Hôm nay, ngày 26.8.2011, ngân hàng Nhà nước (NHNN) có cuộc họp với lãnh đạo 12 ngân hàng lớn tại Hà Nội về chủ đề giảm lãi suất. Hầu hết các ngân hàng lớn và vừa đều thừa tiền nhưng không thể cho vay được vì doanh nghiệp và cá nhân từ chối vay lãi suất cao.
Các ngân hàng lớn đang thừa tiền, vì doanh nghiệp và người dân từ chối vay lãi suất cao. Ảnh: Lê Quang Nhật
“Chúng tôi không thiếu vốn, nhưng vẫn phải trả lãi suất tiền gửi kỳ hạn một tháng 17,5%/năm cho khách hàng quen. Kỳ hạn 2 – 3 tháng thì 15% và 16%/năm. Nếu hạ lãi suất là họ chuyển tiền đi gửi chỗ khác ngay”, tổng giám đốc một ngân hàng bộc bạch.
Ngân hàng lớn đổ lỗi cho ngân hàng nhỏ trong cuộc đua lãi suất tiết kiệm. Lãnh đạo một ngân hàng nhỏ giãi bày: “Chúng tôi có hai lý do liên quan tới lãi suất đầu vào. Thứ nhất một số khách hàng chấp nhận vay lãi suất cao. Có đơn đặt hàng nên chúng tôi huy động đầu vào cao. Hơn nữa nghị quyết hội đồng quản trị rất quan trọng. Năm nay không đạt mục tiêu lợi nhuận, ban giám đốc sẽ phải từ chức. Thứ hai chúng tôi phải dự phòng trong trường hợp NHNN tăng dự trữ bắt buộc”.
Việc hạ lãi suất đầu vào làm tiền đề giảm lãi suất cho vay, phải dựa trên lợi ích của doanh nghiệp, của người gửi tiền, của nền kinh tế, chứ không đơn thuần là quyền lợi của giới kinh doanh ngân hàng. Ở đây, cần có vai trò nhạc trưởng của NHNN.
Lãi suất thực dương so với lạm phát kỳ vọng
Việc giảm lãi suất đầu vào về mức 14%/năm như định hướng của NHNN phụ thuộc nhiều vào lạm phát. Thông thường lãi suất tiết kiệm phải cao hơn lạm phát thì mới thu hút được người ta gửi tiền vào ngân hàng. Vấn đề ở đây là lạm phát nào? Một số người so sánh lãi suất huy động với lạm phát quá khứ, trong khi theo thông lệ quốc tế lãi suất thực dương được tính trên cơ sở lãi suất trừ đi lạm phát kỳ vọng.
Giả sử bây giờ bà B cũng gửi tiền kỳ hạn 12 tháng cho quãng thời gian từ tháng 8.2011 đến tháng 8.2012, vậy lãi suất bao nhiêu để đảm bảo cho bà có lợi?
Nếu lạm phát trong vòng một năm tới ở mức dưới hai con số như mục tiêu Chính phủ đề ra và quyết tâm thực hiện, thì lãi suất tiết kiệm 14%/năm đảm bảo cho bà B có lời và lãi suất đó là thực dương. Thậm chí ngay cả khi lạm phát ở mức 12% cho 12 tháng tới như dự báo của một số tổ chức tài chính, lãi suất huy động 14%/năm vẫn được xem như thực dương. Trong trường hợp này định hướng lãi suất đầu vào của NHNN là phù hợp.
Thế nhưng nếu lạm phát diễn biến không như mong muốn của chúng ta, liệu có một phương thức nào đảm bảo quyền lợi cho những người gửi tiền như bà B? Khi đó NHNN sẽ phải linh hoạt trong điều hành lãi suất. Nói một cách khác, lãi suất tiết kiệm phải tỷ lệ thuận với chỉ số CPI và được NHNN cập nhật liên tục để định hướng thị trường.
Trước mắt chỉ số CPI từ tháng 4.2011 đến nay đã và đang giảm dần. Chỉ số CPI tháng 8 là 0,93%, thấp nhất từ đầu năm. Trong trường hợp những tháng tiếp theo, chỉ số CPI bình quân hàng tháng tối đa bằng mức của tháng 8, thì các ngân hàng hoàn toàn có đủ điều kiện đưa lãi suất huy động về mức định hướng để giảm mặt bằng lãi suất nói chung.
Liên ngân hàng thừa tiền
Tín dụng tháng 8, ở Hà Nội, theo chi nhánh NHNN, dư nợ cho vay của các ngân hàng trong tháng giảm 0,74%, dư nợ từ đầu năm đến nay chỉ có 6,13%. Tại TP.HCM, chi nhánh NHNN thành phố cho biết tăng trưởng tín dụng tám tháng giảm về 6,3% từ mức 7% của bảy tháng đầu năm.
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình tỏ ra thận trọng khi nói rằng NHNN sẽ sử dụng các biện pháp kinh tế để điều hoà nguồn vốn từ nơi thừa sang nơi thiếu, khơi thông nguồn cho lãi suất giảm, mà không cần đưa thêm tiền ra. Những quy định không còn thích hợp với thực tế như tỷ trọng vốn huy động trên thị trường liên ngân hàng tối đa bằng 20% vốn huy động từ dân cư, doanh nghiệp; tỷ trọng sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn; các tỷ lệ về sử dụng vốn, trích lập dự phòng trong thông tư 13, 19 và quyết định 493… đang khiến cho vốn bị ứ đọng trong kho ngân hàng. Mỗi ngân hàng có một kho vốn dự trữ cho thanh khoản, riêng rẽ và từ đây giá thành đồng vốn bị đẩy lên, làm cho lãi suất đầu ra phải cộng cả giá thành của sự đọng vốn này.
Với số tiền đang lưu thông trong nền kinh tế, đặc biệt số tiền đưa ra từ việc mua vào 6 tỉ đôla Mỹ dự trữ ngoại hối vừa qua, và hạn mức tăng trưởng tín dụng 20% cho năm nay, việc điều chỉnh tổng phương tiện thanh toán và thời điểm cũng như liều lượng điều chỉnh là điều phải được tính đến. Khi trả lời phỏng vấn của chúng tôi, thống đốc nhấn mạnh: “Kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những năm tiếp theo cũng sẽ là vấn đề được đặt ra”. Và ông cho rằng lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn hiện nay hơi thấp: “Nếu theo đúng ý đồ quản lý của NHNN, tất cả các mức lãi suất đó phải cộng thêm khoảng 1%/năm mới hợp lý”.
Vào đầu tháng 8, lãi suất qua đêm liên ngân hàng còn ở mức khoảng 11 – 12%. Hiện nay lãi suất qua đêm từ các giao dịch của ngân hàng nước ngoài, theo bản tin tham khảo của HSBC, đã rớt từ 9,75% tuần trước xuống 9,4%/năm. Kỳ hạn một tuần còn 11,1%/năm và một tháng còn 13%/năm. Vốn đang thực sự thừa thãi trên thị trường liên ngân hàng, không có cớ gì nó lại không thể khơi thông để chảy vào nền kinh tế đang khát tiền. Nhận định lãi suất sẽ phải giảm là hoàn toàn có cơ sở.
Nguồn tin: SGTT.VN