4.0 là một cuộc cách mạng công nghiệp, dù muốn hay không cuộc cách mạng này đang đến với tất cả quốc gia, các ngành, trong đó có Việt Nam và có ngành TN&MT. Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi thế giới của loài người.
4.0 chạm ngõ...
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (Cách mạng 4.0) là sự kết hợp nhuần nhuyễn của hai yếu tố nền tảng chính là KH&CN để tạo ra một thế giới vạn vật kết nối thông minh.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, với sự xuất hiện của robot có trí tuệ nhân tạo mang lại nhiều ứng dụng trong xã hội. Nhờ công nghệ AI, người máy làm việc càng thông minh, có khả năng ghi nhớ, học hỏi vô biên, trong khi khả năng đó ở con người càng già càng yếu đi. Ưu điểm làm việc 24/24 giờ, không cần trả lương, đóng thuế, bảo hiểm… của robot cũng đang đe dọa đến sự tương quan trong việc sử dụng lao động là người thật hay người máy. Nhờ công nghệ in 3D, chúng ta đạt được bước tiến dài trong nhiều lĩnh vực: Kiến trúc, xây dựng, thời trang, mỹ thuật, y học, thẩm mỹ, giáo dục đến các ngành công nghiệp sản xuất.
Ở Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang kích hoạt các làn sóng tạo nên những đột phá xa hơn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi một cách toàn diện lối sống và cách chúng ta làm việc. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang ở giai đoạn phát triển được tính theo cấp số nhân và ở Việt Nam, những biểu hiện của cuộc cách mạng này khá rõ ràng.
Ước tính dân số Việt Nam là hơn 90 triệu người, có đến 39,8 triệu người sử dụng Internet (chiếm 44%), 28 triệu người sở hữu tài khoản mạng xã hội (khoảng 31%), 128,3 triệu người có kể nối mạng di động và số người sử dụng tài khoản xã hội trên điện thoại là 24 triệu (chiếm 26%). Trong thương mại điện tử, 27% dân số sử dụng máy tính bàn để tìm kiếm sản phẩm cần mua và 18% sủ dụng di động cho mục đích này. 24% dân số mua hàng trực tuyến thông qua máy tính bàn và 15% thông qua điện thoại. Có thể thấy, những biểu hiện rất rõ nét về ứng dụng cuộc cách mạng công nghiệp thể hiện trong lĩnh vực y tế. Những tiến bộ trong điều trị tim bẩm sinh hay điều kỳ diệu mang tên tế bào gốc, gần đây nhất là thành công của ca ghép phổi đầu tiên mở ra triển vọng mới trong việc điều trị những căn bệnh từng là “vô phương cứu chữa”.
Đối với lĩnh vực TN&MT, về mặt môi trường, cách mạng 4.0 có tác động tích cực trong ngắn hạn và hết sức tích cực trong trung hạn và dài hạn nhờ các ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường và các công nghệ giám sát môi trường đang phát triển nhanh được hỗ trợ bởi Internet kết nối vạn vật, giúp thu thập và xử lý thông tin liên tục theo thời gian thực cũng như đưa ra cảnh báo sớm về các thảm họa thiên nhiên.
...đến lúc cần thay đổi
Các chuyên gia môi trường nhận định, hiện xu hướng của thế giới là nền kinh tế xanh và kinh tế carbon thấp. Điều này cũng khẳng định mối quan hệ giữa kinh tế, phúc lợi xã hội và bảo vệ môi trường. Đã đến lúc phải nhận thức rõ mô hình phát triển nào ít ảnh hưởng đến môi trường, mô hình nào mang lại hạnh phúc thực sự cho nhân dân Việt Nam.
Tại các nước phát triển, xu hướng chung trong đổi mới công nghệ được nhận định là xu hướng đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm đưa những công nghệ tiên tiến hơn, hiệu quả hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường để hướng đến tăng trưởng xanh -giảm khí thải, tiết kiệm năng lượng. Điển hình như các doanh nghiệp của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ...
