|
Công suất các nhà máy thép đã vượt quá nhu cầu |
Vừa qua, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) đã có Công văn 06/HHTVN gửi Thủ tướng Chính phủ góp ý về tình hình thực hiện “Quy hoạch phát triển ngành thép giai đoạn 2007- 2015”. Qua đó, thấy rằng, còn rất nhiều bất hợp lý trong thực hiện.
32 dự án ngoài quy hoạch
Mặc dù quy hoạch phát triển ngành thép mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2007 nhưng chỉ trong thời gian gần đây đã có sự bùng nổ với hàng loạt các dự án của các đơn vị, cá nhân trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) làm cho số dự án ngoài quy hoạch vượt tới 32 dự án. Nếu các dự án đó được thực thi sẽ dẫn đến cung vượt cầu rất lớn (có thể gấp 3 lần so với con số dự tính nhu cầu thép năm 2020 khoảng 20 triệu tấn/năm). Điều đó càng gây khó khăn cho sản xuất trong nước, giống như tình hình thép xây dựng, thép ống, thép mạ kim loại và sơn phủ hiện đang trong tình trạng cung vượt cầu nên chỉ sản xuất ở mức 50-60% công suất, dẫn tới hiệu quả thấp.
Theo thuyết minh của nhiều dự án thép có tính đến việc xuất khẩu thép, Hiệp hội Thép cho có ý kiến rằng, không thể quá lạc quan vì thị trường thép thế giới đã có nhiều nhà XK thép khổng lồ của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mà không chỉ có Việt Nam, nhiều nước Đông Nam Á cũng đều có dự án liên hợp thép lớn, làm cho cạnh tranh trong XK sản phẩm thép sẽ khốc liệt, không dễ dàng trong việc tìm thị trường XK thép như ý tưởng các dự án đặt ra. Kinh nghiệm cho thấy, chỉ nên dự tính mức độ XK tối đa 10% sản lượng.
Làm mất cân đối quy hoạch các ngành khác
Việc quá nhiều dự án thép ở hầu hết các địa phương sẽ ảnh hưởng làm mất cân đối nhiều quy hoạch như: cân đối năng lượng (điện), nguyên liệu (quặng sắt), vận tải (cảng biển, đường bộ, đường sắt), đặc biệt là môi trường vì ngành thép so với các ngành công nghiệp khác được xếp vào công nghiệp ô nhiễm.
Đó là chưa tính tới việc, quá nhiều dự án thép sẽ chiếm rất nhiều diện tích đất đai nông nghiệp. Nếu một dự án thép chiếm từ 1.000 đến 3.000 ha, chưa kể diện tích cảng biển và các ngành công nghiệp phụ trợ, thì hàng chục các dự án thép chắc chắn sẽ chiếm một diện tích rất lớn đất nông nghiệp. Trong khi đó nhiều dự án chia nhiều giai đoạn và theo báo cáo của Bộ Công Thương, nhiều dự án lớn đã triển khai chậm 2-3 năm, có dự án nhiều năm không được triển khai đã phải thu hồi giấy phép. Điều đó chắc chắn còn xảy ra với các dự án còn lại trong điều kiện kinh tế thế giới đang suy thoái, dẫn đến lãng phí lớn và thiệt hại cho kinh tế vì đất nông nghiệp bị chiếm dụng.
Bố trí không hợp lý, kém hiệu quả
Nhiều dự án đầu tư liên hợp thép của Việt Nam dựa vào nguồn nguyên liệu quặng sắt của các mỏ địa phương, nhưng do điều tra chưa kỹ lưỡng nên nguồn nguyên liệu quá ít so với công suất nhà máy, việc vận tải lại xa cảng, trong khi giao thông đường bộ trắc trở làm kém sức cạnh tranh của sản phẩm. Những dự án kiểu này chắc chắn sớm bị phá sản, gây lãng phí lớn về đầu tư và để lại hậu quả nghiêm trọng cho địa phương.
