Chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương của các nước lớn trên thế giới sẽ không còn đồng nhất trong thời gian tới.
Kể từ khi cuộc khủng khoảng tài chính đi vào giai đoạn tồi tệ nhất cuối năm 2008, chính sách tiền tệ của các nền kinh tế phát triển đều đi theo một con đường chung. Tuy nhiên, vào ngày thứ Năm tới, khi mà cả Ngân hàng Trung ương châu Âu, Ngân hàng trung ương Nhật Bản và Ngân hàng trung ương Anh đều có cuộc họp bàn quyết định, chính sách mới mà ba ngân hàng này đưa ra có thể sẽ đi theo ba chiều hướng khác nhau.
Dường như chắc chắn là Ngân hàng Trung ương Châu Âu sẽ trở thành ngân hàng đầu tiên đổi chiều khi đưa lãi suất lên cao hơn để kiềm chế nguy cơ lạm phát đang tăng nhanh trong khu vực.
Trong khi đó Ngân hàng trung ương Nhật Bản, với lãi suất đã gần ở mức không, có thể sẽ tiếp tục hạ báo cáo tình hình kinh tế trong nước và xem xét tìm thêm nhiều biện pháp bổ sung để nới lỏng tiền tệ nhằm giúp kinh tế đất nước phục hồi sau khi bị ảnh hưởng bởi thảm hoạ động đất. Hầu hết các chuyên gia quan sát kinh tế đều cho rằng Nhật Bản trong thời gian tới sẽ rơi vào một giai đoạn suy thoái ngắn trước khi có thể khởi động lại năng lực tăng trưởng.
Ngân hàng trung ương Anh thì hiện đang mắc kẹt giữa hai vấn đề là lạm phát cao trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn yếu. Thế tiến thoái lưỡng nan này sẽ còn gây nhiều tranh cãi về chính sách, nhiều khả năng ngân hàng này sẽ không đưa ra một quyết định thay đổi đáng kể nào trong tuần này.
Không khó để đoán được được quyết định mà ba ngân hàng trung ương của châu Âu, Nhật Bản và Anh đưa ra vào thứ Năm này, tuy nhiên động thái tiếp theo của các ngân hàng này không dễ dự đoán.
Lạm phát hiện tại đều cao hơn so với mục tiêu của Ngân hàng trung ương Anh và châu Âu. Tuy nhiên nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do giá cả năng lượng và thực phẩm lên cao, trong khi điều này phần lớn là do những yếu tố bên ngoài chứ không phải do nhu cầu trong nội địa lên cao.
Đây là lý do tại sao chuyên gia kinh tế trưởng của BMO Financial Group bà Sherry Cooper đặt câu hỏi về khả năng ECB sẽ tiến hành chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt là nếu chính phủ cắt giảm chi tiêu sẽ tạo lực cản đổi với phát triển kinh tế. Theo bà thì: “Mặc dù giá cả lương thực và năng lượng có tăng, ít có khả năng yếu tố này có thể ảnh hưởng tới chính sách tiền tệ của G7 và như vậy khó tưởng tượng rằng tại sao chúng ta có thể chắc chắn rằng châu Âu hoặc Mỹ sẽ tăng lãi suất”.
Dù đã có nhiều lời tuyên bố từ một số quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, giới đầu tư vẫn cho rằng khả năng nước này tăng lãi suất trong năm 2011 là khó xảy ra. Chủ tịch Fed ông Ben Bernanke sẽ có bài phát biểu vào thứ Hai này. Thị trường tài chính sẽ đặc biệt chú ý tới bài phát biểu này, để xem liệu ông Bernanke có đưa ra tuyên bố nào cho thấy lãi suất có thể sẽ được nâng lên vào cuối năm nay hay không.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ phải cân nhắc kỹ càng hơn trước khi có thể đưa thêm quyết định nào. Bà Lena Komileva, trưởng chuyên gia chiến lược toàn cầu của Brown Brothers Harriman tại London, cho rằng việc ECB nâng lãi suất có thể gây khó khăn cho Hy Lạp, Ai Len hay Bồ Đào Nha, những nước đang phải vận lộn để giải quyết khủng hoảng nợ cộng. Bà cho rằng: “Lãi suất cho vay được nâng lên và tỷ giá trao đổi euro mạnh sẽ khiến nguy cơ phá sản tăng đối với các nước ngoại biên của châu Âu. Chính sách tăng lãi suất của ECB vì giá năng lương tăng là một cao dao hai lưỡi”.
Còn đối với Ngân hàng trung ương Nhật, nhiều nguồn tin cho thấy ngân hàng này sẽ tiếp tục tuyên bố tình hình kinh tế đang xấu đi vào cuộc họp ngày thứ Năm này, nhưng vẫn không rõ là liệu BOJ có thể đưa ra được biện pháp bổ sung ngay trong cuộc họp này hay phải đợi tới cuộc họp lần sau vào ngày 28 tháng Tư.
Ngay sau khi xảy ra thảm hoạ động đất và sóng thần vào tháng Ba, Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã tăng quỹ mua lại các tài sản lên gấp đôi và đang đứng dưới áp lực mua thêm trái phiếu chính phủ. Các biện pháp bổ sung có thể bao gồm việc cho phép các ngân hàng vay tiền trong thời hạn một năm với lãi suất thấp để các ngân hàng này có thể cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi động đất.
Ngay cả trước khi xảy ra sự cố động đất, kinh tế Nhật vẫn khá ảm đạm và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã yêu cầu Ngân hàng trung ương nước này giữ lãi suất ở mức thấp. Những quyết định mà ngân hàng này đưa ra sau đó khi có động đất vẫn đang đi theo hướng này.
Nguồn: Reuters