Chứng khoán Bảo Việt cho biết biên lợi nhuận của Thép Nam Kim và Tập đoàn Hoa Sen trong quý 2/2023 có thể được cải thiện so với quý 1/2023 nhờ việc chốt các đơn hàng khi giá thép HRC ở mức cao trong quý 1/2023.
Dự báo biên lợi nhuận doanh nghiệp tôn mạ được cải thiện
(Nguồn: BVSC)
Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), biên lợi nhuận của Công ty Cổ phần Thép Nam Kim (mã cổ phiếu: NKG – sàn: HoSE) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (mã cổ phiếu: HSG – sàn: HoSE) được kỳ vọng sẽ hồi phục trong quý 2/2023 nhờ các đơn hàng với giá thép HRC ở mức cao đã chốt trong quý 1/2023.
Tuy nhiên, giá thép HRC lại giảm khá mạnh trong thời gian gần đây gây áp lực lên các đơn hàng vào cuối quý 2/2023 và đầu quý 3/2023. Điều này có thể khiến lợi nhuận của Thép Nam Kim và Tập đoàn Hoa Sen chưa hồi phục mạnh.
Trong khi đó, đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã cổ phiếu: HPG – sàn: HoSE), việc giá thép xây dựng trong nước bị giảm khá mạnh, giá nguyên vật liệu đầu vào chính là than cốc và quặng sắt cũng giảm xuống. Do độ trễ hàng tồn kho nên hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hòa Phát vẫn chịu ảnh hưởng tiêu cực.
Nhưng nhờ chính sách giảm số lượng ngày tồn kho xuống chỉ còn khoảng 1,5 - 2 tháng nên mức tác động tiêu cực của hàng tồn kho giá cao không quá lớn như giai đoạn trước đó nữa. Ước tính biên lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát trong quý 2/2023 sẽ tương đương với mức của quý 1/2023.
Xu hướng giá cổ phiếu NKG (Thép Nam Kim, đường màu xanh), cổ phiếu HPG (Tập đoàn Hòa Phát, đường màu vàng), cổ phiếu HSG (Tập đoàn Hoa Sen, đường màu đỏ) từ đầu năm 2023 đến nay. (Nguồn: TradingView)
Xem thêm bài viết: "Tập đoàn Hòa Phát: Có thể mở lại lò cao cuối cùng trong quý 3, lợi nhuận quý 2 tiếp tục được cải thiện" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Dự báo việc giá thép trong năm 2023 đã qua đáy và duy trì đà phục hồi sang năm 2024 sẽ tiếp tục giúp các doanh nghiệp ngành thép cải thiện biên lợi nhuận. Tuy nhiên, BVSC lưu ý do triển vọng tiêu thụ thép thời gian tới vẫn khá ảm đạm nên mức hồi phục này sẽ không quá lớn và chưa quay lại mức biên lợi nhuận trung bình.
Trong quý 1/2023 vừa qua, biên lợi nhuận của Thép Nam Kim, Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát và một số doanh nghiệp ngành thép niêm yết khác đã có dấu hiệu hồi phục trong quý 1/2023 nhờ giá thép hồi phục và các doanh nghiệp giảm trích lập hàng tồn kho khá mạnh mẽ.
(Nguồn: BVSC)
Nhu cầu tiêu thụ thép năm nay giảm 8%, giá thép HRC sẽ hồi phục nhẹ
(Nguồn: BVSC)
BVSC dự báo tổng lượng thép tiêu thụ của Việt Nam trong năm nay có thể đạt 7,7 triệu tấn, giảm khoảng 8% so với năm 2022 trong bối cảnh ngành bất động sản vẫn đang gặp khó khăn khiến nhu cầu xây dựng, tiêu thụ thép bị suy giảm; đồng thời, nhu cầu xuất khẩu giảm mạnh, khiến nhu cầu tiêu thụ thép cuộn cán nóng (HRC) ở mức yếu.
Điểm sáng duy nhất là nhu cầu tiêu thụ thép dân dụng của các hộ gia định và nhu cầu thép cho hoạt động đầu tư công tăng trưởng trong năm 2023 sẽ giúp mức giảm tổng thể chung không quá lớn. Hiện nhu cầu sử dụng thép xây dựng và thép HRC chiếm tới 80% tổng nhu cầu tiêu thụ thép nội địa, còn lại là tôn mạ và ống thép.
Về hoạt động xuất khẩu thép, hiện thép HRC và tôn mạ chiếm tới 80% sản lượng thép xuất khẩu của Việt Nam, còn lại là thép xây dựng và ống thép. Thị trường xuất khẩu tôn mạ và thép HRC chính của Việt Nam là Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu và khu vực ASEAN. Tiêu thụ thép tại các khu vực, quốc gia này đều được dự báo sẽ suy giảm đáng kể, tác động tiêu cực đến triển vọng xuất khẩu thép của Việt Nam trong năm nay.
Hiện giá thép HRC được dự báo sẽ hồi phục nhẹ về mức trung bình 600 USD/tấn trong nửa cuối năm 2023. Nhu cầu tiêu thụ thép phục hồi chậm sẽ khiến giá bán khó hồi phục lên cao hơn nữa.
(Nguồn: BVSC)
Xem thêm bài viết: "Công ty mẹ Tổng Công ty Thép Việt Nam: Ước lãi 6 tháng đầu năm bằng 373% mục tiêu cả năm" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Trong khi đó, giá quặng sắt năm nay được dự báo sẽ đạt mức trung bình 111 USD/tấn, giảm 11% so với năm 2022, nguyên nhân chủ yếu do hoạt động sản xuất thép trên toàn cầu hiện vẫn đang ở mức cầm chừng.
Đồng thời, giá than cốc năm nay được dự báo sẽ đạt mức trung bình 320 USD/tấn, giảm 11% so với năm 2022. Hiện tượng El Nino được kỳ vọng sẽ làm giảm lượng mưa tại nhiều nơi trên thế giới, giúp quá trình khai thác than thuận lợi hơn va gia tăng nguồn cung ra thị trường quốc tế. Ngoài ra, nhu cầu tiêu thụ than cốc có xu hướng giảm do hoạt động sản xuất thép yếu, khiến giá mặt hàng này chịu áp lực giảm xuống.
Tuy nhiên, do nguồn cung than cốc từ Nga ra thị trường quốc tế vẫn gặp nhiều khó khăn nên mức giá than cốc trên thế giới dự báo có thể vẫn neo cao hơn so với thông thường trong 1 - 2 năm tới.
Nguồn tin: Công thương