Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) phối hợp với McKinsey & Company vừa công bố báo cáo cho rằng trong 10 năm tới, thế giới cần nguồn vốn tín dụng lên tới 103.000 tỷ USD để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Báo cáo "Tăng nguồn tín dụng, giảm bớt khủng hoảng: Đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng đang gia tăng của thế giới" cho rằng việc đáp ứng nhu cầu tín dụng đang ngày càng gia tăng sẽ là một thách thức to lớn của toàn thế giới . Xét trên bình diện toàn cầu, bảo hộ tài chính có thể cản trở hoạt động tài trợ qua biên giới vốn mang lại nguồn tín dụng thỏa đáng trong thập kỷ tới khi mà tình trạng mất cân bằng toàn cầu vẫn còn dai dẳng kéo dài.
Thêm vào đó, các khu vực sẽ phải đương đầu với nhiều vấn đề khác nhau. Châu Á sẽ đối mặt với thách thức mức tăng cầu tín dụng 40.000 tỷ USD trong bối cảnh hệ thống tài chính và các thị trường chưa phát triển. Liên minh châu Âu cần khoảng 13.000 tỷ USD dưới hình thức vốn vay của ngân hàng. Để đáp ứng nhu cầu này các ngân hàng cần vốn bổ sung và có thể thiếu hụt khoảng 2.000 tỷ USD.
Báo cáo cũng cho thấy nước Mỹ vẫn cần thu hút thêm tiền của nước ngoài khoảng 3.800 tỷ USD để tài trợ cho các nhu cầu tín dụng trong nước, nếu tỷ lệ tiết kiệm của người dân vẫn ở mức như hiện nay.
Giám đốc dịch vụ tài chính Gian Carlo Bruno của WEF cho rằng các nhà lãnh đạo cả khu vực công và tư cần hành động để tránh "góp phần" gây ra những “điểm nóng” và “điểm lạnh” về tín dụng. Tới năm 2020, sẽ có tín dụng bán lẻ ở nhóm nước vốn chiếm khoảng 50% GDP toàn cầu. Ngược lại, các điểm nóng tín dụng được dự đoán sẽ thuộc về nhóm các nước nhỏ hơn chỉ chiếm 13-14% GDP toàn cầu. Nhìn chung, châu Á và Tây Âu sẽ vẫn là động lực chính gây ra các điểm nóng tín dụng từ nay đến năm 2020.
Báo cáo cũng nhận thấy thế giới có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng gia tăng nói trên, nhưng các tổ chức tài chính, các nhà hoạch định và điều hành chính sách cần có thêm các chỉ số về cho vay không bền vững, nguy cơ lây lan, thiếu tín dụng và cơ chế tốt hơn để đảm bảo tín dụng thúc đẩy phát triển.
Giám đốc Charles Roxburgh của McKinsey Global Institute cho rằng hệ thống ngân hàng giữ vai trò thiết yếu trong việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và báo cáo nêu bật những cách mà thế giới có thể làm để giảm bớt nguy cơ khủng hoảng, trong đó chú trọng thúc đẩy các thị trường vốn ở các nước đang phát triển để hỗ trợ sự tiếp tục thành công về kinh tế.
Nguồn: THX, AFP