Thực tiễn tại các nước cũng cho thấy, việc thúc đẩy tăng trưởng xanh hay quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh tạo ra tiềm năng to lớn để đạt được phát triển bền vững và giảm đói nghèo với tốc độ cao đối với tất cả các quốc gia. Riêng đối với các nước đang phát triển, tăng trưởng xanh còn tạo đà cho một bước nhảy vọt để phát triển kinh tế mà không theo con đường phát triển kinh tế “ô nhiễm trước, xử lý sau,” “kinh tế nâu.”
Công nghiệp 4.0 - thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ
PGS. TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ TN&MT) khẳng định: Đổi mới công nghệ hướng tới phát triển kinh tế xanh là hướng đi đúng và phù hợp với xu thế phát triển mới của doanh nghiệp hiện nay, không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn mang lại hiệu quả của nền kinh tế xét trong dài hạn để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Trong bối cảnh Hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, nhất là tới đây, Việt Nam tham gia Hiệp định Tự do thương mại với châu Âu và Hiệp định xuyên Thái Bình Dương - TPP, nếu doanh nghiệp sớm đổi mới công nghệ phù hợp với các tiêu chuẩn cao của thế giới, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội tham gia vào thị trường khu vực và toàn cầu.
Đòn bẩy trước ngưỡng cửa 4.0
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại xóa bỏ các hàng rào bảo hộ giữa các quốc gia và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với các công nghệ thế hệ mới đã và sẽ tác động mạnh mẽ tới các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, mở ra cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp và cơ quan quản lý, hoạch định chính sách về chuyển giao công nghệ.
Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hóa thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh, buộc các doanh nghiệp phải rà soát lại mô hình kinh doanh; cải thiện phương thức cung cấp sản phẩm, dịch vụ; không ngừng đổi mới công nghệ. Kỷ nguyên số với các công nghệ mới, nền tảng điều hành mới sẽ tác động mạnh mẽ tới hoạt động quản lý Nhà nước về công nghệ, thẩm định và chuyển giao công nghệ các dự án đầu tư theo hướng đảm bảo môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng, thu hút đầu tư nước ngoài để gia tăng nguồn lực phát triển đất nước, đồng thời phải kiểm soát được thực trạng công nghệ, đặc biệt là công nghệ trong các dự án đầu tư để đảm bảo gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.
Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi được Quốc hội thông qua ngày 19/6/2017 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2018, tạo môi trường pháp lý thuận lợi thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao.
Luật đã được bổ sung chính sách “thúc đẩy phong trào sáng tạo, đổi mới của tổ chức, cá nhân”; bổ sung các nội dung coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ tiên tiến, công nghệ cao từ nước ngoài vào Việt Nam; bổ sung quy định “Nhà nước chú trọng hỗ trợ thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra trong nước. Luật có một mục gồm 6 điều quy định cụ thể việc hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khuyến khích tổ chức, cá nhân lao động sản xuất, sáng chế, sáng tạo như ý kiến của các đại biểu...
Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Luật đưa ra một số giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc từ thực tiễn đối với việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như: Giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; công bố kết quả hoạt động KH&CN phục vụ nhu cầu đổi mới sáng tạo của tổ chức, cá nhân; hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động KH&CN với tổ chức ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương trong việc hoàn thiện kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ để phù hợp đặc thù của địa phương được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước dành cho KH&CN.
Luật cũng bổ sung một số biện pháp hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ như: Đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, thành lập tổ chức R&D; cơ chế liên kết giữa tổ chức KH&CN với doanh nghiệp; mở rộng nội dung chi của Quỹ Phát triển KH&CN của doanh nghiệp; khuyến khích các hình thức hợp tác để triển khai các dự án đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng và hoạt động nghiên cứu chung với doanh nghiệp.
Nguồn tin: Tài nguyên & Môi trường