- Hàng nghìn tấn phôi thép tồn đọng tại các kho bãi của Cty Cổ phần thép Đình Vũ. Từ tháng 11, doanh nghiệp được coi là lớn nhất trong lĩnh vực thép ở Hải Phòng, đã tiết giảm sản xuất.
Trong thời gian này, các lao động chủ yếu đều nghỉ luân phiên hoặc nghỉ hẳn nếu hết hợp đồng lao động. Đây cũng là biện pháp phổ biến mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép trên địa bàn thành phố Hải Phòng đang áp dụng.
Chưa bao giờ các doanh nghiệp thép lại rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp bi quan lo sợ nguy cơ phá sản đang đến gần.
Sản phẩm thép tồn kho quá lớn, không tiêu thụ được, trong khi tiền nợ ngân hàng lên tới vài chục tỷ đồng mà chưa có nguồn trả là nguyên nhân dẫn đến các doanh nghiệp thép ở Hải Phòng phải đưa ra quyết định cho công nhân sản xuất được nghỉ việc hẳn, hoặc chỉ làm một nửa thời gian trong tuần. Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng chưa biết tương lai phát triển ra sao trong năm 2009 tới.
Cắt giảm việc làm, ngừng đầu tư, mở rộng sản xuất, liên kết hỗ trợ lẫn nhau để tiêu thụ hàng tồn kho và... kêu cứu cơ quan hữu quan là những giải pháp tình thế mà các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thép Hải Phòng thực hiện.
Nhiều đề xuất đã được các doanh nghiệp đưa ra như: đề nghị Chính phủ khởi động lại các dự án xây dựng đã bị đình giãn tiến độ và cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi với số vốn bằng 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Chính phủ sớm xem xét áp dụng tình trạng khẩn cấp về thuế nhập khẩu đối với sắt thép trong thời gian ngắn để tránh tình trạng đổ bộ của mặt hàng này từ nước ngoài trong thời điểm giá sắt thép thế giới giảm mạnh.
Hầu hết các doanh nghiệp đều mong mỏi các ngân hàng thương mại giãn nợ, cho vay với lãi suất thấp để giảm bớt căng thẳng về tài chính cho các doanh nghiệp và đặc biệt nên hạn chế tối đa các khoản cho vay để nhập khẩu sắt thép.
Cộng đồng doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép cũng đồng thuận phương án: Hạn chế nguồn cung; hạn chế nhập khẩu sắt thép, thay vào đó là mua lại hàng của nhau...
Sau thời kỳ tăng giá cao vào đầu năm 2008, giá thép trên thị trường bỗng dưng “tụt dốc không phanh”; giá phôi thép giảm 70% và chỉ bằng 40% giá thành sản xuất của các nhà máy, khiến thị trường tiêu thụ sắt thép trên cả nước nói chung và Hải Phòng nói riêng trở nên ảm đạm và đang trong “thời kỳ đen tối nhất của cơn khủng hoảng” - theo như lời ông Lê Văn Vang, Giám đốc Công ty Thép Nam Vang.
Hiện cả nước có khoảng 3 triệu tấn thép (tương đương khoảng 2 tỷ USD) còn tồn kho, đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước đến hết quý II/2009. Thế nhưng, các dự án sản xuất thép trong nước vẫn liên tục được cấp phép với sản lượng dự kiến cao gấp 2 lần mức cầu khiến các doanh nghiệp thép ở Hải Phòng càng thêm lo lắng.
(Tiền Phong)