Với diễn biến dịch COVID-19 lan rộng nhanh tại Malaysia, các nhà máy thép nước này phải tạm ngừng hoạt động bởi nếu tiếp tục sản xuất thì việc vận chuyển nguyên liệu cũng gặp khó khăn.
Ảnh minh họa
Các nhà máy thép tạm ngừng sản xuất
Tổ chức S&P Platts cho biết, Chính phủ Malaysia đang thảo luận và yêu cầu các bộ liên quan cho phép tiếp tục sản xuất thép. Tuy nhiên, dường như nhiều đơn vị đã từ bỏ điều này để tuân thủ việc đình chỉ.
Nguồn tin từ một nhà máy nhỏ cho biết, công ty của ông đã ngừng sản xuất cho đến ngày 31/3, khi đơn đặt hàng hai tuần của chính phủ hết hạn. Nhà sản xuất thép chạy lò hồ quang điện cho biết: "Ngay cả khi một số nhà máy tiếp tục sản xuất thì việc giao nguyên liệu thô cũng gặp khó khăn, điều này sẽ cản trở sản xuất.''
Một nhà sản xuất thép khác cho rằng, với diễn biến dịch hiện tại, năm nay sẽ tồi tệ hơn năm ngoái. Họ sẽ ngưng hoạt động các lò luyện thép cho đến khi có thêm tin tức mới. Các nhà máy lò hồ quang điện có khả năng phản ứng tốt hơn trước lệnh kiểm soát này.
Thống kê hơn một nửa trong tổng số 673 ca nhiễm virus corona (COVID-19) tại Malaysia có liên quan đến hoạt động truyền giáo tổ chức tại thánh đường Masjid Jamek Sri Petaling, ngoại ô Kuala Lumpur với gần 16.000 người từ một số quốc gia tham dự. Reuters đưa tin, trong số 14.500 người Malaysia có mặt tại các sự kiện này, đến nay chỉ có 7.000 người chịu xét nghiệm bất chấp lời kêu gọi của Chính phủ.
Do đó, Thủ tướng Muhyiddin Yassin buộc phải đưa ra quyết định hạn chế di chuyển toàn quốc trong khoảng thời gian từ ngày 18 đến hết ngày 31/3.
Đặc biệt nghiêm cấm tổ chức bất kì hình thức tụ tập đông người nào bao gồm các sự kiện tôn giáo, thể thao, xã hội và văn hóa, trừ những cơ sở cung cấp các dịch vụ thiết yếu như viễn thông, vận tải, ngân hàng, y tế, dược phẩm, cảng biển, sân bay, cung cấp lương thực và dịch vụ vệ sinh. Trường học và đại học cũng đóng cửa trong thời gian này. Tất cả công dân Malaysia và khách du lịch nước ngoài sẽ bị cấm xuất nhập cảnh trong thời gian này.
Khai thác quặng ảnh hưởng ra sao?
Truyền thông địa phương đưa tin, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn khai thác quặng lớn nhất thế giới Vale SA (Brazil) tạm dừng các hoạt động trộn quặng sắt của mình tại Khu cảng biển Teluk Rubiah (TRMT) cho tới cuối tháng.
Cảng biển Teluk Rubiah nằm tại bang Perak, Malaysia và có một cầu cảng với hai nơi neo đậu cho phép dỡ hàng tàu với công suất khoảng 400.000 DWT và tải các tàu có công suất lên tới 220.000 DWT. Năm 2018, nơi này đã vận chuyển 24 triệu tấn quặng sắt.
Lệnh kiểm soát này sẽ tác động đến 12 ngày xuất nhập khẩu sắp tới của Malaysia, tuy nhiên, có thể chỉ ảnh hưởng tới dưới 1 triệu tấn quặng tại nước này.
Tập đoàn Vale đã tiến hành bán quặng trộn tại các cảng Trung Quốc từ năm 2014. Họ xây dựng nhà máy quặng tại những cảng quan trọng trên khắp Trung Quốc, với mạng lưới bán hàng rộng lớn từ các nhà máy thép trên toàn quốc. Hiện tại, Vale đã xử lí quặng sắt trộn tại 19 cảng Trung Quốc, như cảng Đại Liên, cảng Caofeidian, cảng Qingdao, cảng Lanqiao , cảng Lianyungang, cảng Zhanjiang.
Ngày 17/12/2019, Tập đoàn Cảng Ninhbo Zhoushan và Vale SA đã ký thỏa thuận dịch vụ hợp tác sản xuất sản phẩm quặng sắt chất lượng cao mới có tên G88 bằng cách nghiền các loại quặng Carjas IOCJ 65% Fe trong quí đầu năm 2020.
Một sản phẩm GF88 không cần nhiên liệu và nước. Tập đoàn có thể cung cấp nguyên liệu thô để sản xuất viên, do đó sẽ hạn chế được chất thải và nước thải.
Nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng sắt viên và quặng chất lượng cao dự kiến gia tăng mạnh trong năm nay khi Bắc Kinh có kế hoạch chuyển hàng chục nhà máy thép sang khu vực ven biển trong cuộc chiến ngăn chặn ô nhiễm không khí tại các thành phố công nghiệp.
Nguồn tin: vietnambiz.vn