Thái Hưng, một trong những DN lớn nhất Thái Nguyên và thuộc Top 100 trong VNR 500, đang sở hữu 25% vốn Thép Việt Ý và muốn nâng sở hữu lên gần 51%. Năm 2016, Thái Hưng còn được nhắc đến khi góp công làm sống dậy Thép Gia Sàng, biểu tượng ngành công nghiệp nặng VN.
Kế hoạch thâu tóm VIS sau sự rút lui của Sông Đà
Công ty Cổ phần thương mại Thái Hưng mới đây đã quyết định chào mua công khai thêm 12,79 triệu cổ phiếu VIS, tương đương 25,99% vốn điều lệ của CTCP Thép Việt Ý (mã VIS-HoSE).
Ngày 15/9, các tài liệu đăng ký chào mua công khai cổ phiếu đã được Thái Hưng gửi đến Thép Việt Ý, bao gồm Giấy đăng ký chào mua công khai, Bản CBTT chào mua công khai cổ phiếu VIS, BCTC hợp nhất năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 của Thái Hưng. Toàn bộ 5 thành viên HĐQT của VIS đã chấp thuận cho doanh nghiệp này được chào mua cổ phiếu VIS.
Trước đó, Thái Hưng là một trong ba nhà đầu tư đã mua lại số cổ phần của VIS khi Tổng công ty Sông Đà thoái vốn. Cụ thể, vào ngày 02/08, 26,1 triệu cổ phiếu do Tổng công ty này nắm giữ đã được sang tay giá trần (12.800 đồng/cp), giúp thu về 334,16 tỷ đồng. Bên mua bao gồm Công ty Cổ phần Thương mại Thái Hưng (9,85 triệu cổ phiếu) và hai cá nhân là ông Nguyễn Ngọc Quyết và ông Lê Thành Thực lần lượt mua 8,26 triệu cổ phiếu và ông Lê Thành Thực mua 8 triệu cổ phiếu.
Không lâu sau giao dịch này, chiếc ghế Chủ tịch HĐQT VIS đã được trao lại cho bà Nguyễn Thị Vinh. Bà Vinh là Tổng Giám đốc, đồng thời cũng là cổ đông đang nắm giữ 8,52% vốn tại Thái Hưng. Bà Vinh cũng là con gái của vợ chồng bà Nguyễn Thị Cải và ông Nguyễn Quốc Thái nắm giữ tổng cộng 32% vốn của Thái Hưng.
Bước đi mới chào mua công khai cổ phần của VIS nếu thành công sẽ giúp Thái Hưng tiến gần hơn tới tỷ lệ sở hữu chi phối tại Thép Việt Ý. Dự kiến sSau giao dịch, Thái Hưng tăng số cổ phần VIS nắm giữ từ 2,45 triệu cổ phiếu lên 12,3 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 25%. Nếu có thể mua thành công, tỷ lệ sở hữu của Thái Hưng tại VIS sẽ tăng lên 50,98% vốn.
Thái Hưng: "Săn" kền kền, mở rộng lĩnh vực thép
Thái Hưng tiền thân là Doanh nghiệp tư nhân Dịch vụ Kim khí Thái Hưng được thành lập ngày 22/5/1993 và chuyển đổi thành công ty cổ phần từ năm 2003. Theo báo cáo của Thái Hưng vào năm 2013, doanh thu bình quân hàng năm của DN này đạt trên 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, chiếm khoảng 12% thị phần xuất nhập khẩu thép trong cả nước.
Thái Hưng có vốn điều lệ 650 tỷ đồng, hoạt động sản xuất kinh doanh đa ngành nghề, trong đó có 3 nhóm ngành nghề chính sản xuất phôi thép, cốp pha thép, chế biến lâm sản, kết cấu, xây dựng; kinh doanh thép xây dựng, phôi thép, phế liệu kim loại, sách văn hóa phẩm, kinh doanh lâm sản và dịch vụ: Vận tải, khách sạn, nhà hàng...
Doanh thu Thái Hưng đạt trên 15.000 tỷ đồng năm 2015. Thái Hưng là một trong những doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Thái Nguyên và cũng là doanh nghiệp nằm trong VNR 500 năm 2015 với thứ hạng 69.
Trước khi nhắm tới VIS, Thái Hưng gây chú ý trong ngành này khi quyết định mua lại CTCP Luyện cán thép Gia Sàng, một doanh nghiệp thép tại Thái Nguyên đã sống ngoắc ngoải suốt hơn ba năm. Thép Gia Sàng từng được coi là biểu tượng của ngành công nghiệp nặng Việt Nam nhưng đã tụt dốc không phanh kể từ sau cổ phần hóa. Nhiều máy móc, dây chuyền sản xuất giá trị hàng trăm tỷ đồng của phân xưởng luyện thép và cán thép đã bị tháo dỡ, tẩu tán. Tổng khoản nợ của CTCP Luyện cán thép Gia Sàng lên tới 121,3 tỷ đồng và không còn khả năng thanh toán.
Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc đương nhiệm của Thép Gia Sàng, Thái Hưng sẽ tham gia hợp tác với thép Gia Sàng. Theo đó, khu đất 22,6ha cùng tất cả tài sản trên đất sẽ được bàn giao cho Công ty cổ phần thương mại Thái Hưng. Đổi lại, Thái Hưng sẽ tự bỏ tiền đầu tư để tái khởi động sản xuất thép cán tại nhà máy và từng bước có phương án xử lý khoản nợ.
Khá tương đồng với Thép Gia Sàng, tình hình kinh doanh của Thép Việt Ý cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong những năm trước. Kinh doanh khả quan trong những năm 2008-2010 nhưng vài ba năm gần đây Thép Việt Ý đã phải báo lỗ. Tính đến cuối quý II/2016, doanh nghiệp này còn lỗ lũy kế tới 49 tỷ đồng.
Đầu tư lớn để nâng cao năng suất nhưng tình hình tiêu thụ kém do biến động xấu từ thị trường bất động sản những năm trước cùng gánh nặng chi phí lãi vay đã khiến VIS kinh doanh thua lỗ. Năm trước, phôi thép Trung Quốc khiến VIS chỉ sản xuất phôi với 60% công suất thiết kế. Năm 2016, VIS đặt kế hoạch doanh thu 2.480 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 36 tỷ đồng. Sau nửa đầu năm, VIS thu về 22 tỷ đồng lợi nhuận, hoàn thành 61% kế hoạch đề ra.
Nguồn tin: NDH