Các nhà máy thép sẽ phải giảm sản xuất khoảng 60 triệu tấn thép thô trong nửa cuối năm.
Sản xuất thép giảm khiến nhu cầu quặng sắt giảm.
Ngày 5/7, tất cả các nhà máy lớn ở thủ phủ thép Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc - nơi sản xuất ra 14% tổng sản lượng thép của Trung Quốc - đã hoạt động trở lại, duy trì công suất ở mức 70%.
Mức công suất 70% là cao hơn so với quy định hạn chế sản xuất nghiêm ngặt trước đó của Trung Quốc (ở mức 50%) khi chính quyền Bắc Kinh theo đuổi mục tiêu mục tiêu cân bằng nhu cầu thép của nền kinh tế đang phục hồi sau đại dịch với các nội dung cam kết bảo vệ môi trường mà quốc gia này đã cam kết. Công suất này dự kiến duy trì đến hết năm nay khi các chuyên gia dự kiến sản lượng thép thô của quốc gia này sẽ giảm khoảng 60 triệu tấn trong nửa cuối năm 2021.
Việc nối lại hoạt động của hàng loạt nhà máy đã đẩy giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng nhẹ vào ngày 5/7. Theo đó, giá quặng trên hợp đồng giao tháng 9 trên sàn Đại Liên tăng 6%, ở mức 1.225 nhân dân tệ/tấn (189,6 USD/tấn).
Ông Zheng Weiwei, nhà kinh doanh thép ở Thượng Hải, chia sẻ với Global Times rằng giá thép giao sau tăng nhưng giá giao ngay vẫn giữ nguyên, bởi quy định kìm hãm giá thép của chính phủ Trung Quốc tác động tiêu cực đến lợi nhuận của các nhà sản xuất trong khi lực cầu không biến động mạnh.
Trong 5 tháng đầu năm nay, sản lượng thép thô của Trung Quốc đạt 473 triệu tấn, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Động thái này đi ngược lại với với mục tiêu duy trì sản lượng thép thô năm 2021 ngang bằng mức của năm 2020 của chính quyền Bắc Kinh và có thể dẫn tới hệ quả là các nhà máy tại Đường Sơn, An Huy, Sơn Đông và Cam Túc cùng đứng trước nguy cơ buộc phải giảm bớt sản lượng.
Điều này sẽ tác động mạnh tới giá và sản lượng quặng sắt nhập khẩu, nhất là Australia. Nước này đang là nhà cung cấp quặng sắt lớn nhất cho thị trường Trung Quốc, chiếm khoảng 60%.
Trong năm 2020, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng quặng sắt lớn thứ 3 thế giới với 340 triệu tấn, xếp sau Australia (900 triệu tấn) và Brazil (400 triệu tấn).
Nguồn tin: NDH