Kể từ khi Nghị quyết mới về thuế suất tài nguyên được áp dụng đầu năm 2017, toàn ngành xi măng nói chung và doanh nghiệp nói riêng gặp không ít khó khăn. Kết quả kinh doanh những doanh nghiệp đang niêm yết theo đó cũng suy giảm đáng kể trong nửa đầu năm.
Thống kê của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, 6 tháng đầu năm, tổng sản lượng xi măng của toàn ngành đạt hơn 31 triệu tấn; so với cùng kỳ năm 2016, giảm 5.72%. Ở chiều ngược lại, tổng lượng tiêu thụ xi măng và clinker của toàn ngành đạt 38.25 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, tiêu thụ nội địa toàn xã hội đạt 28.7 triệu tấn, tương đương với mức tiêu thụ trong 6 tháng đầu năm 2016.
Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng ước tính con số xuất khẩu trong nửa đầu năm 2017 đạt 9.5 triệu tấn xi măng và clinker, trị giá xuất khẩu thu về đạt 330.8 triệu USD; tăng cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2016, với mức tăng tương ứng 19.9% và 12.4%.
Bức tranh chung toàn ngành là thế nhưng hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp niêm yết lại không như kỳ vọng. Cụ thể, theo thống kê dữ liệu của Vietstock, đã có 9 doanh nghiệp xi măng niêm yết công bố BCTC quý 2/2017, trong đó 67% đơn vị ghi nhận lãi giảm, 2 đơn vị báo lỗ. Tổng doanh thu theo thống kê đạt 5,029 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi lãi ròng giảm mạnh hơn 75%, chỉ còn đạt mức 107 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm, có đến 7/9 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh ghi nhận tăng trưởng âm, 1 doanh nghiệp báo lỗ và chỉ có 1 đơn vị tăng trưởng so với cùng kỳ. Điều đặc biệt là, hầu hết doanh nghiệp giảm lãi đều xuất thân từ họ Vicem.
LNST của doanh nghiệp xi măng 6 tháng đầu năm 2017 Đvt: Tỷ đồng
|
Gương mặt sáng giá tăng trưởng lợi nhuận chính là Khoáng sản & Xi măng Cần Thơ (HNX: CCM) với con số lợi nhuận quý 2/2017 tăng trưởng vượt trội so với cùng kỳ, đạt 25.3 tỷ đồng. Đây cũng là mức cao nhất CCM đạt được kể từ lúc niêm yết vào năm 2008. Theo chia sẻ từ phía Công ty, nguyên nhân lợi nhuận tăng trưởng mạnh là do trong kỳ các công ty con hoạt động hiệu quả, trong đó Cty TNHH MTV Xi măng Cần Thơ Hậu Giang lãi ròng 15.7 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2017, CCM đạt hơn 337 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 131% so và lãi ròng đạt 42 tỷ đồng cao gấp hơn 9 lần cùng kỳ năm trước, tương ứng thực hiện được hơn 44% kế hoạch doanh thu và vượt 34% kế hoạch lợi nhuận.
Trên thị trường, giá cổ phiếu CCM cũng đã có mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng so với hồi đầu năm, tăng 208%. Chưa hết, sau khi công bố BCTC quý 2/2017 với lãi ròng đột biến, hai phiên gần đây giá cổ phiếu CCM đều kịch trần, hiện đang giao dịch tại mức 39,100 đồng/cp (27/07).
Giao dịch cổ phiếu CCM một năm qua
|
Kinh doanh thụt lùi, giá cổ phiếu suy giảm
Tổng doanh thu 9 doanh nghiệp xi măng nửa đầu năm 2017 đạt 9,473 tỷ và lãi ròng đạt 271 tỷ đồng, lần lượt giảm 3% và 57% so với con số cùng kỳ năm 2016.
7 doanh nghiệp giảm lãi và lỗ trong 6 tháng đầu năm 2017 Đvt: Tỷ đồng
|
Ghi nhận mức giảm lãi hơn 97% là một thành viên của Vicem, quý 2 năm nay Xi măng Vicem Hoàng Mai (HNX: HOM) ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ còn 389 triệu đồng, giảm đến 96% so với con số 9.5 tỷ quý 2/2016. Theo giải trình từ HOM, sản lượng xi măng giảm gần 109,000 tấn, sản lượng sản xuất giảm hơn 28,000 tấn, giá than bình quân tăng 155,000 đồng/tấn, đặc biệt là thuế suất thuế tài nguyên tăng theo Nghi quyết 1084/2015/UBTVQH13 (hiệu lực từ ngày 01/07/2017) đã khiến lãi ròng Công ty trong quý 2/2017 giảm mạnh.Kết quả là, nửa đầu năm, doanh thu Công ty đạt 686 tỷ, lãi ròng đạt 742 triệu đồng, lần lượt giảm 22% và 97% so với cùng kỳ năm 2016.
