Theo báo cáo mới đưa ra của Ngân hàng Thế giới, các nền kinh tế mới nổi sẽ chiếm tỷ trọng trong nền kinh tế toàn cầu lớn hơn các nước phát triển vào năm 2015.
Otaviano Canuto, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới vì giảm đói nghèo và quản lý kinh tế, cho biết: "Các nước đang phát triển đang là động lực trợ giúp nền kinh tế toàn cầu. Các nước này là đầu tàu tăng trưởng cho cả thế giới trong khi các nước có thu nhập cao đang chững lại".
Các nền kinh tế mới nổi đã giúp thế giới thoát ra khỏi đợt suy thoái tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, với Trung Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tình hình kinh tế của các nước đang phát triển cũng khác nhau, với khu vực châu Mỹ Latin đang trên đà phát triển nhanh chóng và bền vững, trong khi Đông Âu và Trung Á, những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng tài chính, cần phải cải thiện tính cạnh tranh.
Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương cũng cần phải đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế và quản lý thay đổi khí hậu. Trung Quốc cần đẩy mạnh tiêu dùng nội địa và dịch vụ.
Nam Á cần đặt mục tiêu hàng đầu là giảm thâm hụt tài chính và kiểm soát nợ, trong khi khu vực châu Phi hạ Sahara nên tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng và tạo thêm việc làm. Khu vực Trung Đông và Bắc Phi cần mở cửa cho thế hệ các doanh nghiệp tư nhân và để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào hoạt động kinh tế.
Nguồn: Bloomberg