Trong việc bố trí các Liên hiệp luyện kim cũng không hợp lý. Như khu vực Thạch Khê- Hà Tĩnh có tới 4 dự án liên hợp luyện kim công suất từ 2 đến 15 triệu tấn/năm. Đây là một điều không tưởng, vì địa phương không thể đáp ứng được các yêu cầu về hạ tầng cơ sở cho cả 4 dự án lớn này. Hơn nữa, các mỏ quặng sắt thường gắn với liên hợp luyện kim, nhưng mỏ Thạch Khê lại được tách ra lập công ty cổ phần không gắn với liên hợp nào. Việc cấp đất cho liên hợp lại chồng chéo, đất cấp cho Tata-VNSteel vẫn đang trong thời gian lập dự án thì địa phương lại cấp cho Formosa, vì thế hiện chưa biết giải quyết cho Tata-VNSteel như thế nào. Hay tại khu vực Quán Toan- Hải Phòng, rất nhiều nhà máy luyện kim được bố trí tập trung, gần khu dân cư, xen kẽ cả những biệt thự. Vì thế, khi các nhà máy đi vào hoạt động chắc chắn sẽ gặp rắc rối trong việc giải quyết môi trường giống như khu Nhà Bè, Thủ Đức- TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra là những bất cập về cấp phép, hiện Nhà nước phân cấp cho địa phương cấp phép đầu tư dự án để tạo thuận lợi trong việc đầu tư, nhưng do các tỉnh ồ ạt đua nhau xây dựng nhà máy luyện kim dẫn 24 dự án cấp phép vượt qua thẩm quyền nằm ngoài quy hoạch, phá vỡ cân đối, gây lãng phí lớn tiềm lực quốc gia. Hay như việc giám sát công nghệ, môi trường tại các dự án lớn của nước ngoài vẫn là điều hạn chế đối với trình độ kỹ thuật và quản lý của chuyên gia Việt Nam, mà vụ việc Vedan là một minh chứng.
Không cấp phép cho dự án ngoài quy hoạch!
Với những bất cập nêu trên, Hiệp hội Thép Việt Nam kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ: Không nên ưu tiên xây dựng những xí nghiệp gang thép ở những vùng kinh tế khó khăn nếu địa phương đó không đủ điều kiện cung ứng nguyên liệu ổn định và xử lý môi trường. Tạm thời không cấp phép mới cho các dự án luyện kim ngoài quy hoạch vì hiện nay đã dư thừa công suất so với nhu cầu, đặc biệt là các dự án sản xuất thép xây dựng thông thường và phải nhập phôi. Giám sát chặt chẽ các dự án đã cấp phép, nếu không thực hiện theo tiến độ đã cấp phép mà không có lý do chính đáng thì kiên quyết thu hồi giấy phép. Đối với dự án FDI lớn cũng cần theo dõi tiến độ thực hiện, không cấp phép tùy tiện. Tạo điều kiện cho các công ty thép có uy tín và thực lực như JFE (Nhật Bản), Posco (Hàn Quốc), Tata (Ấn Độ) hiện đang lập dự án luyện kim ở Việt Nam thuận lợi đầu tư vào Việt Nam và nên có sự tham gia của đối tác Việt Nam trong dự án.
Điều cần thiết trong lúc này là Bộ Công Thương cần sớm ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật và công nghệ cho các dự án luyện kim mới ở Việt Nam. Việc cấp phép phải tuân thủ quy chế chặt chẽ, có sự tham vẫn của chuyên gia để bảo đảm chọn đúng đối tác có tiềm năng tài chính, công nghệ và quản lý có đủ kinh nghiệm. VSA cũng đề nghị Thủ tướng xem xét đưa mỏ Thạch Khê gắn với Liên hợp luyện kim để bảo đảm tính hợp lý của việc sử dụng tài nguyên quặng sắt.
(Công Thương)