Tỷ giá những ngày vừa qua dù tăng song chưa “nóng” đến mức cần phải đưa ra cảnh báo...
Trên thị trường tự do, những ngày vừa qua cũng chứng kiến sự lên giá mạnh mẽ của đồng bạc xanh, khi giao dịch luôn phổ biến trên 21.200 đồng ở cả hai chiều mua và bán. |
Từ đầu tháng 6/2013, tỷ giá USD/VND bắt đầu gia tăng kèm theo một dấu hiệu đặc biệt: giá mua ngang bằng với giá bán xuất hiện trở lại sau nhiều năm. Điều gì đang xảy ra, liệu đây chỉ là hiện tượng nhất thời hay là xu hướng bền vững?
Tỷ giá có dấu hiệu tăng nhanh trong vòng 2 tuần trở lại đây. Hiện tại, mức giá USD bán ra tại nhiều ngân hàng thương mại phổ biến kịch trần 21.036 đồng/USD.
Trên thị trường tự do, những ngày vừa qua cũng chứng kiến sự lên giá mạnh mẽ của đồng bạc xanh, khi giao dịch luôn phổ biến trên 21.200 đồng ở cả hai chiều mua và bán.
Có hai điều khá “đặc biệt” trong đợt tăng tỷ giá lần này: Một là, tỷ giá không chỉ tăng tại các ngân hàng thương mại và trên thị trường tự do mà Ngân hàng Nhà nước cũng có sự điều chỉnh tương ứng, hiện tại (tính đến ngày 16/6) Ngân hàng Nhà nước đã tăng giá bán USD tại Sở Giao dịch từ 20.950 đồng/USD lên kịch trần là 21.036 đồng/USD, còn chiều mua vào niêm yết tại 20.850 đồng.
Hai là, điểm chung của bảng tỷ giá tại nhiều ngân hàng trong những ngày trở lại đây là chênh lệch mua bán rất hẹp, chỉ từ 6 đồng đến hơn 10 đồng. Điều này khẳng định nhu cầu về USD đang thực sự tăng mạnh, chứ không phải chỉ là những động thái điều chỉnh nhất thời của các nhà băng.
Nhìn lại biểu đồ tỷ giá có thể nhận thấy từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 tỷ giá USD/VND tăng. Hai lần trước giá USD tăng cũng đã gây ra nhiều tranh luận, thậm chí vấn đề phá giá VND cũng đã được đặt ra, tuy nhiên rồi lại giảm nhanh sau đó. Lần tăng giá thứ 3 này sẽ lại kết thúc như 2 lần trước đó hay sẽ tạo ra một ngoại lệ mới cũng là một vấn đề thú vị thu hút được sự quan tâm của giới chuyên gia tài chính ngân hàng.
Xâu chuỗi lại sự việc chúng ta có thể thấy rất rõ là từ cuối năm 2011 đến nay, Ngân hàng Nhà nước giữ ổn định tỷ giá bình quân liên ngân hàng ở mức 20.828 đồng/USD. Tỷ giá được giữ trong vòng 18 tháng liên tục.
Tuy nhiên, trong các phát ngôn của mình trong quãng thời gian này, các vị lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đều khẳng định chắc chắn sẽ không phá giá VND, tuy nhiên cũng sẽ không cố giữ tỷ giá USD/VND bằng mọi giá mà sẽ có những điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong từng thời điểm.
“Tỷ giá luôn đứng trước sức ép từ cán cân thanh toán và lực cầu của thị trường”, TS. Lê Xuân Nghĩa - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển kinh doanh, phân tích, khi các ngân hàng thương mại hạn chế cho vay ngoại tệ, trên thị trường, ngoại tệ chủ yếu được mua bán thì trạng thái ngoại hối âm tăng lên khiến áp lực đè nặng lên tỷ giá.
Bên cạnh đó, cán cân cân bằng là tín dụng ngoại tệ đang giảm mạnh, sự dịch chuyển ngoại hối để cân bằng rất bấp bênh. Về băn khoăn của nhiều nhà đầu rằng tăng tỷ giá trong một vài tuần trở lại đây nên được coi là sóng hay xu thế, ông cho rằng: “Với mức thâm hụt thương mại như tháng 5, có thể đây là một yếu tố xu thế, thị trường bắt đầu có đầu cơ” và bổ sung, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải duy trì tỷ giá 1%, nếu không thị trường sẽ có sóng.
