KKT Dung Quất - một điểm nhấn ấn tượng của KKT ven biển Việt Nam Động lực quan trọng Theo đánh giá của đại diện Bộ Kế hoạch Đầu tư về thực trạng phát triển và định hướng hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển KKT ven biển Việt Nam tại Hội thảo về cơ thế, chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam vừa tổ chức tại Quảng Nam thì hiện nay cả nước hiện có 18 khu kinh tế với tổng diện tích mặt đất, mặt nước hơn 730.000ha, tương đương với khoảng 2,2% tổng diện tích của cả nước. Đến hết năm 2010, tổng vốn đầu tư hạ tầng của các KKT lên đến gần 170.000 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm 130.000 tỷ, trong nước 40.000 tỷ đồng); nhiều KKT đã cơ bản hoàn thành công tác quy hoạch, thu hút khoảng 130 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư hơn 25 tỷ USD và 650 dự án đầu tư trong nước... Đã có nhiều KKT thật sự đóng vai trò động lực quan trọng đối với sự phát triển KT-XH ở địa phương và tác động tích cực đến nền kinh tế của đất nước. Như KKT mở Chu Lai đã làm thay đổi tích cực diện mạo kinh tế của tỉnh Quảng Nam, tác động mạnh mẽ quá trình phát triển công nghiệp ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Nguồn thu ngân sách của địa phuơng từ KKT Chu Lai năm 2010 đạt gần 2.500 tỷ đồng, dự kiến năm 2011 đạt 3.500 tỷ đồng và năm 2015 là 4.000 tỷ đồng. Kèm với đó là hàng nghìn lao động có việc làm ổn định. Hay như tại Quảng Ngãi nguồn ngân sách thu từ KKT Dung Quất năm 2010 đạt 14 nghìn tỷ đồng, tăng 28 lần so với năm 2005 và năm 2011 dự kiến 20 nghìn tỷ đồng. Từ khi KKT Dung Quất đi vào hoạt động, sự phát triển KT-XH địa phương thật sự có bước nhảy vọt. Ngoài ra, còn có rất nhiều những KKT đã phát huy được thế mạnh của mình và thu hút được một số dự án công nghiệp lớn được nhìn nhận như là một yếu tố động lực của nền kinh tế, như KKT Vũng Áng, Nghi Sơn, Vân Phong,.. Tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh nhấn mạnh: Các KKT ven biển được hình thành từ năm 2003 và được coi là một trong những động lực quan trọng trong thực hiện chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm đến việc phát triển các KKT ven biển. Một góc Nhà máy kính nổi Chu Lai tại KKT Chu Lai - Quảng Nam Cần tạo bước đột phá Bên cạnh những kết quả đạt được từ các KKT, nhiều lãnh đạo các địa phương có KKT ven biển cho rằng, kết cấu hạ tầng của phần lớn các KKT chưa được xây dựng đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình phát triển; việc thu hút đầu tư vào các KKT còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện các dự án còn chậm; đóng góp của các KKT còn khiêm tốn, chưa thể hiện được vai trò, động lực phát triển vùng như mục tiêu đề ra. Ông Phan Diễn, nguyên Ủy viên BCT cũng khẳng định rằng: "Phát triển hiệu quả các KKT ven biển trong tầm nhìn chiến lược quốc gia tổng thể là điều cấp thiết phải làm”. Còn Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cũng khẳng định: Thời gian tới, các địa phương cần phải rà soát lại quy hoạch các KKT. Các KKT phải xây dựng cân đối yêu cầu phát triển của địa phương và khu vực để đẩy mạnh phát triển kinh tế quốc gia. Trong điều kiện nguồn kinh phí có hạn các KKT phải lựa chọn phân kỳ đầu tư. Cần xác định lại mục tiêu, mục đích, tiêu chí cho các KKT trọng điểm tạo đột phá, từ đó hình thành các khu tiếp theo. Đặc biệt, cả Trung ương và địa phương phải tập trung có những giải pháp tốt nhất để xây dựng các KKT hoàn thiện và phát triển. Mục tiêu đến năm 2020 nước ta sẽ vươn lên trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, phấn đấu kinh tế biển đóng góp từ 53% đến 55% tổng GDP và 55% đến 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Để làm được điều đó, để các KKT ven biển phát huy được thế mạnh của mình, có bước đột phá, đóng vai trò động lực trong việc phát triển như mục tiêu đề ra thì ngay từ bây giờ phải chú trọng việc rà soát, đánh giá, giải quyết các vấn đề bất cập đã được nêu trên. Nguồn tin: Daidoanket |