Để sử dụng Satthep.net, Vui lòng kích hoạt javascript trong trình duyệt của bạn.

To use Satthep.net, Please enable JavaScript in your browser for better use of the website.

Loader

Campuchia: Thị trường lớn cho thép Việt

Vị trí địa lý thuận lợi, nhu cầu lớn, Campuchia đang được coi như thị trường hấp dẫn cho doanh nghiệp thép Việt Nam.

Cơ hội lớn

Việt Nam – Campuchia có vị trí địa lý và giao thông thuận lợi: Chung đường biên giới dài 1.137km. 10 tỉnh của Việt Nam tiếp giáp với 9 tỉnh của Campuchia; 10 cửa khẩu quốc tế, 13 cửa khẩu quốc gia, 25 cửa khẩu phụ và nhiều đường mòn, lối mở. Địa hình bằng phẳng, hệ thống kênh, rạch đi lại thuận lợi, tạo điều kiện vận chuyển dễ dàng, nhanh chóng hàng hóa. Đáng chú ý, kinh tế Campuchia tăng trưởng khá nhanh thời gian qua, nhu cầu về vật liệu xây dựng, trong đó có thép để xây dựng hạ tầng, phát triển các ngành công nghiệp lớn.

Bên cạnh đó, Việt Nam và Campuchia đã có tổng cộng 9 hiệp định và nghị định thư thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại. Trong đó, Hiệp định mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thương mại khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia cho phép thanh toán tại khu vực biên giới giữa hai nước được thực hiện bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi hoặc tiền Đồng Việt Nam hoặc tiền Riel Campuchia. Sự thông thoáng trong thanh toán cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước thuận lợi hơn trong kinh doanh.

Ông Nguyễn Đình Phúc - Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thép Miền Nam - doanh nghiệp xuất khẩu hàng chục nghìn tấn thép mỗi tháng vào thị trường Campuchia – nhận định: Campuchia là thị trường đầy tiềm năng cho doanh nghiệp sản xuất thép trong nước. Cơ hội này đến từ việc Campuchia chưa có nhà máy sản xuất thép. Mặt hàng này chủ yếu được nhập khẩu từ các quốc gia láng giềng.

Sức ép cạnh tranh không nhỏ

Dù nhận định đây là thị trường nhiều tiềm năng nhưng ông Nguyễn Đình Phúc cũng cho rằng, xuất khẩu thép sang Campuchia, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Thị trường có nhiều khoảng trống, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh gay gắt với những nước có thế mạnh về sản xuất thép như Thái Lan, Trung Quốc. Ngoài ra, sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất trong nước nhằm giành thị phần cũng quyết liệt không kém. Thực tế, với trình độ đồng đều về công nghệ của các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam, xuất khẩu thép thành phẩm sang Campuchia chủ yếu là “cuộc chiến” về giá.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phúc dự báo: Năm 2016, xuất khẩu thép sang thị trường Campuchia sẽ khó khăn hơn. Nguyên nhân do Campuchia nhận được nhiều vốn ODA từ Trung Quốc. “Đặc điểm của ODA Trung Quốc là họ sẽ tham gia quản lý, xây dựng, cung ứng vật tư. Do đó, họ chỉ sử dụng thép Trung Quốc” - đại diện Công ty Thép Miền Nam đánh giá.

Trước thực tế này, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu thép trong nước mong được nhà nước hỗ trợ, cung cấp thông tin thị trường, khách hàng; thông tin về các dự án đã và sắp triển khai… để khai thác. Hiện các doanh nghiệp thép cũng đang đề nghị các cơ quan chức năng sớm đưa ra giải pháp toàn diện để phát triển sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh…

Campuchia hiện là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á. Theo số liệu của Bộ Công Thương, 9 tháng đầu năm 2015, Việt Nam xuất khẩu sang quốc gia này gần 1,9 tỷ USD.

Nguồn tin: Xây dựng

ĐỌC THÊM