Trong tháng 7, lượng than nhập khẩu của Trung Quốc tăng mạnh trở lại trong khi ở Ấn Độ giảm 4 tháng liên tiếp.
Sự khác biệt giữa hai "ông lớn" nhập khẩu than phản ánh "bức tranh tương phản" trong chính sách của Trung Quốc và Ấn Độ.
Việc Trung Quốc đang thắt chặt sản lượng than trong nước và đóng cửa các mỏ than hoạt động kém hiệu quả nhằm bảo vệ môi trường đã đẩy nhu cầu nhập khẩu lên cao.
Trong khi đó, Ấn Độ đã nhường lại "ngôi vị" quốc gia nhập khẩu than lớn nhất cho Trung Quốc vào năm ngoái khi quốc gia này tuyên bố rằng sẽ dần giảm nhập khẩu than xuống còn...0 tấn đồng thời đẩy mạnh sản lượng trong nước.
Lượng nhập khẩu than của Trung Quốc qua đường biển tăng mạnh từ 17,9 triệu tấn trong tháng 6 lên 20,8 triệu tấn hồi tháng 7.
Tháng 7 đồng thời cũng là tháng thứ 3 kể từ đầu năm nay, lượng nhập khẩu than qua đường biển của Trung Quốc vượt quá 20 triệu tấn, đẩy tổng lượng nhập khẩu than trong 7 tháng đầu năm lên 135,2 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đối với các nước xuất khẩu than lớn trên thế giới, có vẻ như lượng than xuất khẩu của Australia vượt trội hơn so với đối thủ trong khu vực là Indonesia. Nguyên nhân là do Australia chủ yếu xuất khẩu than chất lượng cao phục vụ cho việc luyện thép trong khi Indonesia xuất khẩu than kém chất hơn.
Trong tháng 7, Trung Quốc nhập khẩu 8 triệu tấn than từ Australia, nâng tổng lượng than nhập khẩu từ quốc gia này lên 51,26 triệu tấn, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2016.
Bên cạnh đó, đáng chú ý lượng than nhập khẩu từ Mỹ mặc dù không cao như Australia chỉ ở mức 4,03 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7 nhưng tăng trưởng gấp đôi so với mức 1,96 triệu tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu than của Mỹ tăng vọt hơn 60% trong năm nay do nhu cầu tăng từ châu Âu và châu Á, cho phép chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng những nỗ lực nhằm khôi phục ngành công nghiệp đã tàn phá đang tiến hành.
Ông Trump đã thực hiện lời hứa hủy bỏ thỏa thuận Paris và bác bỏ các quy định môi trường thời Obama nhằm hỗ trợ các nhà khai thác than. Năm ngoái, sản lượng của họ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1978. Trong nhiều năm qua, ngành than nước này đã phải chịu sự cạnh tranh khốc liệt bởi nguồn cung khí tự nhiên giá rẻ hơn nhờ công nghệ khoan tốt hơn và tăng cường sử dụng khí tự nhiên cho các nhà máy điện.
Ấn Độ không còn "đói than"
Lượng than nhập khẩu qua đường biển của Ấn Độ giảm tới 13,4% trong vòng 7 tháng đầu năm 2017 xuống còn 105,36 triệu tấn. Nhà cung cấp than hàng đầu của Ấn Độ là Indonesia giảm 9,7% xuống còn 42,79 triệu tấn.
Cùng lúc đó, Australia cũng phải ngậm ngùi chứng kiến sự sụt giảm lượng than xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ xuống còn 23,66 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do giá than tăng cao cùng với quãng đường vận chuyển dài làm tăng chi phí khiến khả năng cạnh tranh của than nước này so với Indonesia và các đối thủ khác bị giảm sút.
Tuy nhiên lượng than nhập khẩu từ Mỹ tăng 16,8% trong 7 tháng đầu năm lên mức 6,23 triệu tấn.
Như vậy tổng kết lại, trong giai đoạn từ tháng 1/2017- tháng 7/2017, lượng than nhập khẩu của Trung Quốc tăng 13,6 triệu tấn trong khi Ấn Độ giảm 16,3 triệu tấn.
Trong tuần này, giá than Newcastle (Australia) tăng lên trên mức 100 USD/tấn. Hôm mùng 1/8, giá than đạt đỉnh kể từ tháng 12 ở mức 102,5 USD/tấn.
Nguyên nhân một phần là do nhu cầu than Australia chất lượng cao ở Trung Quốc tăng cao.
Lượng than nhập khẩu tại Ấn Độ giảm có lẽ một phần do than của Indonesia có chất lượng thấp hơn. Hiện quốc gia này đang tìm các "bến đỗ" khác cho than của mình.
Nguồn tin: NDH