Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Các nước mới nổi và sự đảo chiều của kinh tế thế giới

Trong quá khứ, các doanh nghiệp ở những quốc gia mới nổi có xu hướng học theo hệ thống quản lý mới đã được áp dụng từ trước để củng cố hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng giờ đây, các nền kinh tế mới nổi đã và đang tự tìm cách phát triển ý tưởng quản lý chuyên biệt của mình, và rõ ràng là các doanh nghiệp phương Tây sẽ phải học hỏi nhiều từ những đối thủ cạnh tranh này. Các nền kinh tế mới nổi giờ đây không chỉ còn là nguồn cung cấp nhân lực giá rẻ mà còn là nơi đưa ra nhiều phát kiến đổi mới cho kinh tế toàn cầu. Năm 1980, các nhà sản xuất xe hơi Mỹ đã thực sự choáng váng khi phát hiện ra rằng Nhật Bản đã vượt qua Mỹ để trở thành quốc gia sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Điều đáng ngạc nhiên hơn cả là, Nhật Bản không hề dựa vào các chính sách công nghiệp hay trợ cấp chính phủ để cạnh tranh với Mỹ về mặt giá cả, độ tin cậy như giới chủ Mỹ đã suy đoán. Câu trả lời cho sự đi lên của Nhật Bản là: Đổi mới doanh nghiệp. Các nhà sản xuất Nhật Bản đã đưa ra một hệ thống sản xuất mới hiện được biết đến với tên gọi Sản xuất tinh gọn (LEAN Manufacturing).

Sự việc tương tự cũng đang diễn ra tại các nền kinh tế mới nổi. Các nước đang phát triển đang chạy đua không ngừng để đổi mới doanh nghiệp, nhằm cung cấp những sản phẩm và dịch vụ mới cho thị trường với giá rẻ hơn rất nhiều so với các sản phẩm, dịch vụ thương tự do các nước phương Tây cung cấp. Hàng loạt hệ thống sản xuất và phân phối được cải tiến. Các phương thức doanh nghiệp mới được đưa vào hoạt động. Tất cả các yếu tố của một doanh nghiệp hiện đại cũng được cải thiện và áp dụng theo phương thức hoàn toàn mới tại các thị trường mới nổi.

Câu trả lời hiển nhiên cho sự vươn lên đi đầu thế giới về sự sáng tạo đổi mới của các nước vốn chỉ được biết đến với nguồn nhân công giá rẻ chính là sự kỳ vọng và khao khát vươn lên tầm thế giới. Những người chiến thắng không chỉ khẳng định được bản thân mình tại sân nhà mà còn đang dần tiến bước vào thị trường thế giới.

Báo cáo đầu tư thế giới của tổ chức Liên hợp quốc tính toán rằng hiện tại có khoảng 21500 công ty đa quốc gia đặt tại các quốc gia mới nổi. Số lượng các công ty thuộc 4 quốc gia BRIC lọt vào danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới theo xếp hạng của tờ Financial Times đã tăng hơn 4 lần, từ 15 công ty lên 62 công ty trong 2 năm 2006 - 2008. 70% tăng trưởng thế giới trong vòng 2 năm tới sẽ đến từ các thị trường mới nổi, trong đó riêng Trung Quốc và Ấn Độ sẽ đóng góp tới hơn 40%. Đầu tư giáo dục cũng bắt đầu được chú trọng và đẩy mạnh trong hơn 2 thập kỷ qua tại những quốc gia này.

Cả các doanh nghiệp phương Tây và các nền kinh tế mới nổi đều nhận ra rằng họ buộc phải cố gắng nhiều hơn nữa nếu muốn đạt được thành công tại các thị trường đang bùng nổ này. Không chỉ là chú trọng vào giới thượng lưu, các doanh nghiệp sẽ phải học cách tiếp cận với hàng tỷ người dân thuộc tầng lớp trung lưu tại các thành phố nhỏ cũng như các hộ nông dân ở những miền quê hẻo lánh.

Hẳn nhiên, những thị trường mới nổi này cũng không dễ dàng tiếp cận. Phương thức phân phối hàng hóa cũ có thể sẽ không thực sự hiệu quả. Lợi nhuận khó dự đoán. Sự can thiệp của chính phủ nước sở tại không phải lúc nào cũng dễ dàng, và đôi khi chính phủ còn không có khả năng cung cấp các dịch vụ cơ bản. Đơn cử như vụ việc của Yahoo!, eBay và mới đây nhất là của Google tại thị trường Trung Quốc.

Thế nhưng đổi lại, cơ hội cho các doanh nghiệp tại các thị trường này thì đặc biệt to lớn. Thị trường tiềm năng quá lớn với dân số cao hơn rất nhiều so với các nước phát triển và có xu hướng sẽ còn tiếp tục tăng lên. Nguồn chất xám với giá rẻ hơn so với phương Tây cũng đặc biệt tăng mạnh trong những năm tới.

Những cách nhìn nhận cũ cho rằng các doanh nghiệp phương Tây chỉ đưa ra ý tưởng còn việc sản xuất sẽ được thực hiện tại các quốc gia đang phát triển đã dần trở nên lỗi thời. Thực tế là các doanh nghiệp này đã phát triển hàng loạt trung tâm nghiên cứu và phát triển của mình trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, rất nhiều các doanh nghiệp không thuộc các nước phương Tây đang dần trở thành những công ty đi đầu trong lĩnh vực đổi mới sản phẩm, từ điện thoại di động tới máy tính xách tay. Và chắc chắn, các nền kinh tế mới nổi sẽ đem lại nhiều đóng góp cho công cuộc đổi mới kinh tế toàn cầu.

Cuối cùng, tất cả những điều đã nói ở trên có ý nghĩa thế nào đối với các nước phát triển và sự cân bằng kinh tế toàn cầu? Trong quá khứ, các doanh nghiệp ở những quốc gia mới nổi có xu hướng học theo hệ thống quản lý mới đã được áp dụng từ trước để củng cố hoạt động kinh doanh của mình. Nhưng giờ đây, các nền kinh tế mới nổi đã và đang tự tìm cách phát triển ý tưởng quản lý chuyên biệt của mình, và rõ ràng là các doanh nghiệp phương Tây sẽ phải học hỏi nhiều từ những đối thủ cạnh tranh này. Các nền kinh tế mới nổi giờ đây không chỉ còn là nguồn cung cấp nhân lực giá rẻ mà còn là nơi đưa ra nhiều phát kiến đổi mới cho kinh tế toàn cầu.

Economist

ĐỌC THÊM