Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Bức tranh kinh tế 2012

Mục tiêu của Chính phủ trong năm 2012 là không tập trung cho tăng trưởng mà là kiềm chế lạm phát ở dưới 1 con số. Bức tranh kinh tế năm 2012 sẽ như thế nào? Các doanh nghiệp (DN) phải thích ứng ra sao?

Vẫn còn nhiều bất ổn

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng kinh tế vĩ mô của VN năm 2012 sẽ còn nhiều khó khăn, bất ổn, trong đó lạm phát là bài toán nan giải nhất. Năm 2011, các dự báo về lạm phát buộc phải điều chỉnh với khoảng cách khá xa so với đầu năm. Năm 2012, VN tiếp tục thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, nhưng đó là cả một quá trình. “Theo tôi, DN phải chịu đựng giai đoạn khó khăn này trước khi nền kinh tế được cải thiện theo cách phát triển bền vững, và không nên bi quan. Công cuộc tái cấu trúc sẽ tạo cơ hội cho DN, bởi lúc đó nền kinh tế sẽ đi vào quỹ đạo, mang tính minh bạch, công bằng hơn. Những DN nào có cơ sở phát triển tốt sẽ tận dụng được các cơ hội từ tái cấu trúc”, bà Lan phân tích.


Hy vọng của các doanh nghiệp đặt vào quyết tâm giảm lãi suất trong năm 2012 - Ảnh: Đ.N.T

Cùng chung nhận định với bà Lan, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế - khẳng định nền kinh tế toàn cầu năm 2012 sẽ xấu hơn 2011. Khủng hoảng khu vực đồng Euro phủ bóng đen lên thế giới; nền kinh tế Mỹ, Trung Quốc giảm sút. Tính bất ổn của năm 2012 là rất lớn. Trong bối cảnh đó, VN sẽ tái cấu trúc nền kinh tế, dù cho đến nay mới là ý tưởng, chưa rõ hình hài. Năm 2012 đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5%. Trong điều kiện hiện nay, dù chỉ tăng trưởng 0,6 - 0,7% cũng đã rất khó khăn.

Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội Hà Nội, nền kinh tế sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là biến động chính trị ở nhiều nước trên thế giới. Một số khó khăn và thách thức đối với thị trường tài chính có thể  lớn hơn, khó lường hơn. “Lạm phát và mặt bằng lãi suất năm 2012 có thể vẫn khá cao; nợ xấu của hệ thống ngân hàng tiếp tục gia tăng áp lực; thanh khoản của một số ngân hàng thương mại sẽ thêm khó khăn; nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế, dự trữ ngoại hối, tỷ giá, cũng như giá vàng trên thị trường có nhiều khả năng là sẽ vẫn biến động bất thường. Sản xuất kinh doanh gặp nhiều lực cản chưa dễ tháo gỡ, dù có dấu hiệu nới lỏng tín dụng từ phía ngân hàng. Nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô có thể trở thành thách thức lớn hơn nếu chúng ta không có giải pháp quyết liệt, hiệu quả”, TS. Phong nhận định.

Khó đạt mức lạm phát dưới 10%

Các chuyên gia kinh tế cho rằng mục tiêu kéo giảm lạm phát xuống dưới 1 con số trong năm tới không đơn giản. Từ lạm phát 19%, trong vòng 1 năm phải kéo giảm xuống dưới 10% nếu đạt sẽ là một kỳ tích. Để có thể đạt mục tiêu này, theo bà Phạm Chi Lan, trước hết phải tiếp tục điều chỉnh chính sách đầu tư công. VN có tốc độ tăng trưởng cao nhưng chủ yếu dựa vào vốn đầu tư, đổ tiền đầu tư để đạt tăng trưởng như mong muốn; cần mạnh tay cắt giảm đầu tư không cần thiết. Một khi giảm đầu tư công, đầu tư nhà nước thì nguồn lực tài chính cho DN mới được nới rộng. DN tư nhân chính là đối tượng đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng của nền kinh tế chứ không phải doanh nghiệp nhà nước. Theo TS Doanh, khi đầu tư công được cắt giảm thì nguồn tín dụng sẽ được bơm vào các kênh khác như sản xuất, nông nghiệp... Những dự án đầu tư được thực hiện với tốc độ nhanh nhất sẽ khiến vòng quay tín dụng cao hơn.