Hay như Xi măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS) do chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ khiến Công ty lỗ ròng hơn 10 tỷ trong quý 2/2017 (trong khi quý 2/2016 lãi đến 56 tỷ đồng). Lũy kế 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận 1,579 tỷ đồng doanh thu, giảm nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, nhờ khoản lãi trong quý 1 mà nửa đầu năm 2017 Công ty không phải chịu lỗ, ghi nhận 5.5 tỷ đồng lãi ròng, song lại giảm mạnh so với con số 72 tỷ nửa đầu năm 2016.
Cùng họ Vicem, Xi măng Hà Tiên 1 (HOSE: HT1) cũng ngậm ngùi công bố quý 2/2017 lãi ròng giảm hơn một nửa về 115 tỷ đồng. Nửa đầu năm 2017, Công ty đạt 4,049 tỷ đồng doanh thu, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Song, hoạt động tài chính kém hiệu quả đã kéo lãi ròng nửa đầu năm về mức 223 tỷ đồng, giảm 40% so với nửa đầu năm 2016.
Ngoài ra, giảm lãi còn có Pacific Dinco (HNX: PDB), Xi măng Vicem Hải Vân (HOSE: HVX),…
Thê thảm nhất phải kể đến Xi măng Bỉm Sơn (HNX: BCC) khi mà chi phí tăng cao khiến quý 2/2017 Công ty phải chịu lỗ hơn 39 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lãi đến 98 tỷ đồng. Theo phía BCC chia sẻ, chi phí khác tăng 137%, chi phí bán hàng tăng 55%, chi phí tài chính tăng 29%, trong khi doanh thu giảm tương đối là nguyên nhân dẫn đến kết quả kinh doanh đi lùi trong quý 2/2017. Lũy kế 6 tháng đầu năm, BCC đạt 1,909 tỷ đồng doanh thu, giảm hơn 13% so với cùng kỳ. Tương tự, chi phí tăng khiến BCC đẩy con số thua lỗ nửa đầu năm lên mức 25 tỷ đồng, trong khi nửa đầu năm 2016 Công ty đạt 119 tỷ đồng lãi ròng.
Đi cùng với khó khăn trong kinh doanh, bức tranh giao dịch cổ phiếu của những đơn vị trên cũng không mấy khả quan khi đều chung một bước thụt lùi.
Giao dịch của một số cổ phiếu doanh nghiệp xi măng một năm qua
|
Ngành xi măng khi nào mới hết khó?
Tình trạng thừa cung tại thị trường xi măng Việt Nam có lẽ đã manh nha từ những năm 2010, và ngày càng trở thành vấn đề nhức nhối của chính quyền nói chung cũng như doanh nghiệp kinh doanh nói riêng.
Quy hoạch chưa hiệu quả, công nghệ lạc hậu khiến giá trị khấu hao lớn, đồng thời không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ. Chưa dừng lại, thuế xuất khẩu đối với xi măng hiện đạt 5% là mức khá cao, khiến sản phẩm xi măng Việt Nam có giá cao hơn so với sản phẩm từ các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan,… Mới đây, theo Nghi quyết 1084/2015/UBTVQH13 có hiệu lực từ ngày 01/07/2017 đã làm tăng thuế suất thuế tài nguyên tăng. Kết quả là, khó khăn chồng chất khó khăn, nửa đầu năm 2017 nhiều doanh nghiệp đã ghi nhận tăng trưởng âm.
Trước bối cảnh trên, Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa đề xuất giảm thuế để giải cứu cho xi măng thừa. Cụ thể, Bộ này đề nghị Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét, báo cáo Chính phủ giảm thuế xuất khẩu xi măng xuống thấp hơn mức 5% đang áp dụng, và cho phép khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào với ngành sản xuất chế biến nguyên liệu từ khoáng sản.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BSI) cũng vừa công bố báo cáo tổng quan về các ngành quý 3/2017. Với ngành xi măng, BSI nhận định thị trường tiêu thụ xi măng chưa có tín hiệu khả quan.
Theo đó, xuất khẩu xi măng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi quy định về thuế. Cụ thể, năm 2016 Chính phủ ban hành một số quy định liên quan đến ngành xi măng bao gồm: Nghị định số 100/2016/NĐ-CP (xuất khẩu hàng hóa được chế biến từ tài nguyên, khoáng san không được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào) và Nghị định số 122/2016/NĐ-CP (các vật tư, nguyên liệu, bán thành phẩm có giá trị tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành san phẩm trở lên sẽ chịu thuế xuất khẩu 5%)./.
Nguồn tin: NDH