Ông Phạm chí Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, Hiệp hội đã kiến nghị Chính phủ và các ngành hữu quan điều chỉnh chính sách thuế linh hoạt hơn.
Thép tồn đọng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn |
Mặt khác, Hiệp hội cũng đề nghị Chính phủ xem xét lập quỹ dự trữ phôi thép, đặc biệt là tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm thép từ 8% hiện nay lên 25% để giữ thị phần trong nước. Có chính sách tài chính ưu tiên cho các nhà sản xuất phôi thép và các công trình xây dựng, nhằm giải quyết khó khăn về vốn và tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu thép tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, VSA cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục giảm thuế xuất khẩu phôi thép từ 5% hiện nay xuống 2% - 0%.
Được biết, lượng thép và phôi thép đang tồn đọng trong các doanh nghiệp sản xuất thép trong cả nước đã lên hơn 900 nghìn tấn, tương đương gần 1 tỷ USD. Giá thành sản xuất phôi thép trong nước khoảng 800 USD/tấn, trong khi giá phôi thép thế giới chỉ còn dưới 600 USD/tấn. Một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất từ đầu tháng 9 đến nay như Việt Ý, Vạn Lợi hoặc sản xuất cầm chừng như Hòa Phát, Việt Nhật, Việt Hàn, Thép Việt.
Theo ông Cường, trong thời gian gần đây lượng tiêu thụ thép trong nước giảm mạnh ngoài nguyên nhân kiềm chế lạm phát, siết chặt vốn tín dụng và giãn, hoãn tiến độ một số công trình theo chủ trương của Chính phủ, còn do công tác dự báo thị trường thép của VSA và cơ quan chức năng trong thời gian qua thiếu chính xác, kém linh hoạt và không theo kịp biến động trên thế giới.
Cũng theo ông Cường, hiện nay các doanh nghiệp sản xuất phôi và cán thép vẫn chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp đua nhau hạ giá thành sản phẩm để thu hồi vốn, khiến ngành thép gặp khó khăn.
ANKT