Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các nền kinh tế mới nổi châu Á ngăn chặn sự lên giá đồng tiền

Lượng vốn chảy vào các nền kinh tế mới nổi ở châu Á đang gia tăng dù chưa thế vượt qua mức đỉnh thời kỳ trước khủng hoảng, làm các nhà quản lý đau đầu, liên tục đưa ra những biện pháp kiểm soát dòng vốn nóng này.

Tính hấp dẫn của những thị trường này phần lớn đến từ chênh lệch lãi suất so với nhóm G3 (Mỹ, EU, và Nhật) và từ những triển vọng phát triển kinh tế ở chính những nước này. Tuy nhiên, điều này đang làm các nhà chức trách đau đầu bởi sự tăng trưởng quá nóng có thể dẫn tới bùng phát tín dụng và bong bóng bất động sản.

Các biện pháp kiểm soát dòng vốn chảy vào được các chính phủ thực thi vốn thường bị chỉ trích bởi Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF giờ đây lại được cho là liều thuốc hữu ích.

Các dòng vốn chảy vào, trong đó bao gồm cả hoạt động đầu cơ, tác động trực tiếp đến chênh lệch lãi suất giữa chính các nước mới nổi và lãi suất cơ bản vốn tiến tới gần con số 0 ở các nước G3, nơi mà phục hồi kinh tế còn khá ảm đạm. Những khác biệt này sẽ còn tiếp tục trong ngắn hạn. Và mặc dù các dòng vốn thường bị hạn chế do những mối lo ngại xoay quanh rủi ro vỡ nợ, nhưng gần đây sự phân bổ tài chính công ở các nước mới nổi đã ngày càng được theo dõi sát sao, thể hiện qua những chuyển biến tích cực trên các bảng xếp hạng nợ quốc gia.

Nhà đầu tư cũng nhận ra những triển vọng tăng trưởng kinh tế dài hạn ở các quốc gia mới nổi, đặc biệt là sau khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Dù không tránh khỏi sự sụt giảm trong nhu cầu xuất khẩu vào cuối năm 2008 nhưng hệ thống tài chính ở những nước này lại chịu ít áp lực từ suy thoái Mỹ.

Những yếu tố trên một mặt mang đến nhiều cơ hội cho các nước mới nổi, nhưng thách thức vẫn còn đó, với sự tăng giá đồng nội tệ và sự bất ổn tài chính

Tỷ giá không phải là một mối đe dọa lớn, bởi đa phần đồng nội tệ ở các quốc gia châu Á mới nổi đều đã được định giá thấp. Nỗi lo nằm ở chỗ các dòng vốn chảy vào có khả năng sẽ không liên tục, tùy thuộc vào tâm lý của các nhà đầu tư, điều này gây bất ổn cho nền kinh tế. Thêm vào đó, các dòng vốn chảy vào có thể làm bùng phát tín dụng cho vay trong nước, khiến cho hệ thống tài chính càng trở nên mong manh. Các dòng vốn này cũng có khả năng sẽ đẩy giá bất động sản lên cao, từ đó tạo bong bóng trên thị trường vốn rất nhạy cảm này. Tuy nhiên, trong tất cả các hạng mục, nợ nước ngoài ngắn hạn chứa đựng nhiều rủi ro đối với sự bình ổn tài chính nhất.

IMF không ngừng kêu gọi các nhà chính sách đưa ra một loạt công cụ để đối phó với các dòng vốn không mấy ổn định này, trong đó nổi bật là tăng giá đồng nội tệ. Một mặt thì chính phủ các nước này vẫn can thiệp vào thị trường ngoại hối để kìm hãm sự lên giá của đồng tiền mình, nhưng một mặt vẫn dè chừng trước khả năng mất đi ưu thế cạnh tranh. Nhiều ngân hàng trung ương đẩy mạnh dự trữ ngoại tệ, tiến hành bán tài sản, hay nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nhằm ngăn ngừa lạm phát.

Một công cụ nữa để kiểm soát dòng vốn nóng là giảm lãi suất, làm cho các tài sản trong nước kém hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, việc làm này lại xung đột với mục tiêu kiềm chế lạm phát của các ngân hàng trung ương, khiến họ phải nghĩ đến những biệp pháp mới. Chẳng hạn, Brazil tăng thuế giao dịch đối với nhà đầu tư nước ngoài lên gấp đôi, tức là 4%, vào tháng 10. Hàn Quốc đánh thuế các khoản nợ ngoại tệ phi tiền gửi tại các ngân hàng (0,05-0,2%), hiệu lực từ nửa cuối năm 2011.

Trong khi nhiều nước đưa ra các biện pháp để chặn dòng vốn chảy vào (Indonesia, Đài Loan, Thái Lan) thì một số nước khác lại nới lỏng kiểm soát đối với các dòng vốn chảy ra, cho phép người dân tăng cường nắm giữ tài sản tại nước ngoài.

IMF thể hiện rõ sự phản đối với việc coi kiểm soát vốn như một biện pháp kìm hãm sự tăng giá tiền tệ bởi lẽ các đồng tiền này đang bị định giá thấp. Theo IMF, kiểm soát vốn nên được hiểu là một công cụ để phân phối các dòng vốn chảy vào, giải quyết các khoản nợ ngoại tệ ngắn hạn, tăng cường FDI và đầu tư gián tiếp.

Theo dự báo, trong thời gian tới, các nhà hoạch định chính sách sẽ phải tiếp tục ứng phó với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các dòng vốn chảy vào, với hàng loạt những can thiệp vào thị trường ngoại hối được đưa ra, trong khi đó vẫn phải chứng kiến đồng nội tệ lên giá dần dần.

Nguồn: Market Watch

ĐỌC THÊM