trên thế giới, song suy giảm đến mức nào thì cần phải tiếp tục đánh giá, phân tích.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho rằng kinh tế Mỹ và thế giới có thể hồi phục theo hình chữ V, đường đỏ là không có gói kích thích, đường xanh là có gói kích thích (đồ thị 1).
Đồ thị 1: Kịch bản phục hồi kinh tế thế giới và Mỹ với tác động của gói kích thích kinh tế từ ngân sách theo IMF. |
Kinh tế Trung Quốc có thể hồi phục sớm hơn Mỹ, nhưng có nhà kinh tế Trung Quốc cho rằng kinh tế nước này có thể hồi phục theo hình chữ W.
Lý giải điều này, nhà kinh tế trên cho rằng bên cạnh những mặt mạnh như lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất hành tinh, tới gần 2.000 tỷ USD, xuất siêu, tỷ lệ tiết kiệm cao, lạm phát thấp, ngân sách cơ bản cân đối, thị trường nội địa rộng lớn, kinh tế Trung Quốc cũng còn nhiều vấn đề nội bộ gay gắt như tình trạng kém hiệu quả của các doanh nghiệp nhà nước, các ngân hàng thương mại quốc doanh, chênh lệch giàu - nghèo nghiêm trọng, tam nông có nhiều vấn đề gay gắt... nên có thể hồi phục rồi sẽ lại suy giảm rồi lại hồi phục.
Cũng cần lưu ý hiệu ứng lan tỏa (spill-over effect) của kinh tế Trung Quốc thấp, cơ cấu kinh tế Trung Quốc có nhiều nét tương đồng với kinh tế Việt Nam nên sự hồi phục sớm của kinh tế Trung Quốc, bên cạnh một số tác động tích cực nhất định có thể có (như tăng nhập khẩu, đầu tư vào Việt Nam), sẽ tạo sức ép cạnh tranh mạnh hơn đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử dân dụng cũng như trong lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài.
Kinh tế Singapore có khả năng hồi phục theo hình chữ L mặc dù Singapore có chính phủ mạnh, có tiềm lực, song Singapore quá phụ thuộc vào tình hình kinh tế thế giới.
Kịch bản hồi phục nào cho kinh tế Việt Nam?
Trong quá khứ, kinh tế Việt Nam đã hồi phục tương đối nhanh từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, trong đó vai trò ổn định của nông nghiệp rất rõ nét (đồ thị 2).
Đồ thị 2: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam và đóng góp của ba khu vực kinh tế. |
Liệu kỳ này kinh tế Việt Nam có lặp lại kịch bản cũ không? Điều này tùy thuộc vào quyết tâm cải cách của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp và cũng tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế thế giới (vì kinh tế nước ta có tỷ lệ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài rất lớn).
Như vậy, niềm hy vọng về sự hồi phục kinh tế ngay trong tháng 5, tháng 6 này chỉ có thể diễn ra trên một số lĩnh vực cục bộ chứ chưa thể ở phạm vi toàn nền kinh tế.
Trong số các kịch bản nói trên, Việt Nam nhất thiết phải tránh kịch bản chữ L, vì nếu như vậy sẽ gây ra rất nhiều tiêu cực về kinh tế, xã hội và những hệ lụy chiến lược đối với Việt Nam là rất bất lợi.
Để thực hiện được kịch bản chữ V hay chữ U đòi hỏi Chính phủ phải sớm có một đánh giá tác động của khủng hoảng đến các mặt kinh tế - xã hội, trên cơ sở đó đề ra chương trình tổng thể về cải cách và tái cơ cấu nền kinh tế.
Chương trình này phải được đưa ra toàn xã hội đóng góp ý kiến, được tổ chức thực hiện có hiệu lực, được Quốc hội và các tổ chức xã hội giám sát, công bố công khai cho toàn dân biết để cùng thực hiện, cùng giám sát.
Điều quan trọng là phải nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh những vấn đề gai góc như tham nhũng, lợi ích nhóm, các vấn đề của các tập đoàn độc quyền... Nếu không làm như vậy, rất có thể kịch bản hình chữ W sẽ trở thành hiện thực.
Sau khi hồi phục nhanh ở một số lĩnh vực nhất định, tăng trưởng có thể bị suy giảm vì những yếu kém bộc lộ ra trong khi kinh tế khu vực và thế giới sẽ có thay đổi rất sâu sắc. Đó là kịch bản Việt Nam cũng cần phải tránh và chúng ta còn có thời gian và tiềm lực để tránh.
(Theo TBKTSG)