Khủng hoảng kinh tế khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN trong các KCN tại BR-VT bị ảnh hưởng mạnh. Thế nhưng đến thời điểm này, số liệu tổng quát cho thấy các DN vẫn tăng trưởng khá tốt.
Hiện nay, tỉnh BR-VT có 14 KCN với tổng diện tích 8.400 ha. Trong các KCN, hiện có 132 DN đang hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ trọng hơn 60% trong tổng giá trị công nghiệp của tỉnh. Sự tăng trưởng hàng năm của các DN trong KCN đóng vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế của một tỉnh công nghiệp như BR-VT.
Vượt qua khó khăn
Ông Lê Minh Châu - Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh BR-VT cho biết: Có đến 11 DN trong các KCN ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, như: Cty TNHH Amigos, Cty TNHH Công nghiệp kính VN, Cty TNHH khí Liên Thành ngưng hoạt động; Cty TNHH Anchor Fastener VN, Cty TNHH Bluescope Steel, Cty Greif VN chỉ còn hoạt động 20 - 40% công suất; Cty CP Hải Việt hoạt động 50 - 60% công suất; Cty Gốm sứ Mỹ Xuân giảm 60% doanh thu; Cty Dầu Tường An chỉ còn làm việc nửa thời gian vì tiêu thụ sản phẩm chậm. Ảnh hưởng của suy thoái cũng làm 805 lao động mất việc hoặc nghỉ chờ việc. Nhiều DN phải giảm lớn số lượng lao động như: Cty TNHH Bluescope Steel giảm 83 người, Cty TNHH gốm sứ Mỹ Xuân giảm 71 người, Cty TNHH Kính VN giảm 207 người, Cty TNHH CS Industries VN cho nghỉ 167 người chờ việc.
Vậy nhưng, hầu hết các DN đều không bó tay trước khó khăn. Bằng nỗ lực của chính mình cộng với sự chia sẻ của Nhà nước thông qua các gói kích cầu, nhiều DN đã giữ được sản xuất ổn định. Lãnh đạo Cty CP Thép Việt (KCN Phú Mỹ I) cho biết: Chỉ riêng 2 tháng đầu năm 2009, Cty đã lỗ 200 tỷ đồng do không bán được thép và giá thép thấp. Thế nhưng, do tiềm lực mạnh nên Cty Thép Việt vẫn duy trì sản xuất (mặc dù một số DN ngành thép phải tạm ngưng sản xuất trong giai đoạn này). Chính vì thế, khi tình hình kinh tế có dấu hiệu tan băng, Thép Việt có sẵn nguồn hàng để bán ra thị trường. Tổng lượng thép đã sản xuất năm 2009 của Thép Việt là 1,14 triệu tấn, lãi hơn 200 tỷ đồng.
Cơ hội và thách thức năm 2010
Năm 2010 vẫn là năm khó khăn đối với nhiều DN vì tình hình suy thoái còn ảnh hưởng. Đặc biệt, một số DN tuy không giảm giá trị sản xuất kinh doanh năm 2009 nhưng chắc chắn sẽ giảm trong năm 2010. Đây là những DN ký hợp đồng “gối đầu” hàng năm. Điển hình là Cty TNHH Industries VN - DN sản xuất tháp gió có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng 1/6 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của các DN địa phương tỉnh BR-VT. Năm 2009, DN này vẫn sản xuất ổn định với 145 triệu USD do hợp đồng đã ký năm 2008 được sản xuất trong năm 2009. Thế nhưng đến thời điểm này, Industries VN đang lúng túng vì chưa ký được nhiều đơn hàng cho năm 2010, nghĩa là hoạt động năm 2010 sẽ khó khăn.
Tuy vậy, hoạt động DN trong các KCN sẽ gặp những thuận lợi. Trước hết là do một số nhà máy sau khi bị ảnh hưởng nặng nề phải ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng đã đi vào hoạt động ổn định như: Cty TNHH Bluescope Steel và Cty TNHH Gạch men Hoàng Gia vẫn giữ được thị trường xuất khẩu truyền thống; Cty TNHH khí Liên Thành sau 3 tháng đóng cửa đã hoạt động trở lại... Thứ hai là các KCN sẽ có thêm một số sản phẩm mới trong năm 2010. Chẳng hạn, Cty TNHH Posco VN đi vào sản xuất tháng 10/2009, chỉ sản xuất 90.000 tấn trong 2 tháng cuối năm 2009 nhưng đưa ra mức dự ước gần 1 triệu tấn sản phẩm trong năm 2010. Nhà máy Dầu Tường An dự ước sản xuất 120.000 tấn dầu trong năm 2010 (dù năm 2009 chỉ sản xuất 70.000 tấn)... Theo dự ước của Ban Quản lý các KCN BR-VT, sẽ có hàng loạt nhà máy mới đi vào hoạt động trong năm 2010 như: Cty thép Đồng Tiến, công suất hơn 200 ngàn tấn/ năm, nhà máy luyện phôi thép Phú Thọ, nhà máy dầu thực vật Bunge VN, nhà máy đóng tàu và cơ khí chế tạo...
Như vậy, ước tính tổng giá trị sản xuất năm 2010 của các DN trong KCN BR-VT sẽ là 39.845 tỷ đồng, tăng 10,5% so với năm 2009. Doanh thu của các DN sẽ đạt 4.180 triệu USD, tăng 4,8% so với năm 2009. Tuy đây là mức tăng chưa cao so với những năm trước nhưng chứng tỏ tình hình kinh tế đã khởi sắc sau khủng hoảng.
(DĐ DN)