Để kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ buộc phải thắt chặt, và DN tư nhân sẽ gặp nhiều khó khăn hơn? Bà Phạm Chi Lan cho rằng, thắt chặt tiền tệ là việc phải làm, nhưng năm 2012 các chính sách có thể sẽ được điều chỉnh và DN dễ thở hơn. “Năm 2011, bất ổn lớn nhất trong khi thắt chặt tiền tệ chính là việc làm này không đi cùng với thắt chặt chính sách tài khóa, cho nên đã không mang lại hiệu quả tích cực khi đầu tư nhà nước vẫn quá lớn”, bà Lan nhấn mạnh. Về tăng trưởng GDP 2012 với mục tiêu 6,5%, bà Lan cho rằng có khả năng đạt được. Bởi tăng trưởng xuất khẩu vẫn còn thuận lợi nhất định, dù các yếu tố bất ổn bên ngoài vẫn tác động mạnh mẽ vào xuất khẩu của VN.

3 vấn đề lớn của thị trường tài chính

Theo TS Nguyễn Minh Phong, thị trường tài chính năm 2012 có 3 vấn đề đáng chú ý. Thứ nhất, các ngân hàng và công ty tài chính tiếp tục có sự căng thẳng về thanh khoản và thu hồi nợ cũ, nhất là những khoản cho vay với lãi suất cao trong các lĩnh vực kinh doanh bất động sản (BĐS) và chứng khoán. Đặc biệt, nếu việc thu hồi nợ không tốt có thể còn làm gia tăng rủi ro mới gắn với sự giảm giá mạnh và trầm lắng hơn nữa thị trường BĐS, kể cả BĐS thế chấp. Điều này đồng nghĩa với sự thiệt hại trực tiếp giảm giá trị tài sản nợ của những ngân hàng và công ty đầu tư tài chính có lượng tài sản thế chấp  bằng BĐS lớn. Thứ hai, thách thức về nguồn huy động tài chính - tín dụng cả về quy mô lẫn điều kiện tín dụng sẽ tăng do chủ trương tiếp tục thắt chặt tiền tệ, ưu tiên kiềm chế lạm phát của nhà nước. Thứ ba, những nguyên nhân thúc đẩy Việt Nam phải tái cấu trúc nền kinh tế tiếp tục là nhân tố trực tiếp hay gián tiếp tạo rủi ro cho các tổ chức tín dụng và đầu tư tài chính. Đó là lạm phát và mặt bằng lãi suất có thể vẫn khá cao; cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối khó cải thiện gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá; hệ số tín nhiệm quốc gia thấp và chỉ số cạnh tranh tụt bậc liên tiếp nhiều năm... “Các nhà kinh tế đang e ngại về khả năng xuất hiện một làn sóng khủng hoảng kinh tế thế giới lần thứ hai vào năm 2012. Những khó khăn và rủi ro nêu trên có thể phát tác, gây hậu quả trái với mong đợi và làm nản lòng những quyết tâm và kế hoạch tái cấu trúc cần thiết trong thời gian tới”, TS. Phong nhận định.  

 

Điều hành tiền tệ trên cơ sở phân loại các ngân hàng

Đó là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thông báo đưa ra ngày 17.12 về kết quả thực hiện chính sách tiền tệ năm 2011 và kế hoạch năm 2012. Điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 sẽ theo xu hướng chặt chẽ và linh hoạt để ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức phù hợp. Một số chỉ tiêu cụ thể như tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%, tín dụng tăng khoảng 15-17%; lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

NH Nhà nước chỉ đạo kiểm soát tăng trưởng tín dụng và dư nợ mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành lần đầu trong suốt cả năm 2012 tối đa là 15-17%. Giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với các nhóm NH trên cơ sở xếp loại NH của Cơ quan Thanh tra, giám sát NH và theo nguyên tắc NH hoạt động tốt thì mức tăng trưởng tín dụng cao hơn nhóm NH hoạt động chất lượng thấp hơn. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn phục vụ lĩnh vực sản xuất và các dự án, phương án có hiệu quả, kiểm soát dư nợ cho vay các lĩnh vực không khuyến khích ở mức hợp lý.

Tỷ giá và thị trường ngoại hối được điều hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường, phù hợp với quan hệ cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, diễn biến cán cân thanh toán quốc tế và các cân đối vĩ mô; tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về quản lý ngoại hối, khuyến khích xuất khẩu, giảm nhập siêu, thu hút các nguồn tiền đầu tư, kiều hối,... từ nước ngoài về nước, tạo điều kiện tăng dự trữ ngoại hối nhà nước.

Nguồn tin: Thanhnien

ĐỌC THÊM