Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các doanh nghiệp thép hoạt động cầm chừng

Cung vượt cầu khiến cho các doanh nghiệp sản xuất thép lớn phải cắt giảm trên dưới 50% công suất, nhiều nhà máy thép nhỏ hiện chỉ vận hành cầm chừng ở mức 30%-40% công suất thiết kế, trong khi số khác phải ngừng hoạt động.

Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường: Cung vượt xa cầu đẩy ngành thép vào cơn bĩ cực

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết sản xuất và tiêu thụ thép tăng mạnh trong quý 1/2011 song bước sang quý 2 đã giảm mạnh. Sản xuất thép xây dựng trong tháng 6 chỉ đạt 330.000 tấn, giảm 24,6% so với tháng 5/2011. Tương tự, tiêu thụ thép trong tháng 6 cũng chỉ đạt 270.000 tấn, giảm 30,7% so với tháng trước đó. Hiện lượng thép thành phẩm tồn kho là 430.000 tấn, tăng 6,9% so với tháng 5; phôi chuẩn bị cho sản xuất tháng 7 là 590.000 tấn. Đây là mức tồn kho cao nhất từ trước đến nay. Theo tính toán của VSA, năm 2011 tổng công suất cán thép xây dựng trong nước khoảng 9 triệu tấn, nhưng mức tiêu thụ chỉ dao động trên 6 triệu tấn.

Lý giải về nguyên nhân trên, Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường cho biết từ cuối tháng 3 đến nay, do nhu cầu thấp, thị trường thép thế giới cũng trở nên ảm đạm nên các nhà sản xuất không khai thác được tối đa công suất. Trong khi đó, giá cả biến động phức tạp đã tác động mạnh đến thị trường thép thế giới và điều này cũng ảnh hưởng đến thị trường thép của Việt Nam.

Sản phẩm thép được sản xuất ra chủ yếu phục vụ cho xây dựng. Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP, đặc biệt từ tháng 4 đến nay, tình hình tiêu thụ thép giảm rõ rệt. Bên cạnh đó, việc đóng băng của thị trường bất động sản lâu nay cũng góp phần đẩy sản phẩm thép vào chỗ ế ẩm. Thêm vào đó, từ ngày 1/7, các ngân hàng phải thực hiện quy định về tín dụng cho vay đối với lĩnh vực phi sản xuất giảm xuống ở mức đầu tiên 22%, vài tháng nữa xuống dưới 20%; sắp tới các dự án đầu tư sẽ được rà soát kỹ hơn thì ngành thép sẽ gặp nhiều thử thách và khi đó sức tiêu thụ thép còn chậm hơn nữa.

Theo Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) Lê Phú Hưng, để đẩy mạnh tiêu thụ, các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước phải cạnh tranh gay gắt thông qua việc tăng chiết khấu bán hàng, áp dụng chế độ hỗ trợ vận chuyển đến tận chân công trình, trợ giá đối với những công trình lớn. Bên cạnh đó, để thu hồi vốn trả nợ ngân hàng, các nhà phân phối thép buộc phải giảm giá bán ra so với giá bán của các nhà sản xuất bình quân khoảng 1,2 triệu đồng/tấn đối với thị trường phía Bắc và 850.000 đồng/tấn đối với thị trường phía Nam. Nếu giá thép còn ở mức thấp kéo dài 3-4 tháng tới thì nhiều doanh nghiệp phải đẩy mạnh bán hàng tồn kho để trả nợ ngân hàng và điều này sẽ khiến giá thép trong nước có thể tiếp tục giảm. Chưa hết, mối lo lớn nhất của ngành thép trong thời gian tới chính là vấn đề nhập siêu, đặc biệt thép từ Trung Quốc. Trong năm 2010, nhập siêu trong ngành thép đã lên tới 6 tỷ USD, nếu năm 2011 cả nền kinh tế cố gắng hạn chế nhập siêu ở mức 14 - 15 tỷ USD, ngành thép vẫn nhập siêu như năm 2010 thì đã chiếm đến ½ lượng nhập siêu của cả nước. Đây là một gánh nặng lớn. Do đó, nếu các bộ, ngành không có biện pháp cương quyết, đủ mạnh để hạn chế ngay thì doanh nghiệp thép trong nước càng thêm khó khăn hơn.

Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường nhận định việc kiềm chế lạm phát, cắt giảm đầu tư công và kiểm soát đầu tư theo Nghị quyết 11 của Chính phủ đã tác động mạnh đến ngành thép, khiến lượng tiêu thụ giảm dần. Tuy nhiên trên thực tế, đây chỉ là tác động trong ngắn hạn, còn nguyên nhân sâu xa hơn chính là việc không tuân thủ nghiêm túc Quy hoạch phát triển ngành thép. Sự tăng trưởng nóng đã làm cho quy hoạch thay đổi quá nhiều, các dự án không tuân theo quy hoạch đã khiến cho cung vượt xa cầu, góp phần đẩy ngành thép vào cơn bĩ cực như hiện nay.

Mặc dù quy hoạch phát triển ngành thép Việt Nam 2007-2015, tầm nhìn tới 2025 được Chính phủ phê duyệt từ tháng 9/2007, nhưng từ đó đến nay quy hoạch này đã liên tục bị vỡ. Bộ Công Thương cũng đã rà soát, báo cáo Thủ tướng và ra chỉ đạo rất chặt chẽ về quy mô công suất và những điều kiện về môi trường, về cung cấp nhiên vật liệu… Tuy nhiên, các địa phương đã không chấp hành, vẫn tràn lan cấp phép cho các dự án có quy mô không đúng với quy định. Trong khi đó, lại không có một quy chế nào để kiểm soát chặt chẽ, cũng như chưa có một chế tài, kỷ luật nào để giải quyết vấn đề này. Vì vậy, việc phát triển tràn lan không theo quy hoạch đã làm cho gánh nặng dư thừa công suất trong ngành thép tiếp tục nặng hơn.

Chủ tịch VSA Phạm Chí Cường nhấn mạnh: "Đây là một lãng phí xã hội rất lớn. Nhiều sản phẩm thép Việt Nam phải nhập khẩu nhưng lại không được đầu tư, trong khi đó thép xây dựng đang dư thừa vẫn tiếp tục được đầu tư. Rõ ràng, việc điều hành của chúng ta đang có vấn đề".

Nguồn tin: Tamnhin

ĐỌC THÊM