Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) vừa đưa ra chủ trương không thu hút các dự án đầu tư vào lĩnh vực sản xuất thép, đặc biệt là thép xây dựng và phôi thép (trừ các dự án sản xuất thép chất lượng cao) cùng 7 lĩnh vực không thu hút đầu tư khác.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Chỉ thị 43-CT/TU về việc thu hút đầu tư nước ngoài mà Ban Thường vụ Tỉnh ủy BR-VT vừa ban hành, nhằm đưa kinh tế của tỉnh phát triển bền vững, không gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cũng như sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, năng lượng.
BR-VT hiện được xem là trung tâm của ngành luyện thép Việt Nam với 5 nhà máy đang hoạt động, tổng công suất 3,25 triệu tấn phôi/năm. Hiện nay mỗi ngày các nhà máy luyện phôi thép trên địa bàn tỉnh phát sinh hơn 800 tấn bụi lò, xỉ thép và đất phế.
Dự kiến năm 2015 sẽ có thêm 2 nhà máy luyện thép đi vào hoạt động, nâng tổng số công suất 4,75 triệu tấn phôi thép/năm cho 7 nhà máy.
Với số lượng nhà máy luyện thép và sản lượng phôi thép chiếm đến 65% trên cả nước, ngành luyện thép đã đóng góp khá lớn vào quá trình phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, ngành luyện thép cũng đang gây ra những ảnh hưởng xấu đến môi trường của tỉnh trong nhiều năm qua do nguồn chất thải phát sinh rất lớn cũng như tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Khối lượng xỉ thép và bụi lò từ các nhà máy thép trong thời gian qua đang ảnh hưởng xấu đến môi trường của địa phương, đòi hỏi phải có hướng giải quyết thích hợp. Một phần nguyên nhân là lĩnh vực luyện thép ở tỉnh này đã phát triển quá nhanh, một phần khác là do các chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm, thực hiện đầy đủ trách nhiệm đối với nguồn thải theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng cho rằng việc thu hút quá nhiều dự án thép sử dụng nhiều đất, nhiều điện đã gây ô nhiễm môi trường từ xỉ thép, bụi lò...
Về phía địa phương, tỉnh BR-VT cũng đang xúc tiến thu hút, lựa chọn một nhà đầu tư có năng lực để đầu tư xây dựng một nhà máy xử lý bụi lò. Tuy nhiên, trước mắt, để xử lý chất thải này, tỉnh cũng chỉ trông chờ phương án chuyển bụi lò đến nơi có thể xử lý được.
Với những khó khăn gây ảnh hưởng trên, giới phân tích cho rằng việc không thu hút thêm các dự án đầu tư liên quan đến lĩnh vực sản xuất thép trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết và điều này lẽ ra phải được xem xét kỹ từ lâu.
Ngoài lĩnh vực thép, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng yêu cầu, kể từ nay không thu hút 7 loại hình dự án khác, bao gồm: chế biến tinh bột sắn; chế biến mủ cao su; sản xuất hóa chất cơ bản (có phát sinh nước thải công nghiệp); nhuộm, thuộc da; sản xuất giấy các loại, bột giấy; chế biến bột cá: các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm thượng nguồn và các hồ chứa nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.
Chỉ thị cũng yêu cầu hạn chế đầu tư đối với các dự án: công nghiệp xi mạ; chế biến hải sản; sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật: sản xuất phân bón; sản xuất sơn, phụ gia, chất tẩy rửa công nghiệp: sản xuất da giày, may mặc; dự án sử dụng nhiều lao động phổ thông, nhiều đất, có giá trị gia tăng thấp: dự án có phát sinh chất thải lớn, đặc biệt là khí CO2; dự án sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu…
Theo Chỉ thị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu chỉ cấp phép đối với những dự án này khi thật sự cần thiết để phục vụ cho nhu cầu phát triển của tỉnh nhưng phải đề ra các điều kiện cụ thể chặt chẽ mà doanh nghiệp cần đáp ứng để được cấp phép đầu tư thẩm định kỹ năng lực của nhà đầu tư, trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét cho chủ trương trước khi cấp phép đầu tư.
Tính đến tháng 7-2014, BR-VT có 290 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 26,7 tỉ đô la Mỹ và 422 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 233.136 tỉ đồng. Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như chưa thu hút được nhiều dự án lớn có sức lan tỏa, lôi kéo các dự án khác như các dự án công nghiệp cao, công nghiệp hỗ trợ. Một số dự án chế biến hải sản, nhuộm gây ô nhiễm môi trường.
Nguồn tin: KTSG