Trước tác động mạnh từ sự thất thường của giá cả hàng hóa thế giới cùng lộ trình cắt giảm thuế quan từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), thực trạng nhiều ngành công nghiệp Việt Nam đang như những bức tranh “sáng tối” dù sản xuất công nghiệp không ngừng được mở rộng là điểm sáng vĩ mô duy nhất từ đầu năm 2017 đến nay.
Nhận định mới đây về kinh tế vĩ mô của Việt Nam theo Báo cáo chiến lược “Ảnh hưởng từ giá cả hàng hóa” của công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng trong tháng 3/2017 cho rằng điểm sáng vĩ mô hai tháng đầu năm 2017 là sản xuất tiếp tục mở rộng.
Đáng chú ý là tổng lượng đơn đặt hàng mới và đơn hàng xuất khẩu mới tăng với tốc độ nhanh hơn do nhu cầu từ các khách hàng quốc tế tiếp tục có cải thiện.
Áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn đang hiện hữu
Dầu, thép trước sức ép
Về mặt rủi ro tỷ giá, Maybank Kim Eng nhận định tính đến thời điểm hiện tại, tỷ giá trung tâm tăng 0,5% so với đầu năm. Giá USD tự do và tỷ giá niêm yết tại các ngân hàng thương mại duy trì khá gần cận trên cho thấy tình trạng căng thẳng vẫn còn tồn tại.
Phân tích diễn biến giá cả hàng hóa thế giới và tác động đến các ngành liên quan, công ty chứng khoán này lưu ý đến các nhóm ngành dầu khí, thép, mía đường, cao su, phân bón.
Ngoài một số điểm thuận lợi của các nhóm ngành hàng này, Maybank Kim Eng cũng nêu ra những vấn đề khó khăn rất đáng lưu tâm. Chẳng hạn, với ngành dầu khí, giá dầu khó phục hồi mạnh.
Các dự án khai thác dầu khí của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nhiều khả năng vẫn chưa đưa vào thực hiện trong năm nay do quá trình đàm phán kéo dài khi giá dầu diễn biến không thuận lợi.
Việc PVN cắt giảm kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn (upstream). Cụ thể, PVN cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô xuống còn 14,2 triệu tấn dầu thô, giảm 17,4% so với năm 2016. Theo đó, tổng doanh thu tập đoàn còn 437,8 nghìn tỷ đồng, giảm 3,2% so với năm 2016.
Hoặc với ngành thép, theo báo cáo, khác với năm 2016, giá nguyên liệu thép trong thời gian gần đây tăng nhanh và mạnh hơn. Áp lực cạnh tranh với thép giá rẻ từ Trung Quốc vẫn đang hiện hữu, do mức độ cắt giảm sản lượng thực tế chưa cao; cùng với đó, thép Trung Quốc đang chịu sức ép lớn tại các thị trường lớn, đặc biệt gần đây là Mỹ, khi liên tiếp bị áp các loại thuế chống bán phá giá trong thời gian qua.
Cũng theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), thép là mặt hàng chịu sức ép cạnh tranh mạnh hơn từ năm 2015 bởi thuế suất của tất cả các FTA đều thấp hơn so với thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN).
Và đến cuối lộ trình (năm 2018), thuế suất trung bình của các FTA như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Thương mại tự do ASEAN – Nhật Bản (AJFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA) sẽ chỉ ở mức 0 – 5%.
Trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Việt Nam phải đưa thuế phôi thép để sản xuất thép cuộn, thép chứa Bo về 0% vào năm 2018 và phôi để sản xuất thép câu về dưới 5% vào năm 2020.
Gia tăng cạnh tranh
Với nhóm ngành cao su, phân tích từ Maybank Kim Eng cho thấy giá cao su đang ở trong pha điều chỉnh ngắn hạn dù xu hướng dài hạn sẽ tăng.
Mặc dù vậy, giới chuyên gia dự đoán, giá bán cao su bình quân cả năm sẽ duy trì trên 36 triệu đồng/tấn. Lượng hàng tồn kho giảm. Các công ty cho biết, hàng tồn kho cuối năm 2016 tương đối thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ vào cuối năm 2016 tăng mạnh. Điều này sẽ làm giảm khả năng tận dụng xu hướng tăng của giá cao su trong năm 2017.
Về ngành mía đường, theo dự báo, cạnh tranh sẽ đến từ Thái Lan, nước xuất khẩu đường lớn thứ hai thế giới sau Brazil. Thuế nhập khẩu đường ngoài hạn ngạch sẽ giảm mạnh xuống còn 5% từ các nước ASEAN vào năm 2018.
Giới chuyên gia nhận xét, đường từ Thái Lan luôn có giá rẻ hơn đường trong nước và thường xuyên được nhập theo lối tiểu ngạch vào Việt Nam. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện đáng kể khi mà trữ lượng đường của mía chưa cao, chưa có giải pháp để người nông dân chuyên tâm trồng mía cũng như các nhà máy đường chưa ổn định vùng nguyên liệu.
Đối với ngành phân bón, vấn đề nằm ở ảnh hưởng bất lợi từ Trung Quốc. Các nhà máy ở Trung Quốc duy trì việc cắt giảm 50% sản lượng từ đầu năm 2017 dù thuế xuất khẩu phân bón của nước này đã được giảm cuối năm 2016, gây tác động đáng kể lên giá và nguồn cung cho Việt Nam.
Sản lượng phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc thường chiếm tỷ trọng cao (hơn 40%) và giá phân bón Trung Quốc thường thấp hơn giá ở Việt Nam 10 – 15%.
Từ việc ký kết các FTA trong thời gian qua, theo ông Trần Thanh Hải, bên cạnh những cơ hội mở ra cho Việt Nam, các ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu sức ép lớn do mức độ cạnh tranh sản phẩm ngày càng gia tăng ngay tại thị trường nội địa.
Trước năm 2015, mức độ cam kết cắt giảm thuế quan của các FTA đã ký chưa lớn nên tác động tới các ngành trong nước chưa thấy được rõ rệt.
Nhưng, từ năm 2015, các FTA mà Việt Nam cam kết đều bước sang giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu, đặc biệt Hiệp định ATIGA, ACFTA và AKFTA có thời điểm xóa bỏ thuế quan cuối cùng vào năm 2018.
Vì vậy, có thể thấy, những ngành chịu tác động lớn nhất từ việc xóa bỏ thuế quan cao và sâu rộng bao gồm: ô tô, xe máy, điện tử, sản phẩm nhựa, phôi thép, sữa và các sản phẩm chế biến từ sữa, bánh kẹo, chăn nuôi…
Nguồn tin: Doanh nhân