Cũng cần lưu ý, hai lần tăng tỷ giá trước đây lại nhằm vào thời điểm nền kinh tế Việt Nam tiếp tục xu thế xuất siêu của năm 2012. Tuy nhiên, đợt tăng tỷ giá lần này trùng đúng vào thời kỳ chúng ta đang nhập siêu trở lại, với cú nhảy vọt trong tháng năm nhập siêu tới 1,9 tỷ USD điều này gây nên những áp lực không nhỏ cho tỷ giá.
Phân tích một cách chi tiết hơn với phóng, chuyên gia tài chính T.S Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hiện tại tỷ giá ngoại hối cũng đang phải chịu áp lực lớn bởi một vấn đề khác: việc tăng tỷ giá trong những ngày gần đây liên quan tới việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6.
Theo đó, nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả, hoặc nhập vàng, đầu cơ có thể khiến cho tỷ giá USD nhảy vọt lên. Rồi sự chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cũng là tác nhân gây nên sự tăng giá USD.
Ngoài ra, trước đây, lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng cao hơn lãi suất gửi USD khá nhiều nên người có USD có xu hướng bán cho ngân hàng để gửi tiết kiệm bằng tiền đồng. Nay chênh lệch giữa lãi suất huy động USD và tiền đồng không còn cao như trước, xu hướng dịch chuyển từ tiền đồng sang USD đã manh nha trở lại, người dân mua USD gửi tiết kiệm tăng lên.
Chưa hết, có ý kiến còn cho rằng thời gian này tỷ giá tăng nóng cũng có thể do hiện tượng đầu cơ của ngân hàng thương mại. Có hiện tượng ngân hàng thương mại mua đôla của Ngân hàng Nhà nước với tỷ giá cộng trừ 1% (21.036 đồng/USD), nhưng lại bán ra thị trường với giá tự do (21.250 đồng/USD) để trục lợi...
Tuy vậy, nhìn một cách toàn cục, theo nhận định chung của giới chuyên gia thì nếu tỷ giá bị đẩy lên bởi những nguyên nhân kể trên, thì áp lực sẽ không tồn tại lâu. Khi các ngân hàng hoàn tất cân bằng trạng thái vàng, tình trạng “căng” của tỷ giá cũng sẽ chấm dứt. Tỷ giá những ngày vừa qua dù tăng song chưa “nóng” đến mức cần phải đưa ra cảnh báo. Có thể đến hết tháng 6/2013, có thể tình trạng này sẽ dịu lại vì nhu cầu vàng xuống thấp, áp lực lên tỷ giá cũng giảm dần.
Nếu những nhận định trên là đúng, có thể đợt tăng tỷ giá này cũng lại như cơn gió thoảng qua như hai lần tăng trước, nhưng dưới lăng kính của nhiều chuyên gia kinh tế để hỗ trợ cho xuất khẩu, năm 2013 vẫn cần phải điều chỉnh tỷ giá hối đoái.
Vẫn theo lời TS. Lê Xuân Nghĩa thì hiện nay VND đang bị đánh giá cao hơn so với USD khoảng 20-21%. Ngoài ra, VND cũng bị đánh giá cao hơn khoảng 3-4% so với 19 đồng tiền Việt Nam đang có quan hệ thương mại, nếu không điều chỉnh tỷ giá hối đoái thì sẽ xảy ra một số hệ quả không mong muốn, mà trước hết là tác động xấu đến xuất khẩu.
Ở chỗ, sức cạnh tranh hàng xuất khẩu giảm sút do hàng Việt Nam bị tăng giá, lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu kém thêm. Vì vậy, để các doanh nghiệp xuất khẩu không bị thiệt thòi, tỷ giá hối đoái cần phải điều chỉnh, cũng là để cân bằng cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế, mức điều chỉnh cân nhắc trong khoảng 2 - 3%.